Quản lý tài chính công đang bộc lộ nhiều rủi ro

(ĐTTCO)-Phân cấp NSNN đang bộc lộ rủi ro tới phát triển bền vững. Điều này đòi hỏi phải có những sự điều chỉnh kịp thời về quan hệ tài khóa giữa các cấp ngân sách
Quản lý tài chính công đang bộc lộ nhiều rủi ro

Do duy trì quy mô chi ngân sách lớn hơn mức trung bình của các quốc gia đang phát triển trong khi nguồn thu ngân sách không đủ để bù đắp nên Chính phủ buộc phải chấp nhận vay nợ và hệ quả là mức nợ công tăng lên nhanh trong vài năm gần đây. Tình trạng này cũng dẫn đến việc Chính phủ không có nhiều không gian tài khóa cho việc thực hiện các biện pháp kích cầu cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế

Phân cấp bất cập

Sự phân tán nguồn lực tài chính công thể hiện một phần ở chính sách thu, phân cấp và chính sách chi ngân sách. Cơ chế phân cấp ngân sách Nhà nước (NSNN) theo Luật NSNN năm 2015 đã một bước tạo chủ động cho chính quyền địa phương trong việc quyết định nguồn thu và nhiệm vụ chi. Tuy nhiên, do phạm vi nguồn lực chính quyền địa phương được hưởng, nhất là đối với 50 tỉnh nhận số bổ sung từ ngân sách Trung ương (NSTƯ), cũng như cơ chế phân cấp tương đối đặc thù (không phân chia theo sắc thuế mà phân chia theo tổng nguồn thu trên địa bàn) nên vai trò của chính quyền địa phương trong việc quyết định nguồn thu và nhiệm vụ chi tương đối hạn chế.

Theo ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ NSNN, Bộ Tài chính, phân cấp ngân sách đang bộc lộ rủi ro tới phát triển nhanh, bền vững. Việc phân cấp các chức năng nhiệm vụ như nhau cho các địa phương cùng cấp ngân sách, trong khi nhiều địa phương chưa đáp ứng được các tiêu chí quy định… dẫn tới việc chia nhỏ hệ thống cung cấp các dịch vụ hành chính, sự nghiệp công và là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự gia tăng nhanh biên chế, tiền lương, chi tiêu công.

Ông Trương Bá Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cũng cho rằng, việc đảm bảo vai trò chủ đạo của NSTƯ đang đứng trước nhiều thách thức, đòi hỏi phải kịp thời có những sự điều chỉnh về quan hệ tài khóa giữa các cấp ngân sách.

“Quy mô thu của NSTƯ trong tổng thu NSNN giảm từ 65,7% năm 2004 xuống còn 54,2% năm 2016 làm thu hẹp đáng kể vai trò của NSTƯ trong việc bố trí nguồn lực để đầu tư cho các công trình hạ tầng quan trọng của đất nước và xử lý sự bất bình đẳng trong phát triển giữa các vùng, miền để hướng tới các mục tiêu, yêu cầu về phát triển nhanh, toàn diện và bền vững”, ông Tuấn cho biết.

Theo ông Tuấn, những năm gần đây, quy mô của một số khoản thu quan trọng mà NSTƯ được hưởng 100% theo phân cấp đều giảm mạnh, bao gồm thu từ thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thu từ dầu thô và thuế bảo vệ môi trường hàng nhập khẩu. Trong đó, năm 2016, thu từ thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt hàng nhập khẩu chỉ chiếm 8,7% tổng thu NSNN, trong khi tỷ lệ này của năm 2010 là 12,6%. Mặc dù trong hai năm gần đây, thu từ thoái vốn và lợi nhuận sau thuế của NSTƯ tăng cao, qua đó, bù đắp được một phần số giảm thu từ các khoản thu này, tuy nhiên, đây là các khoản thu không tái tạo và tính bền vững không cao.

“Nếu không có sự điều chỉnh kịp thời về cơ chế phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa NSTƯ và ngân sách địa phương (NSĐP), mức độ tiếp cận nguồn lực của NSTƯ để đảm bảo vai trò chủ đạo của NSTƯ sẽ rất khó khăn do quy mô thu NSNN thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường hàng nhập khẩu tiếp tục giảm mạnh trong thời gian tới”, ông Tuấn cảnh báo.

Bên cạnh đó, tỷ trọng chi NSTƯ trong tổng chi NSNN trong các năm gần đây cũng có xu hướng giảm, trong khi tỷ trọng chi NSĐP tăng lên, điều này cho thấy Việt Nam ngày càng phân cấp mạnh hơn trong chi NSNN cho địa phương. Cụ thể, giai đoạn 2014-2016, Trung ương chi thực hiện chi tiêu trung bình 48,9% trong khi địa phương chi tiêu trên 51% ngân sách cả nước.

Theo PGS. TS. Vũ Sỹ Cường, Phó Trưởng Bộ môn Phân tích chính sách tài chính, Học viện Tài chính, Việt Nam có tỷ lệ chi NSĐP trong tổng chi NSNN cao hơn mức trung bình nhiều quốc gia, cao hơn cả mức trung bình của nhóm các nước công nghiệp phát triển (OECD). Đáng chú ý, chi đầu tư của địa phương chiếm khoảng 70% tổng chi đầu tư công, là mức rất cao so với các quốc gia trong khu vực và thế giới.
PGS Vũ Sỹ Cường cho rằng, mô hình phân chia ngân sách hiện nay chưa thực sự khuyến khích các địa phương nuôi dưỡng nguồn thu, cải thiện hiệu quả chi tiêu mà ngược lại khuyến khích các tỉnh tăng chi nhiều nhất có thể.

“Phân cấp quá mạnh sẽ dễ dẫn tới tình trạng lãng phí nguồn vốn khi các địa phương đều có nhu cầu đầu tư về cơ sở hạ tầng giống nhau (như sân bay, cảng biển…) làm giảm hiệu quả sử dụng và lãng phí, dẫn đến rủi ro đầu tư dàn trải khi có sự phối hợp tố giữa các dự án hạ tầng lớn”, ông Cường phân tích.

Rủi ro tài khóa

Theo ông Trương Bá Tuấn, bên cạnh các thách thức trong phân cấp quản lý tài chính công, Việt Nam còn đang phải đối mặt với nhiều loại hình rủi ro tài khóa với quy mô và mức độ ngày càng tăng. Đó là các rủi ro từ các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách ở cả cấp Trung ương và địa phương; các rủi ro liên quan đến những khoản dự phòng của Chính phủ...

“Với sự hiện diện của quá nhiều các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách cũng như việc thực hiện cơ chế để lại đối với nguồn thu từ phí, lệ phí đã ảnh hưởng đến tính toàn diện của ngân sách cũng như yêu cầu tập trung nguồn lực để phân bổ theo các ưu tiên chiến lược của quốc gia. Bên cạnh đó, quá trình già hóa dân số nhanh dự báo cũng sẽ làm phát sinh thêm nhiều chi phí tài khóa trong trung và dài hạn”, ông Tuấn chỉ rõ.

Còn theo ông Vũ Nhữ Thăng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính, nguồn lực tài chính công thời gian qua chủ yếu được huy động thông qua các chính sách thu NSNN bên cạnh việc đi vay. Do đó, việc mở rộng không gian chính sách tài khóa là một thách thức lớn trong thời gian tới. Điều này làm giảm khả năng sử dụng chính sách tài khóa để hỗ trợ tổng cầu khi nền kinh tế gặp khó khăn.

Các tin khác