Rủi ro cho vay ĐMT từ đâu?

(ĐTTCO) - Hàng loạt dự án ĐMT với vốn đầu tư ngàn tỷ đồng đang được xây dựng và đưa vào vận hành. Song cũng như cho vay BOT trước đây, nhiều NH đang đứng trước cơ hội kinh doanh lớn nhưng rủi ro cũng không ít, bởi các dự án ĐMT đang đối mặt với nhiều vấn đề trong việc mua bán điện với đơn vị độc quyền mua là EVN.

Đầu tư nhà máy ĐMT vốn ngàn tỷ
1.672 tỷ đồng (tương đương 70 tỷ USD) là tổng vốn được CTCP Năng lượng QN (Hàn Quốc) đầu tư xây dựng dự án nhà máy ĐMT QNY tại Khu kinh tế Nhơn Hội (Bình Định). Dự án này được Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngày 6-5. 
 Phát triển NLTT phải đi cùng quản lý rủi ro môi trường, nhất là việc xử lý pin mặt trời đã qua vòng đời sử dụng đang là vấn đề đau đầu của nhiều nước phát triển.
Không chỉ nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư trong nước cũng đã và đang đầu tư vốn khủng vào lĩnh vực này. Cụ thể, tại Ninh Thuận, Tập đoàn BIM Group vừa khánh thành cụm 3 nhà máy BIM 1, BIM 2 và BIM 3 có quy mô lớn nhất Đông Nam Á, với tổng vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng.
Trung Nam Group khánh thành và vận hành tổ hợp trang trại ĐMT và điện gió giai đoạn 1, trong đó trang trại ĐMT có tổng vốn đầu tư 6.000 tỷ đồng. Tại Đắk Lắk, cụm công trình Nhà máy ĐMT Srêpốk 1 và Quang Minh được khánh thành vào tháng 3 cũng có vốn đầu tư khoảng 2.200 tỷ đồng.
Những khoản đầu tư lên đến ngàn tỷ đồng để xây dựng nhà máy ĐMT như vậy liên tục nở rộ kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 11/2017, về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án ĐMT tại Việt Nam. Sức hấp dẫn không chỉ đến từ các ưu đãi về vốn đầu tư, thuế và đất đai, mà còn đến từ mức giá bán điện 2.086 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương với 9,35 cent/kWh) và được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá VNĐ/USD. 
Rủi ro cho vay ĐMT từ đâu? ảnh 1 Một dự án điện mặt trời tại biển cát Nhơn Hội, Bình Định. Ảnh: Ngọc Oai 
Chỉ sau hơn 1 năm có hiệu lực, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đã ghi nhận 100 dự án ĐMT quy mô lớn được bổ sung vào quy hoạch điện cấp tỉnh/quốc gia, và gần 750 dự án lắp mái được triển khai. Đầu năm 2019, Chính phủ đồng ý với kiến nghị Bộ Công Thương bổ sung thêm 17 dự án đã hoàn thành thẩm định vào quy hoạch ĐMT trong bối cảnh các dự án đã gấp 9 lần so với quy hoạch điện VII và nhiều hệ thống truyền tải điện đã đầy tải, quá tải. Tính cả số dự án bổ sung này, tổng cộng gần 140 dự án ĐMT được đưa vào quy hoạch.

