Nợ công vẫn trong tầm kiểm soát

Cuối tuần trước, một bản tin trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính cho biết tổng số dư nợ công năm 2010, ước tính năm 2011, và kết luận theo đánh giá của WB và IMF: “Việt Nam là nước có mức nợ nằm trong tầm kiểm soát và không nằm trong nhóm các nước có gánh nặng về nợ cao”. Đó là một tin tốt nhưng liệu người dân đã bớt lo về chuyện nợ công.

Cuối tuần trước, một bản tin trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính cho biết tổng số dư nợ công năm 2010, ước tính năm 2011, và kết luận theo đánh giá của WB và IMF: “Việt Nam là nước có mức nợ nằm trong tầm kiểm soát và không nằm trong nhóm các nước có gánh nặng về nợ cao”. Đó là một tin tốt nhưng liệu người dân đã bớt lo về chuyện nợ công.

Trả nợ tăng cao

Trong câu chuyện nợ công không thể không đề cập đến vấn đề trả nợ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp vào cuối tháng 4 vừa rồi đã thông qua một khoản trả nợ bổ sung lên đến 10.000 tỷ đồng của Chính phủ. Như vậy, tổng chi trả nợ và viện trợ trong năm 2010 đã lên đến 80.250 tỷ đồng, tăng tới hơn 14% so với dự toán ban đầu là 70.250 tỷ đồng.

Lý do chính tăng trả nợ, theo Ủy ban Tài chính Ngân sách, là do biến động tỷ giá ngoại tệ và hoàn trả một phần các khoản vay ngắn hạn đến hạn thanh toán. Rõ ràng, việc điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước hồi đầu tháng 2 đã tác động lớn đến số tăng trả nợ của năm ngoái. Câu chuyện chưa dừng ở đó, số trả nợ và viện trợ thực tế đã chiếm khoảng 14% tổng thu ngân sách nhà nước năm 2010 (559.170 tỷ đồng).

Theo Bộ Tài chính, trong năm 2011, chi trả nợ và viện trợ ước tính là 86.000 tỉ đồng, tăng tới 22,4% so với dự toán năm 2010. Số chi này cũng chiếm tới một phần bảy của dự toán thu ngân sách (605.000 tỷ đồng) năm nay. Trong nhiều năm nay, việc các nhà tài trợ tăng cam kết vốn ODA hàng năm thường được xem là những tín hiệu đáng mừng cho công cuộc đổi mới kinh tế ở Việt Nam.

Tuy nhiên, nghĩa vụ trả nợ chiếm tới một phần bảy thu ngân sách hàng năm là điều đáng phải suy nghĩ. Ủy ban Tài chính Ngân sách gần đây đã bày tỏ lo ngại, rằng tỷ lệ trả nợ cao ảnh hưởng lớn đến cân đối ngân sách. Lâu nay, người ta cứ lo vay nợ sẽ để lại gánh nặng cho các thế hệ tương lai, nhưng những gì đang diễn ra cho thấy, gánh nặng đó đã thể hiện rõ ràng trước mắt, cho chính thế hệ hiện tại chứ chưa phải tương lai.

Việt Nam vay nợ khoảng 5,5 tỷ USD năm 2010 và dự kiến là 6 tỷ USD trong năm nay để bù đắp bội chi ngân sách. Những số liệu này cho thấy, nghĩa vụ trả nợ sẽ tiếp tục nặng thêm trong những năm tiếp theo. Cách suy nghĩ “vay nợ để đầu tư là vay nợ lành mạnh” có lẽ cũng cần được xem xét lại, nhất là khi hệ số ICOR và nghĩa vụ trả nợ đang song hành tăng tốc.

Liệu có tính đủ?

Vẫn bản tin trên trích dẫn số liệu của Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cho biết tổng số dư nợ công ở mức 1.122 ngàn tỷ đồng, tương đương 56,7% GDP năm 2010 và dự kiến sẽ đạt đến 1.375 ngàn tỷ, bằng khoảng 58,7% GDP năm 2011. Tổng số dư nợ nước ngoài của quốc gia ở mức 835.000 tỷ đồng, bằng 42,2% GDP năm 2010 và dự kiến nợ nước ngoài của quốc gia sẽ ở mức 44,5% GDP năm 2011. Bản tin này không cho biết, nợ chính phủ bao nhiêu, nhưng theo báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 12 cuối năm ngoái, nợ chính phủ tương đương 44,5% GDP.

Theo mục 5 khoản B của Quyết định số 211/2004/QĐ-TTg ngày 14-12-2004 của Thủ tướng phê duyệt định hướng phát triển tài chính Việt Nam đến năm 2010 nêu: “Kiểm soát nợ chính phủ, nợ ngoài nước của quốc gia đều ở mức không quá 50% GDP”, những chỉ số nêu trên vẫn trong phạm vi an toàn. Tuy nhiên, vấn đề có thể khác đi nếu các khoản nợ được tính toán theo tiêu chuẩn quốc tế.

Một nghiên cứu của Viện Kinh tế Việt Nam được công bố vào đầu năm nay nhận định rằng, định nghĩa nợ công của Bộ Tài chính chỉ bao gồm nợ của Chính phủ và được Chính phủ bảo lãnh chứ không bao gồm nghĩa vụ nợ của ngân hàng trung ương, các đơn vị trực thuộc Chính phủ, trong đó có các doanh nghiệp nhà nước như định nghĩa của các cơ quan Liên hiệp quốc.

Nghiên cứu này nhận xét, nếu tính theo định nghĩa này, nợ công của Việt Nam hiện nay không dưới 70% GDP. Các tác giả bản nghiên cứu đưa ra số liệu trên khi cho biết, riêng tổng dư nợ nội địa của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chiếm tới 20% GDP năm 2008 (căn cứ theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội), và tăng lên đáng kể trong năm 2009 và 2010 do chính sách kích cầu của Chính phủ.

Nghiêu cứu này liệt kê chi tiêu công của nhiều quốc gia Đông Á và kết luận rằng: “Có thể nói, xét về tỷ lệ vốn đầu tư so với GDP thì Chính phủ Việt Nam là nhà đầu tư lớn nhất so với chính phủ các nước trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á”. Đầu tư công ở Việt Nam ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội, 37,2% năm 2007, 33,9% năm 2008, 40,6% năm 2009 và 44,1% năm 2010, theo Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội.

Bản tin của Bộ Tài chính nhận xét, xu hướng gia tăng các khoản nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia là đáng lưu ý, đặc biệt khoản vay nước ngoài của các doanh nghiệp trong những tháng đầu năm 2011 do chính sách tiền tệ, tín dụng trong nước thắt chặt, huy động vốn trong nước khó khăn. Đó là nhận xét thực tế, song đáng tiếc, bản tin trên đã không nên được cụ thể con số vay nợ của các doanh nghiệp.

Các tin khác