Quốc hội “nóng” với lạm phát, lãi suất, nhập siêu

Chiều 5-8, Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và các giải pháp cho những tháng cuối năm. Nhiều ý kiến tập trung đề cập đến vấn đề lạm phát tăng cao, việc cắt giảm đầu tư công còn biểu hiện cào bằng, nhập siêu tăng, lãi suất ngân hàng cao khiến hàng hoạt doanh nghiệp (DN) đình trệ sản xuất.

Chiều 5-8, Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và các giải pháp cho những tháng cuối năm. Nhiều ý kiến tập trung đề cập đến vấn đề lạm phát tăng cao, việc cắt giảm đầu tư công còn biểu hiện cào bằng, nhập siêu tăng, lãi suất ngân hàng cao khiến hàng hoạt doanh nghiệp (DN) đình trệ sản xuất.

  • Lạm phát kéo chất lượng cuộc sống xuống

Các doanh nghiệp sẽ đỡ “khát” vốn hơn

“Tôi có thể nói thêm là hiện nay đã có một số tín hiệu cho thấy khả năng giảm dần được lãi suất. Lãi suất liên ngân hàng đã giảm, lãi suất trái phiếu cũng đã rẻ hơn. Cộng với việc xem lại chi phí hợp lý của ngành ngân hàng, tôi cho rằng lãi suất thời gian tới có thể giảm. Ít nhiều thì như vậy các DN cũng sẽ đỡ “khát” vốn hơn”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ nói.

Các đại biểu (ĐB) đánh giá cao những giải pháp điều hành mà Chính phủ đang triển khai, giúp tình hình kinh tế - xã hội có nhiều tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, nhiều ĐB tập trung phân tích những mặt còn tồn tại với hy vọng Chính phủ nhiệm kỳ mới sẽ “có trái tim nóng bỏng đầy nhiệt huyết và cái đầu lạnh, bàn tay sạch để làm chuyển biến tình hình” - như ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) phát biểu.

Lạm phát cao là điều ĐB quan tâm hàng đầu. CPI tăng cao rất nhiều so với GDP. ĐB Nguyễn Bá Thuyền cho rằng, thu ngân sách cao nhưng chất lượng cuộc sống của người dân vẫn đi xuống do lạm phát cao.

ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) nhận xét, những khiếm khuyết của cơ cấu kinh tế, điều hành yếu kém là nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát. “Phải nhìn rõ nguyên nhân mới cắt được lạm phát”, ĐB Đáng nói.

ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) lo âu lạm phát năm nay khó giữ ở mức 15%-17% nếu không có những giải pháp hữu hiệu cho những tháng cuối năm. Để bảo đảm mục tiêu kiềm chế lạm phát, đề nghị Chính phủ cần làm rõ tại sao một số giải pháp trong Nghị quyết 11 chưa phát huy tác dụng. “Tại sao đã đưa ra biện pháp kiềm chế nhưng CPI ngày càng cao, phải chăng biện pháp không hữu hiệu” - ĐB Vinh đặt dấu hỏi.

Về chủ trương bình ổn giá, ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) cho rằng chưa thực sự đến với nông dân, nông thôn. Cần bình ổn giá từ gốc: bình ổn giá đầu vào hỗ trợ cho nông dân từ phân bón, con giống, thức ăn chăn nuôi, giúp nông dân sản xuất hàng hóa giá thấp. Đó mới là biện pháp căn cơ để bình ổn giá, vừa có lợi cho nông dân, vừa có lợi cho người tiêu dùng.

  • Hạ lãi suất, cắt giảm đầu tư công hợp lý

Đại biểu Trần Hoàng Ngân phát biểu tại hội trường.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân phát biểu tại hội trường.

Lãi suất cao, DN không tiếp cận được nguồn vốn gây đình trệ sản xuất cũng là vấn đề các ĐB tập trung đề cập. Coi đó là mặt trái của chính sách cần giải quyết, ĐB Đào Tấn Lộc (Phú Yên) cho rằng, thắt chặt tiền tệ là đúng trong bối cảnh trước mắt nhưng cần tạo điều kiện cho khu vực nông thôn được tiếp cận vay vốn. Hiện nay, nhiều hộ nông dân phải vay nóng 6%-7%/tháng để sản xuất. 

ĐB Nguyễn Bá Thuyền đề nghị bổ sung gói kích cầu, trong đó thực hiện khoanh nợ, giãn nợ cho DN, nông dân, cho vay mới để thúc đẩy sản xuất chứ kích cầu mà dùng tiền để đáo nợ như lần trước thì không có tác dụng.

