Nhật Bản vẫn ưu tiên đầu tư vào Việt Nam

Nhật Bản là đối tác chiến lược của Việt Nam trong nhiều mặt; là nhà tài trợ song phương ODA lớn nhất, chiếm tới 30% tổng ODA của Việt Nam; một trong 5 nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam hiện nay với tổng số vốn đăng ký chiếm khoảng 11% FDI của cả nước.

Nhật Bản là đối tác chiến lược của Việt Nam trong nhiều mặt; là nhà tài trợ song phương ODA lớn nhất, chiếm tới 30% tổng ODA của Việt Nam; một trong 5 nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam hiện nay với tổng số vốn đăng ký chiếm khoảng 11% FDI của cả nước.

Việt Nam có nguồn lao động dồi dào, chính sách, môi trường đầu tư tích cực cũng là những yếu tố thu hút doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư.

Sau thảm họa kép ở Nhật Bản hồi tháng 3, nhiều ý kiến cho rằng, Nhật Bản sẽ giảm đầu tư ra nước ngoài. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế của Nhật Bản, để khôi phục lại nguyên trạng sản xuất – kinh doanh sau thảm họa các dòng tiền đầu tư ra nước ngoài, thì tìm kiếm được lợi nhuận ổn định sẽ bù đắp được những thiếu hụt này trong dài hạn.

Vì sao chọn Việt Nam?

Theo kết quả khảo sát của Ngân hàng tái thiết Nhật Bản (JBIC) năm tài chính 2010, trong tổng đầu tư ra nước ngoài của Nhật, Việt Nam đứng thứ 3 trong trung hạn như một quốc gia tiềm năng về ngoại thương. Việt Nam đồng thời đứng thứ 4 như một quốc gia triển vọng về ngoại thương trong dài hạn.

Ông Hideo Naito, Trưởng ban Tài chính phụ trách đầu tư về năng lượng, nguồn nước và cơ sở hạ tầng (JBIC) đưa ra các căn cứ minh chứng cho việc coi Việt Nam là vùng đất triển vọng cho các công ty nước ngoài như: Giá nhân công rẻ, triển vọng phát triển của thị trường nội địa; nhân công có trình độ, đa dạng trong giảm thiểu rủi ro và nền tảng xuất khẩu tới các nước thứ 3.

Từ những lý do nêu trên, thực tế cho thấy số lượng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam ngày càng gia tăng. Ông K. Osada, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc điều hành Thời báo Kinh tế Nikkei đưa ra con số: Nếu như trong 2 năm 2005-2006 chỉ có khoảng 200 doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam thì đến năm 2010 con số này đã lên tới 1.000.

Theo điều tra của Bộ Kinh tế - Công nghiệp Nhật Bản, 97% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp của Nhật Bản được hỏi cho biết bắt đầu chuyển hướng cung cấp phụ tùng từ nơi khác đến trong đó chủ yếu là từ khu vực châu Á.

Từ trước tới nay người dân Nhật Bản luôn cho rằng thị trường Trung Quốc rất mạnh về sức tiêu thụ. Tuy nhiên, ông N. Hasegawa, Tổng biên tập Thời báo kinh tế điện tử Nikkei, cho biết gần đây, kinh tế Trung Quốc không còn giữ được sự ổn định như trước vì thế doanh nghiệp Nhật Bản phải tìm kiếm các thị trường khác để phân tán rủi ro theo mô hình “China plus one”.

Theo đó, quốc gia được cho là hấp dẫn như một thị trường tiêu thụ gồm Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam… và trên 60% doanh nghiệp được hỏi cho rằng Việt Nam là địa chỉ hấp dẫn nhất về cơ sở sản xuất. Hiện nay, nhiều hãng sản xuất lớn của Nhật Bản đã mở rộng sản xuất tại Việt Nam (như Honda, Toyota). “Doanh nghiệp Nhật Bản đã quan tâm hơn đến Việt Nam” – ông Hasegawa khẳng định.

Cùng chung quan điểm này, ông H. Yamaoka, Trưởng đại diện tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Việt Nam, cho biết ngoài các vấn đề kinh tế, yen tăng giá và khó khăn về nguồn cung cấp các phụ kiện nên xu hướng đầu tư sang châu Á của các doanh nghiệp Nhật Bản ngày càng gia tăng.

