Bế mạc kỳ họp thứ 6 HĐND TPHCM khóa IX

Nhanh chóng triển khai cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố

(ĐTTCO)-Chiều 7-12, kỳ họp thứ 6 HĐND TPHCM khóa IX đã bế mạc sau 4 ngày làm việc. Kỳ họp đã thông qua tất cả 37 nghị quyết, trong đó có 2 nghị quyết quan trọng. 
 
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cùng các đồng chí lãnh đạo TPHCM tại phiên bế mạc Ảnh: VIỆT DŨNG
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cùng các đồng chí lãnh đạo TPHCM tại phiên bế mạc Ảnh: VIỆT DŨNG
Đó là nghị quyết thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM và nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2018.
Tăng phí, thuế theo lộ trình

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm, dẫn lại Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM phân cấp cho HĐND TP được quyền quyết định đối với một số nhóm lĩnh vực quan trọng.
Theo đó, HĐND TP được xem xét, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội áp dụng trên địa bàn TP thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất đối với một số hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường. Mức thuế hoặc thuế suất không quá 25% so với mức thuế hoặc thuế suất hiện hành. HĐND TP còn được quyết định áp dụng trên địa bàn TPHCM phí, loại phí chưa được quy định hoặc tăng phí, lệ phí vượt khung.
“Tất nhiên, khi áp dụng thì phải kèm theo các điều kiện về lộ trình thực hiện hợp lý, đảm bảo môi trường đầu tư và sức chịu đựng của người dân”, đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm giải thích và khẳng định trước khi thực hiện thì phải đánh giá tác động xã hội, lấy ý kiến người dân để có quyết định phù hợp với thực tiễn và tạo được sự đồng thuận.

Sau phần giải thích của Chủ tịch HĐND TPHCM, kỳ họp đã thống nhất biểu quyết thông qua nghị quyết thực hiện nghị quyết của Quốc hội. Theo đó, giao UBND TP khẩn trương xây dựng các đề án cụ thể để trình HĐND TP xem xét, quyết định tại kỳ họp giữa năm 2018. Cụ thể, đề án bổ sung các loại phí, lệ phí chưa có trong danh mục phí và lệ phí hiện hành; đề án tăng phí, lệ phí đang áp dụng; đề án thực hiện cải cách tiền lương và tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập.
Nghị quyết cũng yêu cầu chậm nhất đến giữa năm 2018, UBND TP phải trình HĐND TP các đề án thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất đối với một số hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường; đề án huy động vốn đầu tư xã hội thông qua phương án phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước... Đồng thời, đề xuất ứng vốn ngân sách TP thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng quan trọng trên địa bàn thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương. Trước mắt, đề xuất triển khai đường Vành đai 3 bằng chuyển đổi vốn và hợp tác công tư.
Nghị quyết còn yêu cầu trước tháng 6-2018, UBND TP phải trình HĐND TP đề án phân cấp, ủy quyền; đề án sắp xếp tổ chức, điều chỉnh tên gọi, chức năng, nhiệm vụ các phòng thuộc các cơ quan chuyên môn của UBND TP; sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ các cơ chế, chính sách đặc thù để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.

 Nghị quyết giao UBND TP căn cứ vào tình hình thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, UBND TP tham mưu trình HĐND TP xem xét, quyết định danh mục các dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10ha trở lên phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất lúa đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Đồng thời, trình danh mục các dự án nhóm A sử dụng ngân sách của TPHCM theo quy định Luật Đầu tư công.

Chính quyền cần có giải pháp mạnh mẽ

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm lưu ý, nghị quyết của HĐND TP là nghị quyết khung, giao nhiệm vụ cụ thể cho UBND TP và HĐND TP sẽ thực hiện việc giám sát thực hiện.

Người đứng đầu HĐND TP nhấn mạnh, Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM là động lực, cơ hội. Song, phải triển khai, đảm bảo đưa các nội dung nghị quyết đi vào cuộc sống, để TPHCM tăng trưởng bền vững hơn; đời sống của người dân từ đó được nâng cao và sự đóng góp của TPHCM cho cả nước phải cao hơn, nhiều hơn.
Mặt khác, việc triển khai có hiệu quả không chỉ tạo thêm nguồn lực mà kết quả thực hiện sẽ là kinh nghiệm, là cơ chế, thể chế thực tiễn đối với cả nước. Bên cạnh đó, nếu thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Quốc hội (trong 5 năm; qua 3 năm sẽ có sơ kết, đánh giá) thì TPHCM sẽ có cơ sở tiếp tục đề xuất trung ương các cơ chế mới thoáng hơn và việc phân cấp, phân quyền mạnh hơn. 

