Nhà tài trợ phàn nàn về sự chậm trễ trong xử lý ODA

(ĐTTCO)-Tờ trình của Chính phủ về việc bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và năm 2018 vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Ai Len cho Chương trình 135 đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét cho ý kiến tại phiên họp chiều 9-8.
Nhà tài trợ phàn nàn về sự chậm trễ trong xử lý ODA

Theo đó, Chính phủ Ai Len đã cam kết hỗ trợ khoản tiền viện trợ không hoàn lại tối đa 12 triệu Euro cho Dự án “Hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135” trong 4 năm tài khóa từ 2017 đến 2020.

Căn cứ thỏa thuận giữa hai Chính phủ, ngày 30-11-2017, Đại sứ quán Ai Len đã chuyển số tiền 3 triệu Euro của năm tài khóa 2017. Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan của Chính phủ đã hoàn thành thủ tục tiếp nhận khoản viện trợ, chuyển thành nội tệ và đã nộp ngân sách trung ương.

Do khoản tiền viện trợ này được Chính phủ Ai Len thông báo sau khi Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và năm 2018, dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 (vào ngày 29-11-2017), nên khoản viện trợ này chưa được Quốc hội phê duyệt trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và năm 2018, chưa được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 để phân bổ và giao cho các địa phương có liên quan.

Theo yêu cầu tại Thỏa thuận tài trợ, với nguồn vốn năm tài khóa 2017, Đại sứ quán Ai Len chuyển tiền cho Bộ Tài chính Việt Nam từ tháng 11-2017, đến tháng 9-2018, Chính phủ Việt Nam sẽ phải báo cáo tiến độ giải ngân của nguồn vốn viện trợ này, trong báo cáo tiến độ giải ngân của các địa phương đến tháng 9-2018 phải có ít nhất 50% công trình được khởi công. Nếu Chính phủ Việt Nam không đảm bảo cam kết tại Thỏa thuận tài trợ thì có khả năng Chính phủ Ai Len sẽ cắt nguồn vốn viện trợ các năm tiếp theo.

Do đó, Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Dự án “Hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135” sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Ai Len. Giao Chính phủ hàng năm xây dựng phương án sử dụng nguồn vốn viện trợ này để báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung kế hoạch đầu tư các năm tiếp theo trong giai đoạn 2018-2020; trên cơ sở đó, giao Chính phủ chủ động phê duyệt phân bổ chi tiết cho các địa phương triển khai thực hiện.

Chính phủ cũng đề nghị được bổ sung dự toán thu viện trợ năm 2018 từ nguồn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Ai Len đồng thời bổ sung tương ứng kế hoạch chi đầu tư từ nguồn vốn này cho 5 tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Quảng Trị, Kon Tum và Trà Vinh.

Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nêu rõ thẩm quyền xem xét quyết định bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Tuy nhiên, do đây là khoản viện trợ ODA không hoàn lại, có tính cấp bách nên trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, nhất trí về nguyên tắc, cho phép Chính phủ tiếp nhận, phân bổ, giao vốn và chỉ đạo giải ngân theo tiến độ của dự án và đề nghị Chính phủ trình Quốc hội nội dung này tại kỳ họp thứ 6 để Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Cơ quan thẩm tra nhấn mạnh, từ tháng 11-2017 nhà tài trợ đã chuyển tiền theo đúng cam kết, tuy nhiên, đến nay Chính phủ mới có tờ trình về vấn đề này là quá chậm, gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án. Vì thế, Đại sứ Ai Len tại Việt Nam đã có thư phản ánh sự chậm trễ này đến Chủ tịch Quốc hội. Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan rút kinh nghiệm về việc chậm trễ; khẩn trương xem xét trình cấp có thẩm quyết giải quyết kịp thời vướng mắc, tránh xảy ra các trường hợp tương tự.

Lưu ý đến chi tiết nhà tài trợ gửi thư đến Chủ tịch Quốc hội, phàn nàn về tiến độ chậm trễ trong xử lý thủ tục liên quan đến khoản ODA này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Chính phủ nghiêm túc rút kinh nghiệm.

*Trong khuôn khổ phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016”.

Trình bày báo cáo kết quả (tóm tắt) tại phiên họp, ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát của UBTVQH nhận định, các dự án, công trình đầu tư từ nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài giai đoạn 2011-2016 cơ bản phù hợp với nhu cầu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội và chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.

Trong giai đoạn này, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, song Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu phát triển kinh tế, xã hội quan trọng: tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức hợp lý, quy mô và tiềm lực của nền kinh tế tiếp tục tăng, các mặt của đời sống xã hội, kinh tế nông nghiệp nông thôn có những bước khởi sắc.

Bên cạnh đó, nhiều hạn chế, bất cập, nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan cũng đã được chỉ rõ qua hoạt động giám sát.

Lệch pha giữa giải ngân với kế hoạch, chất lượng chuẩn bị dự án thấp

Từ năm 2015 trở về trước, vốn ODA được giải ngân theo tiến độ thực hiện dự án thì kết quả giải ngân luôn lớn hơn nhiều so với dự toán được Quốc hội thông qua, có những dự án giải ngân gấp nhiều lần kế hoạch vốn. Bên cạnh đó, cũng có nhiều địa phương có những dự án tỷ lệ giải ngân vốn nước ngoài rất thấp so với tổng mức đầu tư của dự án. Việc giao kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài chỉ mang tính hình thức, dẫn đến giải ngân thực tế vượt dự toán lớn, làm tăng bội chi ngân sách so với số dự toán đã được Quốc hội quyết định.

Từ năm 2016, thực hiện quy định của Hiến pháp và Luật NSNN, vốn nước ngoài phải giải ngân theo kế hoạch đầu tư công trung hạn trong khi kế hoạch này chưa sát với tiến độ thực hiện dự án dẫn đến nhiều vướng mắc. Như vậy, nếu cho phép các dự án giải ngân theo tiến độ thì sẽ dẫn đến giải ngân vượt hạn mức kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 rất lớn, không bảo đảm tuân thủ Hiến pháp, Nghị quyết đã được Quốc hội thông qua.

Bên cạnh đó, chất lượng chuẩn bị một số dự án chưa đáp ứng yêu cầu, gây lãng phí, hiệu quả thấp. Công tác chuẩn bị dự án còn nhiều hạn chế, báo cáo nghiên cứu khả thi thường phải điều chỉnh nhiều lần, có những dự án chuẩn bị và thực hiện trong nước kéo dài vài năm, dẫn đến không còn tính cấp thiết và làm cho thiết kế ban đầu không còn phù hợp.

Dự án kéo dài, hiệu quả kinh tế xã hội chưa cao

Đặc biệt, hiệu quả sử dụng nguồn lực ODA ở một số dự án chưa cao. Một số dự án chậm tiến độ đi đôi với việc tăng tổng mức đầu tư lớn, suất đầu tư tăng cao, tổng chi phí phải trả để đạt được mục tiêu lớn hơn nhiều so với dự kiến ban đầu, công nghệ trở nên lạc hậu do chậm tiến độ.

“Việc sử dụng vốn vay chưa phù hợp, đầu tư thiếu tính toán căn cơ, một số dự án hoàn thành nhưng không mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội”, Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải thẳng thắn bình luận. Có nhiều chương trình trùng mục tiêu cùng thực hiện trên một địa bàn như: chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, chương trình dạy nghề lao động nông thôn; chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường, chương trình nông thôn mới, chương trình 135…

Cá biệt, có dự án đầu tư không những không mang lại hiệu quả mà còn để lại một khoản vay lớn, không có khả năng trả nợ và số lãi thì ngày một tăng.

Trên cơ sở đánh giá thực trạng, Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài. Đặc biệt, ông Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh đề nghị “kiên quyết giữ tỷ lệ bội chi, không cho phép vượt trần tổng mức vốn đầu tư từ nguồn NSNN, giữ vững an ninh tài chính quốc gia, chỉ tiêu an toàn nợ công trong giới hạn đã được Quốc hội quyết định tại các nghị quyết”.

Đối với Chính phủ, cần xây dựng chiến lược huy động vốn vay nước ngoài phù hợp với tình hình thực tiễn, với điều kiện nguồn vốn ODA, mức độ ưu đãi của các nguồn vốn các nhà tài trợ dành cho Việt Nam đang giảm dần. Từng bước giảm tỷ trọng vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài, tập trung vay vốn ODA để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đã được Quốc hội quyết định.

Cần tuân thủ nghiêm các quy định tại các nghị quyết và các văn bản pháp luật liên quan để điều hành việc huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài theo hướng không được vượt tỷ lệ bội chi và mức trần tổng vốn đầu tư từ nguồn NSNN 2 triệu tỷ đồng trong giai đoạn 2016-2020, giữ vững chỉ tiêu an toàn nợ công đã được Quốc hội quyết định - Trưởng đoàn giám sát đề xuất. 

Các tin khác