Nông dân gặp khó vay vốn và bao tiêu sản phẩm

(ĐTTCO)-Khó tiếp cận được nguồn vốn vay đầu tư phát triển sản xuất, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm đang khiến nông dân gặp khó khăn.
Nông dân gặp khó vay vốn và bao tiêu sản phẩm

Dự Hội nghị biểu dương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ V tổ chức ngày 19/9 tại Hà Nội, nhiều nông dân phản ánh vốn vay và bao tiêu sản phẩm đang làm khó cho nông dân.

Tại hội nghị lần này, ông Nguyễn Văn Liêm, trú tại Thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Thế nhưng nỗi lo vẫn chưa hết khi cơn bão số 10 mới đây, đã xóa sổ toàn bộ diện tích đầm tôm của gia đình ông, làm thiệt hại gần 1 tỷ đồng.

Năm 2011, ông Liêm áp dụng kỹ thuật công nghệ nuôi tôm hiện đại, kết hợp dịch vụ cơ khí và dịch vụ thương mại, đem lại cho gia đình lãi ròng hơn 700 triệu đồng mỗi năm, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động với mức lương 5 triệu đồng mỗi tháng.

Đến năm 2016, sự cố môi trường biển do Formosa gây ra, làm toàn bộ diện tích đầm tôm của gia đình ông mất trắng. Đầm tôm mới phục hồi từ tiền đền bù nhưng nay lại mất trắng vì cơn bão số 10. Ông Nguyễn Văn Liêm mong muốn tiếp tục được vay vốn ngân hàng để đầu tư nuôi tôm. Thế nhưng thủ tục vay vốn của ngân hàng rườm rà, khó tiếp cận phục hồi nghề nuôi tôm.

“Đến thời điểm này gia đình muốn đầu tư trở lại cho nuôi tôm, đất hoang hóa ở địa phương vẫn có nhưng đụng phải giấy tờ, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nằm của dân. Đối với cơ chế vay vốn không được ngân hàng hỗ trợ vì rủi ro lớn”, ông Liêm bày tỏ.

Chị Nguyễn Thị Thanh Hoàng, 42 tuổi, nông dân Ấp Hòa Đông A xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh cho biết, gia đình làm dịch vụ phân bón cấp I cho Công ty CP phân bón miền Nam kết hợp trồng cao su. Tuy nhiênh hiện nay, chị vẫn lúng túng tìm đầu ra cho sản phẩm và chưa biết phải sản xuất thế nào cho hợp lý, nên rất cần có sự hỗ trợ của các nhà quản lý.

“Bản thân mong muốn nhà nước  có kế hoạch tạo điều kiện cho bà con nông dân trồng cao su thật sự rất là yên tâm về giá cũng như ổn định trong khâu tiêu thụ”, chị Hoàng mong muốn.

Tại hội nghị, nhiều nông dân cũng mong muốn các cấp hỗ trợ chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất, làm tăng giá trị sản phẩm.

Theo Hội Nông dân Việt Nam, hiện nay cả nước có 27.000 hộ nông dân có thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm, tạo việc làm tại chỗ cho hơn 11 triệu lao động.

Bên cạnh đó, Quỹ hỗ trợ nông dân của Hội có 2.500 tỷ đồng cùng với vốn ủy thác với các Ngân hàng Chính sách xã hội hơn 50.000 tỷ đồng, vốn tín chấp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hơn 38.000 tỷ đồng.

Điều này sẽ tác động sâu sắc tới mô hình chuỗi hợp tác giữa các nông hộ; góp phần đảm bảo năng suất ổn định; hỗ trợ các hộ khắc phục khó khăn phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, từng bước vươn lên thoát nghèo, làm giàu bền vững.

Các tin khác