Nợ công Việt Nam dễ lung lay ngay cả với những cú sốc nhẹ

(ĐTTCO)-Nếu mức bội chi và bảo lãnh Chính phủ của Việt Nam vẫn như hiện nay, tỷ lệ nợ công có thể sẽ vượt trần cho phép những năm tới (65% GDP). Mặt khác, dư địa ngân sách ngày càng mỏng khiến nợ công hoàn toàn có thể mất bền vững ngay cả với những cú sốc nhẹ. 
Nợ công Việt Nam dễ lung lay ngay cả với những cú sốc nhẹ
Đây là một phần đáng chú ý trong Báo cáo đánh giá chi tiêu công Việt Nam vừa được Bộ Tài chính và Ngân hàng Thế giới (WB) công bố sáng 3/10.

Thông tin vay nợ… không nắm được

Theo đánh giá của nhóm thực hiện, nợ công Việt Nam đang tặng mạnh do chính sách tài khóa nới lỏng trong những năm qua. Nợ công so với GDP đã tăng từ mức 51,7% năm 2010 lên 61% năm 2015. Trong số này, báo cáo cho thấy, nợ trực tiếp của Chính phủ ước tính ở mức 43,3% GDP (năm 2015), gần sát với mức bình quân của các quốc gia trong khu vực.
Điều đáng lo khác theo bà Vũ Hoàng Quyên, Chuyên gia kinh tế cao cấp WB là nợ của chính quyền địa phương. Khoản này hiện chưa lớn (0,9% GDP năm 2015) nhưng theo bà “tình hình căng thẳng hơn cả Trung ương.” 

“Khi chúng tôi làm việc với Sở Tài chính các địa phương, thông tin cơ bản về vay nợ họ không nắm được, kể cả các nguồn như ODA, khoản cho vay lại… Đây là công tác cần đổi mới,” bà Quyên lên tiếng. 

Nhìn lại số liệu nợ công, báo cáo chỉ ra lo ngại về việc, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nợ trên GDP tăng nhanh nhất (tăng khoảng 10% trong 5 năm qua).

“Nếu xu hướng trên vẫn tiếp diễn, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những quan ngại nghiêm trọng về bền vững tài khóa,” báo cáo của WB và Bộ Tài chính nêu lên.

Nói thêm về cơ cấu nợ, đại diện WB cho rằng, do nhu cầu huy động ngày càng lớn, trong khi khả năng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi nước ngoài đang dần hạn chế, Chính phủ đã phải dựa chủ yếu vào nguồn vay trong nước. Tỷ trọng nợ trong nước trên tổng nợ công tăng từ 45% năm 2010 lên 55,4% năm 2015.

Nợ trong nước theo đánh giá có thể giúp giảm rủi ro tỷ giá và góp phần phát triển các thị trường vốn trong nước nhưng vấn đề nêu lên với Việt Nam là áp lực huy động để đảo nợ vẫn còn lớn. 

Theo tính toán của nhóm chuyên gia, có khoảng 50% nợ trong nước của Việt Nam sẽ đáo hạn trong 3 năm tới. Chưa chỉ ra cụ thể con số nhưng báo cáo cho thấy, kỳ hạn nợ trung bình của Việt Nam ngắn hơn các nước trong khu vực như Malaysia, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia,…

“Đây sẽ là áp lực rất lớn trong điều kiện các nhà đầu tư tham gia thị trường trái phiếu Chính phủ còn hạn chế như hiện nay,” đại diện WB lên tiếng.

Các tin khác