ĐB Cao Sĩ Kiêm (Thái Bình) cũng cho rằng, khi DN khó khăn sẽ ảnh hưởng đến việc làm. Chính phủ cần cụ thể hóa nhanh các chính sách, biện pháp đã có, tập trung các vấn đề trong tầm tay, ví dụ sử dụng tốt nhất nguồn tiền đã có, giảm lãi suất để cứu sản xuất. Nếu để đình trệ càng cao thì lạm phát càng lớn. Ông mong Chính phủ cần chuyển dần từ cơ quan điều hành cụ thể sang cơ quan kiến tạo để đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.

Việc cắt giảm đầu tư công cũng gây nhiều lo ngại. ĐB Trương Văn Vở cho rằng giảm cầu để chống lạm phát nhưng cần tính toán lại, theo thứ tự ưu tiên để phân bổ hợp lý nguồn lực nhà nước, tránh tình trạng dàn trải, đầu tư kém hiệu quả. Cắt giảm hiện nay vẫn còn máy móc, cào bằng. Chính phủ cần rà soát lại. Việc cắt giảm đầu tư công cần tiếp tục ưu tiên các dự án dân sinh, giáo dục, y tế, quốc phòng, các dự án hạ tầng giao thông nông thôn.

Một vấn đề nổi cộm khác theo ĐB Huỳnh Ngọc Đáng là nhập siêu cao, liên tục kéo dài trong thời gian qua. Báo cáo nào cũng đề cập đến nhưng nhập siêu vẫn cứ nhập siêu. Nhập siêu là khó tránh khỏi nhưng kéo dài, ngày càng tăng cao chắc chắn là do yếu kém của công tác điều hành, cụ thể là ở bộ chức năng. Chính phủ cần quan tâm chấn chỉnh”. ĐB Cao Sĩ Kiêm đề nghị kiên quyết không cho nhập khẩu hàng xa xỉ, hạn chế nhập khẩu hàng hóa trong nước có.

Các ĐB còn nêu nhiều ý kiến về quá tải bệnh viện, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, sự bất cập của cơ chế tiền lương hiện nay, sớm thành lập quỹ phát triển DN vừa và nhỏ.

Nhiều ĐB thể hiện thái độ kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, đề nghị Chính phủ đầu tư cho kinh tế biển đảo, tạo ra những vành đai vững mạnh trên biển…

  • Hỗ trợ DN phát triển

Cũng trong sáng qua, 5-8, phát biểu tại hội trường, nhiều ĐB bày tỏ đồng tình với sự cần thiết ban hành một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN và cá nhân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế năm 2011 theo đề nghị của Chính phủ.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) kiến nghị Chính phủ lưu ý hỗ trợ đối tượng là DN nông nghiệp và nông dân, theo ông trong bối cảnh lương thực thực phẩm tăng giá cao thì chống lạm phát từ nguồn bằng cách hỗ trợ nông nghiệp, nông dân mới là giải pháp căn cơ. “Nhưng tôi chưa thấy có chính sách ưu đãi thuế nào cho đối tượng này”. - ĐB Nghĩa nhấn mạnh.

ĐB Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) và một số ĐB khác cho rằng, việc yêu cầu các đối tượng chủ nhà trọ, cung cấp suất ăn cho học sinh - sinh viên, công nhân... giữ mức giá như cuối năm 2010 (như một điều kiện để được hỗ trợ thuế) không khả thi.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh, việc giảm, giãn thuế cho DN mà Chính phủ đề xuất chính là giải pháp để DN bớt phải đi vay ngân hàng với lãi suất cao. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều giải pháp theo hướng hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng khó khăn để đảm bảo an sinh xã hội, như hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, nâng định mức tiền ăn cho công an, bộ đội, nâng hạn mức cho vay đối với sinh viên...

Sau khi bày tỏ sự đồng tình cao với những giải pháp miễn giảm, giãn thuế do Chính phủ đề xuất, ĐB Trần Hoàng Ngân  nhắc khéo: “Số tiền miễn giảm thuế gây hụt thu ngân sách không lớn, chỉ vào khoảng 4.200 tỷ đồng; tôi hy vọng sau này khi quyết toán ngân sách năm 2011, Chính phủ không coi việc miễn giảm này là lý do để tăng bội chi”.

Sáng nay, 6-8, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường. Chiều cùng ngày, kỳ họp thứ nhất QH khóa XIII sẽ bế mạc.

Các tin khác