Siết vay bảo lãnh, nợ công sẽ giảm

(ĐTTCO) - Đến cuối năm 2016, nợ công của Việt Nam đã ở ngưỡng 64,73% GDP, nợ chính phủ ở mức 53,62% GDP. Những ngưỡng này đều nằm dưới mức cho phép của Quốc hội. Tuy nhiên, một tỷ lệ đáng kể đóng góp vào nợ công là nợ bảo lãnh chính phủ (BLCP), khi đến cuối năm 2016 chiếm 10,2% GDP. Trao đổi với ĐTTC, ông HOÀNG HẢI, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), cho biết:

(ĐTTCO) - Đến cuối năm 2016, nợ công của Việt Nam đã ở ngưỡng 64,73% GDP, nợ chính phủ ở mức 53,62% GDP. Những ngưỡng này đều nằm dưới mức cho phép của Quốc hội. Tuy nhiên, một tỷ lệ đáng kể đóng góp vào nợ công là nợ bảo lãnh chính phủ (BLCP), khi đến cuối năm 2016 chiếm 10,2% GDP. Trao đổi với ĐTTC, ông HOÀNG HẢI, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), cho biết:

Giám sát, chế tài theo Nghị định 04 

Mức BLCP giảm từ 80% tổng mức đầu tư của chương trình, dự án xuống còn không vượt quá 70%, tùy theo cấp độ quan trọng của chương trình, dự án: tối đa 70% đối với các dự án cấp bách được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư; tối đa 60% đối với các dự án nhóm A có tổng mức đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở lên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư; tối đa 50% đối với các dự án khác.

(Trích Nghị định 04)

Gánh nặng nợ công từ những rủi ro của nợ BLCP đang đặt ra thách thức, cần phải có những thay đổi. Thực tế việc cấp và BLCP có vai trò quan trọng trong sự thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam những năm qua, đặc biệt trong việc đẩy nhanh các công trình trọng điểm và cấp bách.

Giai đoạn 2011-2015, sau khi Luật Quản lý nợ công được ban hành (có hiệu lực từ 1-1-2010) đã hình thành khung pháp lý về BLCP, cùng với đó là sự ra đời của Nghị định 15/2011 quy định chi tiết về cấp và BLCP.

Trong giai đoạn này, nghĩa vụ nợ dự phòng từ BLCP đã tạo áp lực lên nợ công cũng như áp lực nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ trong tương lai. Nguyên nhân do các doanh nghiệp được BLCP không trả được nợ, Chính phủ buộc phải can thiệp nên nghĩa vụ nợ dự phòng trở thành nghĩa vụ nợ trực tiếp.

 Chính vì thế, việc quản lý nợ BLCP cần phải chặt chẽ hơn, phân định rõ trách nhiệm trong việc quản lý bảo lãnh. Năm 2016 việc cấp và BLCP tiếp tục được thực hiện theo hướng tăng cường việc kiểm soát chặt chẽ theo tinh thần Chỉ thị 02 của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này.

Trong năm nay, Bộ Tài chính cũng không thực hiện cấp khoản bảo lãnh nào trong nước, chỉ cấp cho 1 dự án vốn vay nước ngoài trị giá 170 triệu USD. Như vậy, mức rút vốn ròng của các khoản vay BLCP giảm rất mạnh 20% so với mức dự kiến của năm 2016.

Về cơ bản, các chính sách bảo lãnh và Nghị định 15 đáp ứng được yêu cầu của Chính phủ trong việc hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn từ ngân hàng nước ngoài và trong nước với thời hạn dài cho đầu tư phát triển. Song thực tế nếu không có sự hỗ trợ của Chính phủ, doanh nghiệp sẽ rất khó khăn huy động vốn.

Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện, một số nội dung tại Nghị định 15 đã bộc lộ những tồn tại và hạn chế. Chính vì thế tháng 1 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 04 thay thế, sửa đổi tồn tại trong quản lý cấp BLCP (có hiệu lực từ 1-3) về cơ chế giám sát và chế tài, cũng như vai trò của các cơ quan tổ chức liên quan, nhất là các bộ, ngành chưa rõ ràng.

Điều kiện vay ngặt nghèo hơn

PHÓNG VIÊN: - Vậy ông có thể nói rõ hơn đến nay đã có bao nhiêu dự án chuyển thành nợ trực tiếp của Chính phủ? 

