Quỹ bình ổn giá xăng dầu: Ai hưởng lợi?

Phải đến cuối tháng 8 mới kiểm toán xong Quỹ bình ổn giá xăng dầu tại 11 doanh nghiệp đầu mối, song nhìn lại 3 năm từ khi ra đời, nhiều người đang hoài nghi về tính hiệu quả của Quỹ này.

Phải đến cuối tháng 8 mới kiểm toán xong Quỹ bình ổn giá xăng dầu tại 11 doanh nghiệp đầu mối, song nhìn lại 3 năm từ khi ra đời, nhiều người đang hoài nghi về tính hiệu quả của Quỹ này.

Sau các đợt xả Quỹ, người dân vẫn phải chấp nhận các đợt tăng giá xăng dầu ở mức kỷ lục. Gần đây nhất là 2 đợt tăng giá vào 24-2 và 29-3-2011, khiến giá xăng tăng tới 4.900 đồng/lít. Bỏ thêm gần 4.500 tỷ đồng/năm để trích Quỹ bình ổn, nhưng lợi ích mà người tiêu dùng xăng dầu cảm nhận được lại không lớn như mong đợi.       

Kể từ 15-12-2009, khi mua mỗi lít xăng, người tiêu dùng sẽ phải bỏ thêm 300 đồng/lít đóng góp hình thành Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Theo thông tư 234 của Bộ Tài chính, khi giá thế giới tăng, Quỹ xả ra để bù đắp chênh lệch phát sinh lỗ cho doanh nghiệp, tránh khỏi việc tăng giá bán lẻ. Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng lại cho rằng, không biết Quỹ bình ổn xăng dầu hoạt động như thế nào và họ thực sự không được hưởng lợi từ Quỹ.

Anh Lê Công Tuấn, Người dân nói: “Cũng thấy nói nhiều về Quỹ bình ổn, nhưng bản thân chúng tôi không biết gì về quỹ này, mà tiền là của người sử dụng xăng dầu đóng góp. Quỹ bình ổn ấy gần giống như Quỹ bình ổn các mặt hàng tiêu dùng, nhưng người dân không được hưởng, điều này cũng phải xem lại”.

Còn đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) lại cho rằng, lợi ích lớn nhất của Quỹ bình ổn giá xăng dầu là tại nhiều thời điểm khi giá thế giới biến động đẩy giá vốn lên cao, Quỹ giúp cho giá xăng dầu trong nước được ổn định.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính): “Nếu chúng ta không có tiềm lực của Quỹ để bình ổn giá khi giá thế giới tăng cao, trong giai đoạn cuối 2010, đầu 2011, chúng ta phải điều chỉnh giá lên mỗi lít xăng khoảng trên 2.000 đồng. Kể cả khi sử dụng hết Quỹ, vẫn còn cho các DN tiếp tục sử dụng Quỹ để trích sau bù vào để giữ ổn định giá”.

Dân nói không, cơ quan quản lý nói có. Chỉ có điều không ai có thể phủ nhận là Quỹ này hình thành từ nguồn tiền do người tiêu dùng xăng dầu đóng góp. Và sau các đợt xả Quỹ, người dân vẫn phải chấp nhận các đợt tăng giá xăng dầu ở mức kỷ lục.

Đến nay, khi giá xăng dầu thế giới liên tục giảm sâu, việc trích Quỹ vẫn tiếp tục, thậm chí còn tăng thêm 100 đồng/lít xăng. Cơ hội giảm giá bán lẻ trong nước tiếp tục đứng sau cùng vì còn phải chờ Nhà nước khôi phục thuế, đảm bảo doanh nghiệp có lãi và Quỹ có đủ tiềm lực dự phòng.

Trong một cơ chế điều hành như vậy, người dân không được giảm giá, còn doanh nghiệp vẫn lãi lớn. Ví dụ, năm 2009, Petrolimex lãi tới 2.880 tỷ đồng tiền kinh doanh xăng dầu. Năm 2010, số lãi này là 81 tỷ đồng. Dự kiến năm 2011, tính cho 4 tháng cuối năm, lãi xăng dầu khoảng 598 tỷ đồng.

Bỏ thêm gần 4.500 tỷ đồng một năm để trích Quỹ bình ổn, lợi ích mà người tiêu dùng xăng dầu cảm nhận được lại không lớn như mong đợi. Điều này khiến nhiều người hoài nghi, Quỹ bình ổn giá xăng dầu đang làm lợi cho dân hay để bù lỗ cho doanh nghiệp?

TS.Nguyễn Minh Phong, Chuyên gia kinh tế: “Quỹ bình ổn thực chất được trích ra từ túi tiền của người dân và trong bối cảnh Nhà nước chưa muốn cho tăng giá, thì Nhà nước sẽ bù cho DN bằng cách cho DN trích bù vào phần DN chịu lỗ do thực hiện giá mà Nhà nước áp đặt.

Đó là về nguyên lý. Về nguyên lý như vậy thì rõ ràng thực chất khoản tiền này vẫn là tiền của dân, vẫn là tiền người dân phải mua để giữ giá hình thức trong 1 bối cảnh nào đó, như thực tế cho thấy vừa qua thì hoạt động của Quỹ này không minh bạch, thiếu rõ ràng và đặc biệt hiệu quả chưa được đánh giá”.

Cũng theo ông Phong, đã đến lúc chúng ta cần xem lại việc có nên tiếp tục duy trì hoạt động của Quỹ này, mà tốt nhất là nên dừng lại, chỉ còn tăng thuế hoặc trích nộp ngân sách để đảm bảo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, để cho giá cơ sở được kiểm toán minh bạch và doanh nghiệp được phép điều chỉnh giá lên xuống theo cơ chế thị trường.

Trước đây, khi có Ban Vật giá Chính phủ, Quỹ bình ổn này cũng đã được lập ra và do Ban này quản lý sử dụng. Sau đó, vì hoạt động không hiệu quả nên đã bị hủy bỏ. 

Các tin khác