Ngược lại, nếu triển khai không thành công thì TPHCM khó có cơ hội đề xuất thêm. Vì vậy, đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm yêu cầu, UBND TP có các giải pháp mạnh mẽ, triển khai thực hiện và nhanh chóng đưa nghị quyết của HĐND TP vào cuộc sống. Trong các giải pháp phải chú trọng tạo môi trường đầu tư thông thoáng, công khai, minh bạch, tạo niềm tin để huy động nguồn lực dồi dào trong xã hội. Khẩn trương xây dựng và trình HĐND TP các nội dung được giao đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng để thí điểm cơ chế đột phá có hiệu quả.

Về tình hình kinh tế - xã hội của TPHCM, phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND Nguyễn Thị Quyết Tâm nhắc lại một số hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra vẫn chưa được khắc phục hiệu quả, như: tăng trưởng kinh tế, doanh nghiệp thành lập mới chưa đạt kế hoạch; tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, an toàn thực phẩm, bạo hành trẻ em... còn diễn biến phức tạp, có mặt còn nghiêm trọng hơn.
Đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm yêu cầu phải có các giải pháp khắc phục hiệu quả những hạn chế, yếu kém đã nêu; đồng thời tăng cường kỷ cương, kỷ luật bộ máy hành chính từ TP đến cơ sở. Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện thắng lợi nghị quyết HĐND TP trên tinh thần phát triển kinh tế phải đồng thời với phát triển văn hóa, giáo dục, y tế...; đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và nâng cao chất lượng sống của người dân.
Kỳ họp thứ 6 HĐND TPHCM khóa IX đã thông qua 37 nghị quyết với nhiều nội dung quan trọng, trong đó có các nghị quyết về dự toán ngân sách, thu chi ngân sách địa phương năm 2018. Theo đó, kỳ họp thông qua dự toán tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn trong năm 2018 là 376.780 tỷ đồng, tăng 8,31% so với dự toán năm 2017. Tổng thu ngân sách địa phương là hơn 81.980 tỷ đồng. Tổng chi ngân sách địa phương là hơn 86.865 tỷ đồng (bội chi gần 4.884 tỷ đồng). Kỳ họp cũng thông qua mức vay của TPHCM trong năm 2018 là gần 5.749 tỷ đồng.

Cùng với đó, HĐND TP thông qua một số nghị quyết điều chỉnh tăng lệ phí trong một số lĩnh vực, như: tăng lệ phí đăng ký cư trú, cấp phép xây dựng, cấp phép lao động cho người nước ngoài, thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.... Về chủ trương đầu tư công, kỳ họp thông qua danh mục (đợt 2 - năm 2017) đối với 89 dự án sử dụng vốn ngân sách TP, với tổng mức đầu tư gần 18.950 tỷ đồng.

HĐND TP còn thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2018, đặt yêu cầu tăng trưởng năm 2018, như: tổng sản phẩm nội địa (GRDP) tăng trưởng từ 8,3% - 8,5%. Trong nhóm nhiệm vụ, giải pháp năm 2018, kỳ họp cũng thông qua chỉ tiêu thành lập mới 46.000 doanh nghiệp; phấn đấu đưa chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính (PAR-index) lần lượt vào nhóm 5, nhóm 10 các địa phương dẫn đầu cả nước...

Kỳ họp yêu cầu UBND TP tổ chức sơ kết 2,5 năm thực hiện 7 chương trình đột phá; xây dựng và triển khai thực hiện chương trình hành động của Thành ủy TPHCM thực hiện các nghị quyết chuyên đề Hội nghị lần thứ 5 và lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Ngoài ra, nghị quyết đặt vấn đề về việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức mạnh cạnh tranh của kinh tế TP; cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh; tăng cường hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; rà soát, điều chỉnh quy hoạch theo hướng tăng đất dành cho công nghiệp, dịch vụ, cây xanh, giao thông. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ, triển khai các dự án đầu tư đường Vành đai 2, Vành đai 3; giải pháp nâng cao năng lực khai thác sân bay Tân Sơn Nhất; di dời nhà trên và ven kênh rạch... nhằm chỉnh trang đô thị; giải quyết ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.

Các tin khác