Phát triển nông sản Việt Nam: Tư duy ngắn, thiếu tầm nhìn

(ĐTTCO) - Phát triển nóng, sản xuất không sạch, bế tắc đầu ra, cùng với các rào cản thương mại đang khiến các mặt hàng nông sản chủ lực của nước ta đối mặt với rất nhiều rủi ro.
Thực trạng này đòi hỏi chính quyền các địa phương và ngành nông nghiệp phải vào cuộc cùng nông dân. Nếu không có giải pháp, để nông dân tự phát, 3 cây công nghiệp chủ lực sẽ đúng như tên gọi: trồng rất phê, sau đó sẽ tiêu điều.
Loay hoay chặt - trồng
Hiện nay khoảng 90% diện tích canh tác cà phê tập trung tại các tỉnh Tây nguyên. Thời điểm 1993-1994, giá cà phê nhân đạt mức hơn 40.000 đồng/kg, khiến nông dân canh tác loại cây công nghiệp dài ngày này có cuộc sống sung túc.
 Các cây trồng chủ lực của Tây nguyên và Đông Nam bộ đang gặp nhiều khó khăn trong thực hiện chiến lược phát triển. Đề nghị các địa phương cùng các cơ quan khuyến nông kiên trì tuyên truyền để người dân thay đổi nhận thức, không nên vì lợi ích trước mắt mà chặt cây này trồng cây khác. Tư duy ngắn hạn cần phải được thay thế bằng tầm nhìn dài hạn và bền vững.
Ông NGUYỄN XUÂN CƯỜNG
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT
Tại các vùng chuyên canh cà phê Đắk Min (tỉnh Đắk Nông), Buôn Hồ, Krông Pách, Ea H’leo (tỉnh Đắk Lắk), Ia Grai, Đắk Đoa (tỉnh Gia Lai), Di Linh, Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng), xuất hiện nhiều tỷ phú chân đất nhờ trồng loại cây có vị đắng này.
Nhưng thời điểm năm 2010, phần lớn diện tích trồng cà phê ở Tây nguyên bước vào thời kỳ lão hóa. Các trang trại cà phê có sản lượng, năng suất giảm dần theo từng niên vụ, trong khi đó giá hồ tiêu lại ngày một tăng cao và trở thành loại cây trồng được đa số nông dân lựa chọn để thay thế cây cà phê. Vậy là người người, nhà nhà ồ ạt chặt phá cây cà phê. 
Tỉnh Đắk Lắk, thủ phủ cà phê của cả nước, đang thực hiện đề án phát triển cây cà phê bền vững đến năm 2020, với tổng số vốn đầu tư 1.647 tỷ đồng. Một số chỉ tiêu cụ thể tỉnh đã đưa ra gồm duy trì diện tích ổn định 150.000ha, sản lượng bình quân 400.000 tấn/niên vụ...
Tuy nhiên, do có đến 85% diện tích cà phê người dân tự trồng và quản lý, nên đề án trên có nguy cơ không thực hiện được khi người dân chặt cây cà phê để trồng tiêu.
Theo quy hoạch, đến năm 2020 tổng diện tích hồ tiêu cả nước đạt 50.000ha, nhưng đến năm 2017 con số này đã lên tới 120.000-130.000ha.
Theo ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), diện tích tiêu tăng nhanh do hồ tiêu là cây trồng lợi thế nhờ chất lượng tốt, năng suất cao hơn 2,5-3 lần so với bình quân chung của thế giới. Giá tiêu tăng chóng mặt đã khiến nhiều vùng trồng tiêu hình thành ngoài quy hoạch, chưa kể diện tích tiêu trồng xen trong vườn cà phê chiếm đến 15-20%.
Nhận thấy hồ tiêu có dấu hiệu phát triển quá nóng, Bộ NN-PTNT đã có quy hoạch đến năm 2030, định hướng cho các địa phương về phát triển hồ tiêu. Nhưng chỉ thị, định hướng của ngành chức năng không thể mạnh bằng sức hút của thị trường. Với lợi nhuận cao, nông dân phá cà phê, điều, thậm chí cả rừng để trồng tiêu.
Thời điểm giá mủ cao su cao, nông dân tỉnh Bình Phước đổ xô chặt bỏ cây điều để trồng cao su. Tuy nhiên, 4 năm trở lại đây điều được mùa, được giá, dễ trồng và ít công chăm sóc, người dân lại chặt cao su để trồng điều.
Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước cho biết từ cuối năm 2014 đến nay, diện tích cao su trên địa bàn bị chặt lên đến gần 2.000ha, trong đó chủ yếu chặt bỏ để chuyển đổi sang trồng điều và các loại cây trồng khác hiệu quả kinh tế cao hơn. Nguyên nhân do giá cao su xuống thấp, trong khi chi phí đầu vào (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công lao động…) luôn cao nên ít có lãi. 
Giá mủ cao su lên đến đỉnh điểm (năm 2011), người trồng có lãi lớn, nông dân đổ xô trồng cao su bất cứ chỗ nào, kể cả chân đất ruộng ẩm ướt, đất có tầng canh tác mỏng, hoặc đất đồi dốc. Có đến 2.600ha cao su trồng trên nền đất này. Khi những vườn cao su trên nền đất không phù hợp, bước vào thời kỳ kinh doanh đã lộ rõ nhược điểm như vườn cây không đồng đều, tỷ lệ cây chết cao, cây cụt ngọn, năng suất rất thấp nên hiệu quả kinh tế kém. Do đó nông dân chặt bỏ cao su trên phần diện tích này để trồng điều và trồng các loại cây ngắn ngày khác.

Kiểm soát chặt chất lượng
Có một thực tế buồn, là quốc gia đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu nhưng cà phê Việt Nam chủ yếu xuất thô, giá bán thấp. Trong sản xuất và chế biến, cà phê già cỗi hiện chiếm tỷ lệ cao, làm ảnh hưởng nghiêm trọng năng suất, chất lượng sản phẩm.
 Trước đây thủ tục thanh toán khi mua bán với đối tác Trung Quốc rất đơn giản, nhưng nay hồ sơ đề nghị thanh toán ngày càng dày hơn với rất nhiều loại giấy tờ. Vì vậy, thị phần xuất khẩu hạt điều sang Trung Quốc 6 tháng đầu năm đã giảm còn 10%, so với mức 12-13% bình quân những năm trước. Không chỉ riêng ngành điều, các ngành nông sản chủ lực khác của Việt Nam xuất hàng sang Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng khi nước này siết kiểm soát tiểu ngạch để chuyển dịch sang xuất nhập khẩu chính ngạch.
Ông NGUYỄN ĐỨC THANH
Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas)
Trong khi đó, kỹ thuật thu hái, công nghệ sơ chế, chế biến cà phê ở nhiều vùng trồng cà phê chuyên canh, trọng điểm như Tây nguyên, Ðông Nam bộ thiếu sự chuyên nghiệp.
Thực tế những năm qua, ngành cà phê nước ta dựa vào sản lượng để tạo lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, hiện nay năng suất sụt giảm mạnh, sản lượng không cao, lợi thế cạnh tranh sẽ giảm. Trong khi đó, việc tái canh cà phê để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm không phải dễ dàng.
Dù vậy, khi vòng luẩn quẩn trồng - chặt chưa biết khi nào mới giải quyết xong, giá cả các mặt hàng nông sản giảm trong những ngày gần đây khiến nông dân thêm phần lo lắng. Sau nhiều phiên giảm liên tiếp, giá cà phê ngày 16-7 tại các địa phương tiếp tục giảm 300 đồng/kg. Hiện giá cà phê Tây nguyên dao động trong khoảng 34.500-35.000 đồng/kg. Trong khi đó, tại huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai), giá tiêu ngày 16-7 giảm 1.000 đồng/kg, đang có mức 51.000 đồng/kg.
Tại các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, giá hồ tiêu giảm 1.000 đồng/kg xuống mức 52.000 đồng/kg. Còn tại huyện Châu Đức (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), giá hồ tiêu sau khi giảm 1.000 đồng/kg đang giữ ở mức 53.000 đồng/kg, cao nhất trong khu vực Đông Nam bộ. Theo Bộ NN-PTNT, 6 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu tiêu ước đạt 132.000 tấn và 453 triệu USD, tăng 5,1% về khối lượng nhưng giảm 36,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. 
Trong khi đó, xuất khẩu hạt điều sang thị trường Trung Quốc đang đối mặt nhiều khó khăn, khi nước này thực hiện chính sách tăng chất lượng nông sản nhập khẩu và chính quy hóa các thủ tục nhập khẩu. Cụ thể, về thuế nhập khẩu, theo Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc, phần lớn nông sản (trong đó có hạt điều) xuất khẩu sang Trung Quốc được hưởng thuế ưu đãi 0%.
