Ngôi nhà của tôi

Đó là tên của bài hát có giai điệu làm nhạc nền cho đoạn phim dài 1,13 phút đăng trên Facebook của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, tóm tắt ngày làm việc đầu tiên trong chuyến viếng thăm Việt Nam cùng phu nhân và đoàn đại biểu cấp cao Singapore hồi tuần rồi (từ ngày 11 đến 13-9). Phải chăng Thủ tướng Lý muốn nhắn gửi đến doanh nghiệp và các nhà đầu tư Singapore hãy xem Việt Nam là “ngôi nhà thứ hai” sau khi 2 nước đã chính thức nâng cấp quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện thành đối tác chiến lược?

Đó là tên của bài hát có giai điệu làm nhạc nền cho đoạn phim dài 1,13 phút đăng trên Facebook của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, tóm tắt ngày làm việc đầu tiên trong chuyến viếng thăm Việt Nam cùng phu nhân và đoàn đại biểu cấp cao Singapore hồi tuần rồi (từ ngày 11 đến 13-9). Phải chăng Thủ tướng Lý muốn nhắn gửi đến doanh nghiệp và các nhà đầu tư Singapore hãy xem Việt Nam là “ngôi nhà thứ hai” sau khi 2 nước đã chính thức nâng cấp quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện thành đối tác chiến lược?

Trong đoạn phim ngắn là hình ảnh Thủ tướng Lý gặp gỡ những nhà lãnh đạo cấp cao nhất của nước chủ nhà, thăm bảo tàng Lịch sử Quân sự, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, xem biểu diễn nghệ thuật, giao lưu với người dân Việt Nam và gặp gỡ cộng đồng người Singapore tại thủ đô Hà Nội.

Nhưng người Singapore bao giờ cũng thích những cái gì cụ thể và trong suy nghĩ đó, “ngôi nhà” của doanh nghiệp và nhà đầu tư Singapore tại Việt Nam có lẽ là các khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) trong 17 năm qua đã thu hút 490 nhà đầu tư đến từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng giá trị vốn đầu tư hơn 6,4 tỷ USD và đã tạo việc làm cho hơn 140.000 lao động.

Được khởi công xây dựng vào năm 1996, VSIP đã có mặt ở hầu hết các khu vực kinh tế trọng điểm trên lãnh thổ Việt Nam và nếu cộng thêm diện tích của VSIP Quảng Ngãi được ông Lý đến dự lễ khởi công qua chuyến đi này, Singapore đang cùng với các đối tác Việt Nam “sở hữu” trên 6.000ha đất. Singapore cũng là một trong những nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu tại Việt Nam. Tính đến 7-2013, Singapore đã có gần 1.200 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 28 tỷ USD, đứng thứ 2 trong số các nước, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Quan hệ mua bán giữa 2 nước cũng đạt hơn 9 tỷ USD trong năm ngoái.

Thủ tướng Lý Hiển Long đang thử chơi đàn K'lông pút tại Văn Miếu. 

Thủ tướng Lý Hiển Long đang thử chơi đàn K'lông pút tại Văn Miếu.

Trả lời phỏng vấn của giới truyền thông Singapore, bà Grace Fu, Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng kiêm Thứ trưởng Ngoại giao tháp tùng phái đoàn của Thủ tướng Lý, cho biết mặc dù đang đối đầu với những thách thức hiện tại, với thị trường 88 triệu dân, Việt Nam sẽ cho doanh nghiệp Singapore nhiều cơ hội trong các lĩnh vực như sản xuất chế biến, du lịch, dịch vụ tài chính.

Còn ông Lý khẳng định dịch vụ hàng không giữa Việt Nam - Singapore và các nước khác trên thế giới sẽ tiếp tục phát triển và đây là tiền đề để thúc đẩy các hoạt động du lịch, thương mại và đầu tư. Về dịch vụ tài chính, ông Lý cho biết Singapore sẵn sàng cung cấp các hỗ trợ về kỹ thuật cho cán bộ Việt Nam và các ngân hàng Singapore hy vọng sẽ mở thêm nhiều chi nhánh ở đây để đóng góp vào sự phát triển của khu vực tài chính.

Ông không giấu giếm rằng hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay đang đương đầu với vấn nạn nợ xấu, nhưng Việt Nam vẫn là một mảnh đất đầy hứa hẹn với hơn phân nửa dân số của thị trường gần 90 triệu dân đang ở độ tuổi dưới 30.

Tầm vóc chiến lược của quan hệ hợp tác Việt Nam - Singapore thể hiện khá rõ trong lĩnh vực an ninh quốc phòng cùng với những trao đổi về hoạt động quân sự và đào tạo. 1 tuần trước chuyến đi của Thủ tướng Lý, Hải quân Singapore đã ký kết một biên bản ghi nhớ về tàu hỗ trợ và cứu hộ tàu ngầm cho Hải quân Việt Nam và một biên bản ghi nhớ về chia sẻ thông tin vận tải thương mại và các sự cố hàng hải.

Ngoài ra, lực lượng vũ trang 2 nước thường xuyên trao đổi với nhau thông qua các chuyến thăm cấp cao, trao đổi chuyên môn, tham gia các khóa đào tạo sĩ quan. Về những tranh chấp hiện nay trên biển Đông giữa Trung Quốc và các nước ASEAN trong đó có Việt Nam, ông Lý cho biết chúng sẽ được xử lý trong thái độ kiềm chế, hòa bình theo luật pháp quốc tế và ASEAN sẽ tạo ảnh hưởng theo chiều hướng xây dựng.

Ông Lý không nói thêm về tác động của đối tác chiến lược Việt Nam - Singapore đối với cục diện biển Đông nhưng là quốc gia không có quyền lợi gì trên các vùng lãnh thổ tranh chấp, với tư cách của một “đối tác chiến lược”, Singapore sẽ là dấu cộng cho thế và lực của Việt Nam trên trường quốc tế.

Theo ông Lý, quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Singapore được hình thành trong bối cảnh hợp tác kinh tế giữa 2 nước đang phát triển, quan hệ thương mại và đầu tư đang tăng trưởng và quan hệ nhân dân đang phồn thịnh, quan hệ đối tác chiến lược sẽ là khuôn khổ để hướng dẫn, tạo động lực, khai thác và cụ thể hóa quan hệ song phương mọi mặt.

Nói một cách ngắn gọn, quan hệ đối tác chiến lược không chỉ đơn thuần là kinh tế mà mang tính toàn diện cả về chính trị, an ninh quốc phòng, giáo dục và cả về văn hóa.

Các tin khác