Niềm vinh dự, mối ưu tư

Là nền báo chí cách mạng được lãnh tụ Hồ Chí Minh xác lập, 88 năm qua những người làm báo Việt Nam đã không ngừng rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, luôn tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc; không ngừng nâng cao chất lượng nghiệp vụ, phục vụ có hiệu quả công cuộc phát triển đất nước, tạo sự đồng thuận xã hội; phát hiện, kiến nghị nhiều chủ trương chính sách sát, hợp thực tế, nêu các gương điển hình vượt khó trong sản xuất kinh doanh; góp phần tích cực vào sự nghiệp đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Những ngày này, trong không khí rộn ràng chào mừng kỷ niệm 88 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 – 21-6-2013), những người làm báo trên cả nước rất phấn khởi, thêm nhiều niềm vui khi được các cấp lãnh đạo, cộng đồng doanh nghiệp, bạn đọc... động viên, khen thưởng, đồng cảm và chia sẻ những khó khăn hiện nay của báo giới.

Là nền báo chí cách mạng được lãnh tụ Hồ Chí Minh xác lập, 88 năm qua những người làm báo Việt Nam đã không ngừng rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, luôn tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc; không ngừng nâng cao chất lượng nghiệp vụ, phục vụ có hiệu quả công cuộc phát triển đất nước, tạo sự đồng thuận xã hội; phát hiện, kiến nghị nhiều chủ trương chính sách sát, hợp thực tế, nêu các gương điển hình vượt khó trong sản xuất kinh doanh; góp phần tích cực vào sự nghiệp đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Trong bối cảnh kinh tế gặp rất nhiều khó khăn các năm qua, báo chí nước ta bị thương tổn nặng nề, thu nhập giảm sút nhưng vẫn tiếp tục phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng các ấn phẩm, các chương trình phát thanh truyền hình, ứng dụng các công nghệ và cơ sở vật chất kỹ thuật mới hiện đại hóa nền báo chí nước nhà.

Đến nay cả nước có hơn 800 cơ quan báo in với trên 1.000 ấn phẩm các loại; 67 đài phát thanh truyền hình trung ương và địa phương với 172 kênh phát sóng; có trên 16.000 người làm báo chuyên nghiệp được cấp thẻ hành nghề. Với tốc độ phát triển mạnh trên lĩnh vực thông tin điện tử những năm gần đây, đến nay cả nước có trên 330 mạng xã hội và gần 1.200 trang thông tin điện tử tổng hợp.

Có thể nói 3 binh chủng báo chí: báo in, báo nói, báo điện tử đều phát triển vượt tầm trong những năm gần đây. Điểm tích cực là báo chí đã bám sát đời sống, tạo nguồn thông tin liên tục, phong phú phục vụ công chúng; tuyên truyền có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Nhà nước, đồng thời kiên trì kiến nghị các chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đồng hành cùng nông nghiệp - nông thôn - nông dân.

Báo chí cả nước đã tổ chức nhiều chương trình xã hội có ý nghĩa, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh thu nhập đa số dân cư gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, mặt trái của vấn đề là trước những diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế, nhiều sản phẩm báo chí còn chưa ngang tầm thời đại. Việc dự báo, phân tích, định hướng trong bài viết còn bất cập, thiếu nhạy bén.

Gần đây dư luận xã hội tỏ ra lo ngại trước việc một số cơ quan báo chí ngày càng biểu hiện xu hướng “thương mại hóa”, hoạt động xa rời tôn chỉ, mục đích tờ báo, đưa tin bài thiếu chuẩn xác, giật gân câu khách hoặc lôi kéo bạn đọc, tăng dung lượng quảng cáo một cách lộ liễu...

Điều này là xa lạ với chức năng, nền tảng báo chí hoạt động trong xã hội ta nhưng công tác quản lý nhà nước chưa uốn nắn có hiệu quả trong việc quy hoạch, sắp xếp hệ thống báo chí, làm những người làm báo chân chính và bạn đọc có trách nhiệm ưu tư, băn khoăn về tính định hướng, tính chân thực của báo chí. Gần đây tình trạng vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí gia tăng mạnh cùng sự phát triển nóng của loại hình thông tin điện tử.

Thực tế phần lớn các trang mạng xã hội và trang thông tin điện tử chỉ có vài quản trị viên hoạt động nhưng lại đưa thông tin tổng hợp trên phạm vi cả nước. Chỉ cần các tờ báo chính thống đưa một tin nóng hoặc một bài “đinh” có tầm lan tỏa thì ngay sau đó các tin bài này đều xuất hiện trên các trang thông tin điện tử, bất chấp bản quyền cơ quan báo, công sức các nhà báo hành nghề chân chính.

Nguy hiểm hơn gần đây một số trang mạng đưa tin bài bịa đặt, vu khống, xâm hại lợi ích Nhà nước, công dân một cách ngang nhiên, cố ý vẫn chưa được xử lý, chế tài một cách nghiêm túc, nghiêm khắc.

Nhiều tờ báo vừa qua đã dẫn chứng nhiều trường hợp các doanh nghiệp bị các trang mạng đưa tin một chiều không kiểm chứng hoặc cố tình bịa đặt, bêu xấu... đã làm nhiều đơn vị khốn đốn, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản. Đây là vấn đề nghiêm trọng nhưng không thấy cơ quan nào bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, còn chủ các trang mạng thì lẩn tránh trách nhiệm về thông tin mình tung ra.

Ngoài các điều khoản của Luật Báo chí hiện hành, Thông tư 14/2010/TT của Bộ Thông tin - Truyền thông về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin điện tử trên internet, quy định: “Nghiêm cấm các trang thông tin điện tử thông tin sai sự thật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân”. Các điều luật đã có. Vậy vì sao lĩnh vực truyền thông ngày càng diễn biến theo hướng bát nháo như nhiều trang mạng hiện nay?

Nghề báo có Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, là sự thừa nhận của xã hội về một nghề nghiệp cao quý, dấn thân, vì lợi ích xã hội và cộng đồng. Những ngày này những người làm báo chân chính rất phấn khởi, tự hào, vinh dự khi được xã hội quan tâm chăm lo, động viên nhưng tự bản thân mỗi nhà báo không khỏi ưu tư, ray rứt trước lời nhắc nhở, phiền trách của bạn đọc hoặc về những việc chưa làm được để hoàn thiện, hoàn thành sứ mệnh của mình.

Để nhà báo làm tốt chức trách xã hội giao phó, hãy dọn dẹp, tạo dựng môi trường báo chí trong sạch, lành mạnh để người làm báo luôn tự hào về nghề nghiệp của mình chứ không chỉ riêng trong dịp kỷ niệm.

Các tin khác