Quỹ không 'thủng' ngân sách cũng ‘vỡ’

(ĐTTCO)- Chuyên gia tài chính PGS - TS.Ngô Trí Long đề nghị Nhà nước cần thận trọng với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, trong bối cảnh ngân sách đang hết sức khó khăn, bộ máy công chức cồng kềnh.

(ĐTTCO)- Chuyên gia tài chính PGS - TS.Ngô Trí Long đề nghị Nhà nước cần thận trọng với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, trong bối cảnh ngân sách đang hết sức khó khăn, bộ máy công chức cồng kềnh.

 

-Ngân sách không kham nổi tiền lương

* Một trong những lý do Bộ LĐ-TB-XH đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu do lo ngại Quỹ bảo hiểm xã hội cứ đóng như hiện nay sẽ bị vỡ. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Ngô Trí Long: Lý giải cho việc tăng tuổi hưu, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, với mức đóng góp và mức hưởng chế độ như quy định hiện hành và số dư Quỹ tính đến cuối năm 2012 (gần 250.000 tỉ đồng), đến năm 2023, số thu sẽ bằng số chi. Đến năm 2037, nếu không điều chỉnh chính sách hoặc không phát triển mạnh đối tượng, tăng thu hoặc giảm chi thì số thu BHXH sẽ không đảm bảo khả năng chi trả, hay nói cách khác là vỡ Quỹ.

Nói như vậy là chưa thuyết phục, vì hiện nay thu-chi Quỹ Bảo hiểm xã hội đâu chỉ có dựa vào mỗi con đường đóng góp của những người tham gia. Cái chính ở chỗ, nó được quản lý chưa hiệu quả, minh chứng rõ nhất nằm ở nợ đọng Quỹ BHXH rất lớn, thậm chí có rất nhiều DN trốn không đóng, gây thất thoát.

Bên cạnh đó, quản lý nguồn thu cũng còn chưa hiệu quả, số tiền rất lớn lên tới hàng trăm nghìn tỉ đồng nhưng khả năng sinh lời rất kém. Chúng ta cần phải đặt vấn đề lên bàn cân, nhìn một cách toàn diện, nhiều chiều, xem có phải sợ vỡ Quỹ không hay đề xuất hướng đến mục tiêu nào khác.

* Vậy còn tác động của việc tăng tuổi nghỉ hưu đối với cân đối ngân sách thì sao, thưa ông?

Ngân sách chúng ta mấy năm nay vô cùng khó khăn, bội chi thường vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. Chi thường xuyên chiếm tới 65-70% tổng chi ngân sách, trong đó chủ yếu chi nuôi bộ máy công chức cồng kềnh. Thậm chí, có những lúc khó khăn, chúng ta phải vay tiền thay vì đi đầu tư, phải trích ra để ăn, nuôi bộ máy; vay đảo nợ.

Nay tăng tuổi hưu lên sẽ tạo áp lực càng lớn, ngân sách càng căng thẳng hơn, bởi những người có thâm niên lâu năm, hệ số lương của họ rất cao. Nữ tăng thêm 5 năm, nam tăng thêm 2 năm, như vậy ngân sách phải tiếp tục trả thêm 7 năm nữa sẽ rất khó để cân đối.

Đành rằng, những người trẻ lương thấp san đi, bù lại, nhưng rõ ràng không thấm vào đâu. Chúng ta lo vỡ Quỹ nên phải tăng tuổi hưu, nhưng sợ Quỹ không thủng thì ngân sách cũng vỡ rồi.

Đừng đánh đồng, nên chọn đối tượng

* Như vậy quan điểm của ông là chúng ta không nên tăng tuổi nghỉ hưu vì đội ngũ công chức nay còn quá cồng kềnh, ngân sách chi lương quá lớn?

Không hoàn toàn như vậy. Như tôi đã nói, tăng hay không ta phải phân tích, nghiên cứu trên nhiều mặt, nhiều góc độ, trong đó có vấn đề tài chính, tác động đến ngân sách; vấn đề năng suất lao động, sức khoẻ… Điểm quan trọng, hiện nay chủ trương tinh giản biên chế của chúng ta nói mãi nhưng vẫn chưa làm được. Ta luôn khẳng định rất nhiều cán bộ, công chức làm việc không hiệu quả kiểu “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” nhưng vẫn hưởng lương hệ số, phụ cấp bằng người làm việc gấp 3-4 lần. Vậy làm sao mà bộ máy chất lượng, gọn nhẹ, cạnh tranh và không bội chi? Chưa xử lý được gốc gác vấn đề đó mà chỉ đi giải quyết phần ngọn, tăng tuổi hưu thì không ổn chút nào.

* Nhưng có rất nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục, khoa học để các giáo sư, phó giáo sư, bác sĩ nghỉ hưu sớm rất lãng phí, vì họ có chất xám, có kinh nghiệm?

Đó là vấn đề chúng ta cần cân nhắc. Theo tôi, tăng tuổi hưu không nên đánh đồng tất cả mà phải tính toán dựa trên các ngành nghề khác nhau, đối tượng khác nhau. Một đặc điểm của nước ta trong bối cảnh hiện nay, ở độ tuổi 55-60, sức khoẻ giảm sút và yếu hơn so với các nước phát triển, chưa kể không ít người mắc bệnh nan y. Điều này cũng dễ hiểu thôi vì đất nước đang phát triển, điều kiện sinh hoạt từ ăn uống, đi lại, khám chữa bệnh chưa được đảm bảo. Do đó, nếu tăng thì sức khoẻ có đảm bảo được hay không, chứ không chỉ nhìn vào yếu tố tuổi thọ.

Đối với các chuyên gia trong lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học hay lĩnh vực cần sự sáng tạo cũng nên kéo dài thời gian làm việc cho họ, bởi họ có tay nghề cao, có kinh nghiệm không tận dụng sẽ rất thiệt thòi cho họ, cũng như cho đất nước. Nhưng các lĩnh vực lao động chân tay, nặng nhọc; lao động trực tiếp thì tăng để làm gì? Tăng mà không đảm bảo sức khoẻ thì sẽ càng dồn gánh nặng cho xã hội, cho ngân sách và ngay cả bản thân họ cũng không muốn điều đó.

Xin cảm ơn ông!

Các tin khác