Rất ít Bộ, ngành nghiêm túc thực hiện cắt giảm điều kiện kinh doanh

(ĐTTCO)- Chính phủ chỉ đạo xoá bỏ mạnh mẽ các điều kiện kinh doanh từ tháng 8 năm ngoái, đến nay đã được 10 tháng nhưng rất ít Bộ, ngành nghiêm túc thực hiện.
Rất ít Bộ, ngành nghiêm túc thực hiện cắt giảm điều kiện kinh doanh

Tại Hội thảo “Triển vọng kinh tế Việt Nam 2018 đến năm 2020” do Tạp chí Nhà Đầu tư phối hợp với Công ty Kiểm toán quốc tế KPMG Việt Nam tổ chức sáng 15/5, tại Hà Nội, các chuyên gia kinh tế đánh giá, những kết quả mà nền kinh tế cả nước đạt được trong thời gian qua là rất khả quan. Tuy vậy, trong quá trình phát triển vẫn tồn tại nhiều hạn chế ở một số lĩnh vực như: cải cách thể chế còn chậm, phát triển công nghiệp còn yếu và thiếu.

Đánh giá về việc cải cách thể chế thời gian qua, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) chia sẻ, mặc dù đã đạt được một số kết quả, song tốc độ cải cách vẫn chậm và chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp.

"Chúng ta nói rất nhiều về cải cách thể chế. Nghị quyết 19 của Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2015 môi trường kinh doanh của Việt Nam đạt mức trung bình của Asean 4, nhưng hiện khoảng cách vẫn rất xa. Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam phải xếp thứ 40 trên thế giới, thực tế hiện đang đứng ở vị trí 86. Cùng với đó, Chính phủ chỉ đạo xoá bỏ mạnh mẽ các điều kiện kinh doanh từ tháng 8 năm ngoái, đến nay đã được 10 tháng nhưng rất ít Bộ, ngành nghiêm túc thực hiện".

Bàn về phương thức cải cách thể chế sao cho hiệu quả, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, cần thay đổi tư duy ở cấp nhân viên, chuyên viên, chứ không chỉ dừng lại ở tầm lãnh đạo. "Thay đổi tư duy trong bộ máy hành chính là một nội dung quan trọng của cải cách thể chế, từng bước bám sát trình độ tư duy của thế giới. Việt Nam thường phải có luật rồi mới cho làm, dẫn đến hạn chế sức sáng tạo”.

Ở một khía cạnh khác, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa tỏ ra lo ngại về phát triển công nghiệp của Việt Nam: Công nghiệp chế tạo của Việt Nam hiện nay gần như nằm trong tay người nước ngoài, mà cụ thể là khối FDI. Trong khi Việt Nam kỳ vọng trở thành một nước công nghiệp.

Tuy nhiên phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, đây là mục tiêu không hề dễ dàng. 4 nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á là Philipines, Thái Lan, Indonesia và Malaysia đã thất bại trong nỗ lực công nghiệp hoá. Các chuyên gia của họ từng khẳng định, cơ hội để các nước Đông Nam Á trở thành một nước công nghiệp đã hết và không bao giờ quay trở lại.

Bởi hiện nay các nước gần như đã mở cửa, các nền kinh tế phát triển sẽ không dễ dàng chuyển giao công nghệ. Để thành công, Việt Nam cần sự đầu tư và nỗ lực rất lớn của cả hệ thống doanh nghiệp lẫn chính quyền, các nhà làm chính sách. Có thể học hỏi kinh nghiệm của Đài Loan, bởi đây là nền kinh tế thành công nhất trong lĩnh vực công nghiệp điện tử tại khu vực Đông Bắc Á. Năm 1962, thu nhập đầu người của Đài Loan chỉ bằng một nửa Malaysia, nhưng  nay đã tăng gấp 3 lần.

Trước những phân tích về mặt còn hạn chế của nền kinh tế Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, còn rất nhiều việc tiếp tục phải làm nhằm hiện thực hóa những nhân tố thúc đẩy tăng trưởng. Đó là, trước hết, phải tiếp tục đổi mới thể chế. “Đây được coi là động lực mang tính nền móng, căn bản đối với tăng trưởng kinh tế, vừa là sự cần thiết phải đổi mới trong bối cảnh có nhiều thay đổi diễn ra nhanh chóng, vừa là yêu cầu bắt buộc để phát triển”.

Tiếp đó, nâng cao năng suất lao động là nhân tố quan trọng nhất nhằm cải thiện chất lượng tăng trưởng, thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng. Đặc biệt cần tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra nhanh, mạnh như vũ bão.

“Đây là giải pháp hiệu quả nhất để nâng cao năng suất lao động, giúp các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam có thể đẩy nhanh tốc độ, thu hẹp dần khoảng cách với các nước phát triển trên thế giới”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ quan điểm, cần phải phát triển khu vực kinh tế tư nhân, thông qua sự liên kết mạnh mẽ giữa khu vực kinh tế trong nước với khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

“Dư địa còn nhiều, vấn đề nằm ở chỗ, làm thế nào khai thác được các dư địa này một cách nhanh, hiệu quả. Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, chúng ta không được phép lơ là, bỏ qua những khó khăn, thách thức cả trước mắt và lâu dài”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Các tin khác