Mấu chốt rủi ro từ EVN
Cũng như nhiều lĩnh vực khác, các dự án ĐMT ngàn tỷ đồng dựa phần lớn vào nguồn tín dụng NH. Điển hình mới đây dự án nhà máy ĐMT BP Solar 1 có tổng mức đầu tư 1.315 tỷ đồng đã được Vietcombank cấp khoản tín dụng 785 tỷ đồng. Năm ngoái, Vietinbank cấp khoản tín dụng đến 1.000 tỷ đồng tài trợ cho dự án nhà máy TTC 1 (tổng mức đầu tư dự kiến 1.600 tỷ đồng). Agribank cho vay 490 tỷ đồng tại dự án ĐMT Phong Điền, Thừa Thiên Huế (tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng). 
Năm ngoái HDBank triển khai chương tình tài trợ dự án ĐMT kéo dài đến năm 2020 với quy mô 7.000 tỷ đồng. Đầu năm nay NH cấp gói vay 1.400 tỷ đồng cho dự án Sao Mai PV1. OCB ký hợp đồng thu xếp tài trợ bổ sung vốn lưu động cho TTC Energy (thành viên của Tập đoàn Thành Thành Công) và tài trợ đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời cho thuê. Tài sản bảo đảm là hệ thống năng lượng mặt trời hình thành từ vốn vay, tỷ lệ tài trợ lên đến 70% tổng giá trị đầu tư của dự án. 
Trong bối cảnh ĐMT nằm trong chiến lược phát triển năng lượng của quốc gia, việc các NH cởi mở cấp hạn mức tín dụng cao đã tạo thêm động lực để các dự án ĐMT phát triển. Để giảm rủi ro, các NH cho biết sẽ ưu tiên các dự án ĐMT trong quy hoạch đã được phê duyệt bổ sung vào dự án điện quốc gia đến năm 2020.
Đặc biệt các dự án có khả năng đấu nối trước ngày 30-6-2019 sẽ được ưu tiên tín dụng. Như vậy, không phải dự án nào cũng dễ dàng tiếp cận vốn vay NH. Bởi lẽ, NHNN dự kiến siết chặt tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, đồng thời lưu ý các NH cho vay ngàn tỷ đồng thời hạn dài. 
Điều đáng nói, trong phụ lục mua bán điện, EVN đặt ra quy định được nhả tải khi quá tải trong hợp đồng mua bán điện. EVN là đơn vị độc quyền mua bán điện đang nắm đằng chuôi trong giao dịch này, nếu hệ thống truyền tải điện đầy tải, EVN có quyền không mua.
Theo công bố, hiện nay các dự án đã vượt quy hoạch điện VII và nhiều hệ thống truyền tải điện đã đầy tải, quá tải. Trong khi các dự án NLTT có thời gian thi công khoảng 6-12 tháng, nhưng việc xây dựng các lưới truyền tải điện của EVN mất 3-5 năm. Chênh lệch thời gian xây dựng sẽ là rào cản để truyền tải hết công suất của các dự án ĐMT, nhất là những dự án tập trung ở một khu vực. Rủi ro hoàn toàn có thể xảy ra trong điều kiện như vậy, và càng đáng nói hơn hiện vẫn có nhiều đơn vị chưa được đấu nối đã vay vốn NH để đầu tư nhà máy.

Cần chính sách hỗ trợ
Trước đây, với nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) được khuyến khích và các dự án BOT giao thông đường bộ phát triển rất nhanh. Song phần lớn dự án BOT được thực hiện chủ yếu bằng tiền vay từ NH. Các dự án này vay với thời hạn 15-30 năm nhưng phải mất 5-7 năm mới thi công xong để thu phí.
Và NH nào ký được hợp đồng cho vay dự án BOT cầm chắc thắng, rủi ro gần như bằng 0. Nhưng rủi ro mà ít NH tính đến và hiện đang hiện hữu là những rủi ro về chính sách và đội vốn cũng khiến nhiều dự án ngưng trệ không có dòng tiền trả nợ. Việc tập trung cho vay những dự án này dẫn đến một số NH mất cân đối kỳ hạn trên bảng cân đối cho đến nay.
Với ĐMT, dù thời hạn vay ngắn hơn BOT nhưng cũng từ 1-3 năm đối với hệ thống áp mái, 10-12 năm đối với các nhà máy lớn. Về giá bán, những dự án vận hành trước 30-6-2019 mới được áp dụng mức giá 9,35 cent/kWh, dự án vận hành sau thời gian này vẫn chưa có mức giá mua bán. 
Liên quan đến vấn đề này, giới chuyên gia nhận định, phát triển NLTT trong đó có ĐMT là định hướng cần thiết để bảo vệ môi trường và cần khuyến khích thay vì hạn chế. Nhưng khuyến khích phải kèm chính sách hỗ trợ chủ đầu tư tìm những nguồn vốn hợp lý hơn.
Ở nhiều nước trên thế giới, nguồn vốn để phát triển lĩnh vực này đến từ vốn chính sách hỗ trợ cho các dự án liên quan đến môi trường. Việt Nam chưa có sự hỗ trợ như vậy, nhưng có thể khuyến khích doanh nghiệp tìm nguồn tài chính khác, như hợp tác với đối tác nước ngoài, các quỹ đầu tư, phát hành trái phiếu doanh nghiệp xanh…  

Các tin khác