Nhưng hạt điều Việt Nam không được hưởng lợi khi nước này tăng thuế giá trị gia tăng đánh vào các nhà nhập khẩu lên 17%, nên thực chất thuế không giảm. Do đó, nhà nhập khẩu điều Trung Quốc buộc phải tính toán lại giá mua điều từ Việt Nam để cân đối lợi nhuận. 
Bên cạnh đó, trước đây Việt Nam xuất khẩu được nhiều điều phẩm cấp thấp sang Trung Quốc và xem đây là lợi thế do bán được nhiều chủng loại, nhưng vài tháng gần đây Trung Quốc từ chối nhập khẩu dòng hàng này, đồng nghĩa dòng sản phẩm phẩm cấp thấp mất thị trường quan trọng.
Ngoài ra, Trung Quốc vừa đưa ra lộ trình về việc kiểm soát nguồn gốc tất cả nông sản nhập khẩu từ Việt Nam. Với ngành điều, nếu sử dụng nguyên liệu từ châu Phi (đang chiếm tỷ lệ cao) sẽ không còn hưởng ưu đãi bởi quy định 70% hàm lượng giá trị gia tăng phải được thực hiện tại Việt Nam. 
Phát triển nông sản Việt Nam: Tư duy ngắn, thiếu tầm nhìn ảnh 1 Ngành điều Việt Nam đang gặp khó khăn trong xuất khẩu. Ảnh: Đ.TRUNG
Định vị quy hoạch, liên kết sản xuất
Năm 2013, Bộ NN-PTNT đã triển khai chương trình tái canh cây cà phê, nhưng đến nay diện tích này chỉ đạt hơn 40%. Nguyên nhân do người dân thiếu vốn đầu tư, khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Trong khi đó, giá cà phê những năm gần đây biến động theo hướng không thuận lợi cho người sản xuất, nhiều loại cây trồng khác tạo thu nhập cao hơn nên các nông hộ không mặn mà đầu tư tái canh. 
Tương tự, điều, cao su và hồ tiêu cũng gặp khó khăn trong việc tăng, giảm diện tích. Có thời điểm lợi nhuận từ trồng tiêu gấp 2-3 lần so với trồng cà phê, điều… nên nông dân các tỉnh Tây nguyên và Đông Nam bộ đồng loạt mở rộng diện tích. Thời điểm năm 1985-1986, các tỉnh Tây nguyên chỉ có vài ngàn hecta hồ tiêu, đến nay đã tăng lên gấp chục lần.
Việc tự phát trồng cây tiêu ồ ạt, chạy theo phong trào, đã phá vỡ quy hoạch cây trồng của từng địa phương. Cùng đó việc cải tạo đất lại không được chú trọng, nông dân sử dụng các giống hồ tiêu không rõ nguồn gốc dẫn đến việc bùng phát dịch bệnh vàng lá khiến cây chết, hậu quả bà con nông dân thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng. 
Trong bối cảnh trên, bên cạnh cơ chế hỗ trợ đặc thù về vốn, khoa học - kỹ thuật, đẩy mạnh việc tái canh, các ngành chức năng cần quyết liệt hơn trong tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của người trồng, cũng như doanh nghiệp tham gia chế biến, xuất khẩu cà phê.
Trong đó, chú trọng gỡ các khó khăn, vướng mắc để người dân dễ dàng tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Các doanh nghiệp phải lấy chế biến sâu làm định hướng phát triển, chuyển dần từ xuất khẩu cà phê nhân thô sang xuất khẩu cà phê rang xay và hòa tan. Khi kim ngạch cũng như giá trị sản phẩm được cải thiện, sẽ có tác động tích cực đến đời sống người dân, từ đó, người sản xuất sẽ tự ý thức được việc nâng cao chất lượng sản phẩm. 
Còn với thực trạng phát triển hồ tiêu quá nóng, cần xem lại vai trò của chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp trong việc kiểm soát quy hoạch trồng trọt. Hơn lúc nào hết, ngành chức năng các tỉnh Tây nguyên và Đông Nam bộ cần tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, đơn vị trồng tiêu tổ chức liên kết sản xuất hình thành các nhóm hộ, nhóm hộ nông dân với doanh nghiệp để đảm bảo cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra, đồng thời, đẩy mạnh quảng bá, xây dựng thương hiệu hồ tiêu cho từng vùng, từng địa phương.

Các tin khác