Nhiều khuyến nghị quản lý nợ công hiệu quả

(Chinhphu.vn) - Lập cơ quan giám sát độc lập, tổ chức xếp hạng và định mức tín nhiệm, tham khảo tư vấn chuyên nghiệp, có đầu mối thống nhất quản lý ODA, bảo đảm tuân thủ nguyên tắc chỉ vay nợ khi có dự án hiệu quả… là một số khuyến nghị để giám sát hiệu quả nguồn vốn vay, được đưa ra trong báo cáo về nợ công của Trung tâm nghiên cứu thuộc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

(Chinhphu.vn) - Lập cơ quan giám sát độc lập, tổ chức xếp hạng và định mức tín nhiệm, tham khảo tư vấn chuyên nghiệp, có đầu mối thống nhất quản lý ODA, bảo đảm tuân thủ nguyên tắc chỉ vay nợ khi có dự án hiệu quả… là một số khuyến nghị để giám sát hiệu quả nguồn vốn vay, được đưa ra trong báo cáo về nợ công của Trung tâm nghiên cứu thuộc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

Những điểm cần lưu ý về nợ công

Theo Trung tâm nghiên cứu BIDV, trong giai đoạn 2011-2015, nợ công gia tăng nhanh chóng với mức 16,7%/năm. Cuối năm 2015, về số tuyệt đối, dư nợ công lên đến 2.608 triệu tỷ đồng, gấp 1,9 lần so với cuối năm 2011 (1,4 triệu tỉ đồng); còn so với GDP, nợ công mức 62,2%, áp sát ngưỡng kiểm soát 65% của Quốc hội.

Đáng lưu ý, có sự khác biệt giữa cách thức xác định nợ công của Việt Nam và một số tổ chức quốc tế uy tín. Nợ công theo tiêu chuẩn Việt Nam dựa trên nguyên tắc trách nhiệm thanh toán thuộc về chủ thể đi vay, còn nợ công theo tiêu chuẩn quốc tế được xác định trên cơ sở chủ sở hữu thực sự hay pháp nhân đứng sau chủ thể đi vay phải có trách nhiệm thanh toán.

Theo đó, nợ công theo tiêu chuẩn quốc tế sẽ bằng nợ công theo tiêu chuẩn Việt Nam cộng với nợ của Ngân hàng Nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước, tổ chức bảo hiểm xã hội và an sinh xã hội và một số địa phương.

 

Một điểm cần lưu ý là dù công tác quản lý nợ công dù có bước tiến nhưng vẫn còn hạn chế, việc sử dụng đồng vốn vay có hiệu quả không thật sự cao. Theo Ngân hàng thế giới, chỉ số về hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR) của Việt Nam trong giai đoạn 2001-2005 là 4,88; giai đoạn 2006-2010 lên đến 6,96 và sau 5 năm, vẫn ở mức 6,92 vào giai đoạn 2011-2014. Ngoài ra, còn có một số khó khăn liên quan đến việc phải dùng nợ công để trả nợ thay cho đầu tư phát triển, hoặc chi thường xuyên khá lớn trong cơ cấu chi ngân sách.

Đồng tình về nhận định này, PGS. TS Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện Ngân hàng Tài chính (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng nguyên nhân của đầu tư công không thật sự hiệu quả vì cơ chế quản lý vẫn còn tính bao cấp, thiếu minh bạch, thiếu tự chủ và chịu trách nhiệm cá nhân.

Cũng theo nhận định của báo cáo này, hiện nay, theo các tổ chức quốc tế và trong nước, khả năng vỡ nợ của Việt Nam vẫn khá thấp. Tuy nhiên, trên thực tế, nợ công vẫn đang là vấn đề cấp bách. Cụ thể, chỉ tiêu nợ phải trả (nợ gốc và lãi) có nguy cơ tiến sát, vượt ngưỡng cảnh báo.

Đó là những điểm cần lưu ý, đặc biệt trong bối cảnh nợ ưu đãi nước ngoài sẽ giảm dẫn tới yêu cầu về các nguồn thay thế. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ sớm “tốt nghiệp” ODA kéo theo việc giảm dần vốn ODA ưu đãi sau khi đạt đỉnh vào 2009; giảm nguồn vốn viện trợ không hoàn lại và ưu đãi, thay vào đó là các kênh tín dụng mới có các điều kiện cho vay kém ưu đãi hơn…

Cần giám sát hiệu quả dự án dùng vốn vay

Việt Nam đã đặt ra các mục tiêu khá chi tiết, cụ thể là đến năm 2020, tỉ lệ nợ công/GDP là dưới 60%, các chỉ tiêu nợ Chính phủ và nợ nước ngoài/GDP được kiểm soát tốt và có bước đệm để duy trì dưới ngưỡng kiểm soát 50%.

Chính phủ cũng đặc biệt quan tâm tới tăng cường quản lý nợ công. Cụ thể, theo Công văn số 786/TTg-KTTH ký ngày 11/5 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị nghiêm túc tăng cường công tác quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công, nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ chưa hoàn thành. Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm quản lý chặt chẽ và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, gắn trách nhiệm của người ra quyết định đầu tư, sử dụng vốn với trách nhiệm trả nợ.

Trung tâm nghiên cứu BIDV cũng đã đưa ra khuyến nghị về giải pháp hoàn thiện bộ máy quản lý nợ công như thành lập một ủy ban nhằm giám sát và kiểm soát nợ công (thuộc Quốc hội) nhằm tăng cường khả năng giám sát độc lập về nợ công. Cần có các văn bản hướng dẫn thi hành luật về nợ công, phải có sự tham khảo của tư vấn chuyên nghiệp và giám sát chặt chẽ đối với các khoản vay, đầu tư.

Theo kinh nghiệm của các nước phát triển, cần có một đầu mối thống nhất nhằm quản lý vốn ODA. Đầu mối này có thể là một định chế tài chính chuyên nghiệp, uy tín, có trách nhiệm thẩm định, đề xuất cơ chế tài chính áp dụng với các dự án, điều kiện cho vay. Đơn vị này phải có kinh nghiệm trong việc quản lý các khoản vay nước ngoài, năng lực về tài chính để có thể chịu được rủi ro, tránh ảnh hưởng đến ngân sách Nhà nước.

Tuân thủ nguyên tắc tín dụng là chỉ vay nợ khi có dự án hiệu quả và nguồn trả nợ rõ ràng, có tính đến các kịch bản rủi ro có thể xảy ra để bảo đảm khả năng thanh toán của Chính phủ. Tiến tới áp dụng quy tắc “ai hưởng lợi, người đó trả nợ” nhằm nâng cao trách nhiệm sử dụng và bảo vệ nguồn thu từ chủ dự án dùng vốn nợ công. Tư nhân hóa các dự án công trên cơ sở đấu thầu công khai, cạnh tranh về giá cả và chất lượng và gắn với trách nhiệm cá nhân.

Ngoài ra, Trung tâm này cũng khuyến nghị cần thành lập tổ chức định mức tín nhiệm và tổ chức xếp hạng trong nước; thành lập và đưa vào hoạt động trung tâm thông tin doanh nghiệp nhằm minh bạch hóa thông tin, khuyến khích doanh nghiệp phát hành trái phiếu, giảm dần bảo lãnh của Chính phủ cho doanh nghiệp, tiến tới để doanh nghiệp tự vay, tự trả.

Về phía hệ thống tài chính-ngân hàng, cần xây dựng và vận hành thị trường trái phiếu hiện đại. Đồng thời, phát triển thị trường chứng khoán tạo kênh dẫn vốn trung, dài hạn; hoàn thành tái cơ cấu các tổ chức tín dụng...

Các tin khác