NHNN và Quảng Ninh dẫn đầu chỉ số cải cách hành chính 2017

(ĐTTCO)-Các chỉ số cho thấy người dân tiếp tục mong muốn giảm thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết; mở rộng các hình thức thông tin để nâng cao khả năng của người dân về tiếp cận các dịch vụ hành chính công.

Hội nghị công bố chỉ số cải cách hành chính năm 2017. Ảnh: VGP
Hội nghị công bố chỉ số cải cách hành chính năm 2017. Ảnh: VGP

Ngày 2-5, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam tổ chức hội nghị Công bố chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2017 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành (PAX INDEX 2017) và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2017 (SIPAS 2017).

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn chủ trì hội nghị.

Kết quả Chỉ số CCHC năm 2017 của các bộ ngành được chia thành 2 nhóm. Nhóm thứ nhất, đạt kết quả từ 80% trở lên, bao gồm 12 bộ, trong đó Ngân hàng Nhà nước đạt chỉ số cao nhất với 92,36%; tiếp đến lần lượt là các Bộ: TT-TT, Tài chính, Tư pháp, Công thương, Ngoại giao, NN-PTNT, KH-CN, Nội vụ, TN-MT,  GD-ĐT,  LĐ-TB và XH.

Giá trị trung bình Chỉ số CCHC của 19 bộ ngành đạt được là 79,92%. Không có bộ ngành nào có kết quả Chỉ số CCHC dưới 70%.

Trong khi đó, kết quả xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2017 của các tỉnh, thành phố có sự thay đổi đáng kể so với năm 2016.

Theo đó, tỉnh Quảng Ninh vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng năm 2017 với kết quả đạt được là 89,45/100 điểm, xếp thứ 2 là TP Hà Nội, Đồng Nai xếp thứ 3, Đà Nẵng xếp thứ 4 và Hải Phòng xếp thứ 5.

Trong nhóm 5 tỉnh, thành phố đứng cuối cuối bảng, tỉnh Quảng Ngãi là địa phương có chỉ số thấp nhất với 59,69 điểm.

Tại hội nghị, Ủy ban Trung ương  MTTQ Việt Nam cũng công bố báo cáo Kết quả triển khai Chương trình phối hợp giữa Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam với Bộ Nội vụ trong triển khai đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước năm 2017.

Theo đó, đối với Bộ chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2017 (SIPAS 2017) thì chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính chung cả nước là 80,90%. Tỉnh có chỉ số hài lòng về sự phục vụ cao nhất là 95,97%, tỉnh thấp nhất là 67,70%.

Cụ thể, 6 tỉnh có chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính chung của tỉnh ở mức trên 90%, 12 tỉnh trong khoảng 85-90%, 13 tỉnh trong khoảng 80-85%, 19 tỉnh trong khoảng 75-80% và 13 tỉnh dưới 75%.

Về sự mong đợi của người dân, tổ chức đối với việc cung ứng dịch vụ hành chính công nói chung, đáng chú ý tập trung ở 3 nội dung (được sắp xếp theo thứ tự từ mong đợi nhiều nhất).

Đó là: tiếp tục đơn giản hoá thủ tục hành chính (74,72% số người được hỏi); mở rộng các hình thức thông tin (56,22% người được hỏi); rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính (41,49% số người được hỏi).

Ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, để đo lường sự hài của người dân tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, Bộ Nội vụ phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam triển khai điều tra xã hội học tại 63 tỉnh thành.

Trong 10 tháng của năm 2017, tổng số phiếu SIPAS thu về trong cả nước là 30,991 phiếu, đạt hơn 91%. Kết quả SIPAS năm 2017 trung vị đạt 79,7%, phản ánh nỗ lực trong cải cách hành chính của Chính phủ và các cấp thời gian qua.

Qua các chỉ số cũng cho thấy người dân tiếp tục mong muốn giảm thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết; mở rộng các hình thức thông tin để nâng cao khả năng của người dân về tiếp cận các dịch vụ hành chính công.

Các tin khác