Trước đây, các doanh nghiệp chủ yếu đầu tư sang Trung Quốc, tuy nhiên các doanh nghiệp Nhật Bản cảm thấy họ dường như không được hoan nghênh lắm ở Trung Quốc, trong khi Việt Nam có nguồn lao động dồi dào, chính sách, môi trường đầu tư tích cực. Phần lớn các doanh nghiệp Nhật Bản đều mong muốn đặt cơ sở sản xuất ở Việt Nam.

Một thực tế nữa là hiện nay thị trường trong nước của Nhật Bản bị thu hẹp, giá yen cao giảm sức cạnh tranh sản xuất, đặt ra yêu cầu buộc doanh nghiệp phải chuyển mạnh hơn sản xuất ra ngoài. Đặc biệt, thảm họa động đất, sóng thần đang đẩy các tập đoàn Nhật Bản phải tập trung tái cơ cấu hệ thống sản xuất, cung cấp thiết bị, nguyên liệu, nhân lực. “Nếu Việt Nam chuẩn bị tốt điều kiện trong nước thì có thể sớm đón làn sóng đầu tư thứ 3 từ Nhật Bản” – Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định.

Cần mạnh tay cải cách

Theo ông Yamaoka, vấn đề mà các doanh nghiệp Nhật Bản gặp khó khăn nhất ở Việt Nam hiện nay là lạm phát tăng cao, lương tăng, VNĐ giảm giá… “Đối với một nước đang phát triển đây là vấn đề rất bình thường nhưng ở đây lại xảy ra đột biến khiến doanh nghiệp khó có giải pháp ứng phó. So sánh giữa Việt Nam với các nước trong ASEAN, tốc độ thay đổi của Việt Nam gấp 4 lần so với các nước khác” – ông Yamaoka nói.

Ông Hideo Naito nêu những khó khăn gồm: Hạ tầng cơ sở còn đang trong giai đoạn phát triển; khó khăn trong việc tuyển dụng nhân lực quản lý; hệ thống pháp lý phức tạp; chi phí nhân công tăng nhanh và cạnh tranh cao.

Chia sẻ thêm về những khó khăn này, bà Hikaru Oguchi, đại diện Công ty Luật Nishimura & Asahi, cho rằng hệ thống pháp lý của Việt Nam đang phải chạy theo sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng vì thế nên thường xuyên sửa đổi, không thống nhất giữa các cấp khác nhau của các văn bản qui phạm pháp luật, sự không nhất quán giữa văn bản pháp luật và mức độ thực thi. Ngoài ra, hệ thống giải quyết các tranh chấp trong hệ thống pháp luật vẫn chưa tương xứng dẫn đến khả năng thực thi của các phán quyết chưa cao.

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt với những điểm yếu trong thu hút vào lĩnh vực gia công, lắp ráp. Công nghệ gia công lắp ráp đã làm cho nhập siêu tăng nhanh, giá trị gia tăng sản xuất trong nước thấp, đào tạo nhân lực và chuyển giao công nghệ hạn chế. Các nhà máy gia công lắp ráp quy mô lớn sử dụng nhiều lao động giản đơn dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động bắt đầu xuất hiện tại nhiều khu công nghiệp.

Trong khi đó, Việt Nam vẫn chưa có những chính sách thỏa đáng nhằm phát triển mạnh khối doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước vì vậy dẫn đến tình trạng mạng lưới lắp ráp trong nước đã hình thành mà không có doanh nghiệp phụ trợ bản địa cung ứng thiết bị phụ kiện đủ chất lượng, nên vẫn phải nhập khẩu.

Ông Trần Tuấn Anh cho rằng đã đến thời điểm thích hợp với cả Việt Nam và Nhật Bản để thu hút doanh nghiệp Nhật đầu tư vào công nghiệp chế tạo bên cạnh công nghiệp hỗ trợ. Việt Nam đã có một số điều kiện ban đầu đáp ứng ở qui mô phù hợp.

Theo đánh giá chung, hiện nay đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam chủ yếu tập trung vào ngành công nghiệp mà họ có lợi thế như lắp ráp ô tô, xe máy, sản xuất máy công nghiệp, điện, điện tử, hóa chất… Xu hướng đầu tư thời gian tới của Nhật Bản vào Việt Nam là tập trung vào công nghiệp phụ trợ và tập trung nhiều hơn vào các ngành công nghệ cao.

Các tin khác