Ông HOÀNG HẢI: - Phần lớn nợ BLCP là dự án quy mô lớn và cho dù đánh giá kỹ đến mấy vẫn có khả năng rủi ro xảy ra. Theo quy định của Luật Quản lý nợ công, khi doanh nghiệp chưa có có khả năng trả nợ, Quỹ tích lũy trả nợ đứng ra ứng tiền và doanh nghiệp phải nhận nợ bắt buộc với quỹ.

Hiện nay, Bộ Tài chính đã yêu cầu một số doanh nghiệp nhận nợ bắt buộc như dự án xi măng Hạ Long, xi măng Đồng Bành, giấy Phương Nam. Khi các doanh nghiệp chưa bị phá sản, các khoản nợ này chuyển thành nợ dự phòng vì chưa chuyển thành nợ trực tiếp của Chính phủ.

 Một số dự án đã tái cơ cấu như xi măng Tam Điệp, xi măng Hoàng Mai, còn đến nay đã hoạt động bình thường trở lại, trả được nợ BLCP và nợ chính phủ hỗ trợ. Hiện nay, theo đề án tái cơ cấu của Chính phủ còn có 2 dự án xi măng Hạ Long, Đồng Bành. Với dự án xi măng Đồng Bành, chúng tôi đã xin ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và được chuyển đổi chủ đầu tư sang Vinsai Ninh Bình và đơn vị này đã tiếp nhận, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ nợ.

Dự án xi măng Hạ Long cũng đã chuyển sang VICEM (Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam). Trong khi đó dự án Giấy Phương Nam không có khả năng thu hồi được vốn và Chính phủ đang phải trả nợ thay. Bộ Tài chính đang đàm phán với đối tác là ngân hàng của Áo về phương án tài chính để chia sẻ rủi ro với khoản nợ này.

Cũng xin nói rõ là dù đứng ra bảo lãnh nhưng các khía cạnh kỹ thuật Bộ Tài chính không nắm được, vì có những vấn đề phát sinh từ nhà tài trợ, nhà cung cấp.

- Việc chuyển từ nghĩa vụ trả nợ của doanh nghiệp sang Chính phủ, cho thấy việc thẩm định dự án trước khi cấp BLCP vẫn còn có những tồn tại. Ông nghĩ sao về điều này?

- Trước kia khi thẩm định các dự án BLCP phần lớn dựa trên giải trình của chủ dự án, trong khi không có trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan. Thí dụ Bộ Xây dựng trong quy hoạch, phát triển xi măng; Bộ Công Thương trong quy hoạch, phát triển ngành điện… về sự phù hợp của dự án.

Nhưng ở Nghị định 04, bên cạnh Bộ Tài chính, các bộ, ngành phải có trách nhiệm rõ ràng hơn về mặt chuyên môn, khi dự án phát sinh rủi ro sẽ xem xét lại ý kiến của các bộ, ngành, trách nhiệm giải trình lại.

- Theo Nghị định 04, điều kiện để doanh nghiệp được cấp BLCP là không có nợ quá hạn, tình hình tài chính lành mạnh… Vậy phải chăng đây là các biện pháp để siết chặt hơn BLCP?

- Điều kiện bảo lãnh ngặt nghèo thể hiện quan điểm của Chính phủ là định hướng. Trước kia khi nền kinh tế phát triển, việc Chính phủ hỗ trợ là một trong những điều kiện đặt ra khi vay nước ngoài. Nhưng hiện nay khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình, điều kiện tiếp nhận ODA đã không còn; giữa năm nay sẽ không còn tiếp nhận vốn IDA của Ngân hàng Thế giới (vốn vay ưu đãi IDA từ Hiệp hội Phát triển Quốc tế thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới); hết năm 2018 không còn tiếp nhận vốn ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển châu Á.

Nghĩa là quan điểm tiếp nhận nợ công phải thay đổi. Theo đó, các doanh nghiệp thay vì dựa vào sự hỗ trợ của Nhà nước sẽ phải đối mặt những vấn đề tài chính của mình, ngân hàng cũng không thể dựa vào bảo lãnh vô điều kiện của Chính phủ.

Vì vậy, điều kiện được BLCP được đưa ra với yêu cầu khắt khe hơn, nhằm giảm dần tỷ trọng nợ BLCP trong cơ cấu của nợ công, từ đó ủng hộ doanh nghiệp tiếp cận ngân hàng, định chế nước ngoài không qua BLCP.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác