PPP cần minh bạch, bình đẳng

Ngày 4-9, Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM đã tổ chức Hội thảo Kinh nghiệm của Vương quốc Anh trong lĩnh vực đầu tư hợp tác công - tư (PPP). Bên cạnh những chia sẻ kinh nghiệm áp dụng PPP tại Anh 15 năm qua, nhiều chuyên gia tập trung mổ xẻ những bất cập trong việc thí điểm PPP tại Việt Nam.

Ngày 4-9, Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM đã tổ chức Hội thảo Kinh nghiệm của Vương quốc Anh trong lĩnh vực đầu tư hợp tác công - tư (PPP). Bên cạnh những chia sẻ kinh nghiệm áp dụng PPP tại Anh 15 năm qua, nhiều chuyên gia tập trung mổ xẻ những bất cập trong việc thí điểm PPP tại Việt Nam.

Nhiều vấn đề cần cân nhắc

Theo bà Claire Phillips, Giám đốc Cơ quan Hợp tác địa phương (Anh), để có thể thực hiện các dự án PPP thành công, trước hết cần phải minh bạch, rõ ràng từ khâu đánh giá các con số, định hình thời gian thi công. So với các lĩnh vực khác, vấn đề mua sắm, tạo ra dịch vụ công nhiều khi bị mắc kẹt bởi người thụ hưởng cuối cùng, nên trước khi làm phải đảm bảo tính khả dụng của nó. Trong các dự án hạ tầng, các bên cần làm rõ về quyền sử dụng đất, mặt bằng.

Phần lớn dự án trì trệ, đắp chiếu hiện nay cũng xuất phát từ nguyên nhân này. Do đó, trước khi tổ chức mời thầu, triển khai dự án, mặt bằng phải được sẵn sàng, không để xảy ra tranh chấp, kiện tụng gây ảnh hưởng đến tiến độ. Thực tiễn cho thấy chủ đầu tư thường đi thuê chuyên gia bên ngoài để tư vấn cho các dự án. Thông thường chủ đầu tư liệt kê danh sách tư vấn dày đặc nhưng thực ra các đơn vị tư vấn này không làm gì, ngồi chơi xơi nước.

Tại Anh, các đơn vị cấp vốn, cho vay rất cẩn trọng khi đưa ra quyết định rót vốn cho dự án. Họ chú ý đến phương diện sinh lời, tính khả thi, những cơ hội, rủi ro ảnh hưởng đến khả năng thu hồi vốn sau này. Là chủ đầu tư, họ không quá thất vọng hay lo lắng trước sự rà soát kỹ lưỡng, bới lông tìm vết của đơn vị cấp vốn. Vì qua đó, bằng nghiệp vụ họ có thể chỉ ra những sai sót trong hợp đồng để kịp thời điều chỉnh.

Mặt khác, trong quá trình triển khai dự án, cần có sự đảm bảo tính kế thừa, phát triển liên tục xuyên suốt kể từ khâu lập dự án, thi công, kinh doanh và chuyển giao cho đơn vị sau. Cũng theo bà Claire Phillips, tại Anh, trong thời gian dài chính phủ đã cố gắng áp dụng PPP cho các lĩnh vực khác như công nghệ thông tin, xử lý chất thải, ngoài các dự án hạ tầng giao thông.

Thế nhưng, kết quả mang lại thật sự là một cơn ác mộng. PPP thường hướng đến các dự án dài hạn, trong khi công nghệ thông tin thay đổi từng giờ, từng phút với tốc độ chóng mặt. Và khi đã có sự thay đổi phải điều chỉnh hợp đồng, rất phức tạp. Vì thế ở Anh thường áp dụng PPP cho lĩnh vực hạ tầng giao thông.

Lúng túng thực hiện

PPP cần minh bạch, bình đẳng ảnh 2Qua vài năm thí điểm PPP, sự ách tắc trong thực hiện đã bộc lộ rõ. Vì thế, việc quan trọng nhất cần làm ngay là thực thi tính minh bạch trong tất cả dự án PPP. Đây là vấn đề quan trọng trong thu hút đầu tư. Khi nhà đầu tư nhận thấy họ được lợi ích từ dự án mình đầu tư mới bỏ vốn, nhân lực, công nghệ tham gia.
PPP cần minh bạch, bình đẳng ảnh 3

Ông Vũ Ngọc Nam,
Phó Trưởng phòng Văn bản pháp quy,
Sở Tư Pháp TPHCM

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng nước ta đang lúng túng trong việc thực hiện Nghị định 108/2009/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức BOT, BT, BTO và Quyết định 71/2010/QĐ-TTg về thí điểm đầu tư theo hình thức PPP.

Chia sẻ về thực tế triển khai các dự án PPP tại doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM, ông Tùng, đại diện Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO), cho biết kể từ khi Thủ tướng ban hành Quyết định 71, SAWACO là đơn vị được thực hiện thí điểm các dự án chống thất thoát nước theo hình thức PPP.

Nhưng áp dụng theo Quyết định 71 rất khó, bởi liên quan đến vấn đề đấu thầu, cam kết của Nhà nước liên quan đến bảo lãnh vốn của Nhà nước và điều chỉnh giá nước. Đặc thù đầu ra của SAWACO là giá nước, nhưng giá do UBND TPHCM quyết định, việc chia sẻ lợi ích cho nhà đầu tư là khó.

Do đó, để thực hiện những dự án như trên cần có sự tham gia của Nhà nước bằng một cam kết nào đó giúp nhà đầu tư yên tâm. Tương tự, ông Hưng, đại diện Ban quản lý Đường sắt TPHCM, cho biết hiện tại dự án Metro số 4 có vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD. Một nhà đầu tư đề nghị ban quản lý dự án đầu tư theo hình thức PPP.

Theo quy định tại Quyết định 71, nhà đầu tư này phải đáp ứng 70% vốn, tương đương 1,4 tỷ USD. Nguồn vốn này quá lớn nên họ yêu cầu Nhà nước đứng ra bảo lãnh vay 50% của 70% vốn dự án. Theo ông Lương Văn Lý, nguyên Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM, Quyết định 71 quy định phần vốn góp của Nhà nước trong dự án không vượt quá 30% và chủ yếu tham gia vào giai đoạn chuẩn bị, còn quá trình thực hiện đầu tư, kinh doanh rất mờ nhạt, do đó chưa đảm bảo cân bằng trách nhiệm, lợi ích giữa 2 khu vực công-tư.

Một vấn đề cũng được nhiều chuyên gia cho ý kiến là năng lực của cán bộ tham gia điều hành dự án phải được nâng lên. Bên cạnh đó, đa số dự án hạ tầng thường kéo dài 20-30 năm, nhưng chính sách của ta thường xuyên thay đổi, sẽ không tạo được niềm tin cho nhà đầu tư.

Nhà nước cần có những hướng dẫn cụ thể cho nhà đầu tư, từ những dự thảo hợp đồng, những điều khoản chung, điều khoản cụ thể để nhà đầu tư lường trước những rủi ro ảnh hưởng đến dòng tiền của họ trong tương lai. 

Các tin khác