Nghịch lý xuất - nhập than

Nhưng từ ngày 7-7-2013, mức thuế này lại được nâng lên 13%. Sau gần 2 tháng áp dụng mức thuế XK mới, Vinacomin lại xin giảm thuế về mức như cũ. Theo Vinacomin, với việc tăng thuế XK thêm 3%, sản lượng than XK của tập đoàn trong tháng 7 sụt giảm, chỉ đạt trên 100.000 tấn, bằng 1/10 so với tháng trước.

Trước những khó khăn của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), tháng 10-2012, Bộ Tài chính đã điều chỉnh giảm thuế xuất khẩu (XK) than từ mức 20% xuống 10%.

Nhưng từ ngày 7-7-2013, mức thuế này lại được nâng lên 13%. Sau gần 2 tháng áp dụng mức thuế XK mới, Vinacomin lại xin giảm thuế về mức như cũ. Theo Vinacomin, với việc tăng thuế XK thêm 3%, sản lượng than XK của tập đoàn trong tháng 7 sụt giảm, chỉ đạt trên 100.000 tấn, bằng 1/10 so với tháng trước.

Vì thế hiện giá chào bán mỗi tấn than của Vinacomin đã tăng thêm từ 3 đến vài chục USD tùy chủng loại. Mức giá này cao hơn giá bán trên thị trường thế giới, khiến khách hàng bỏ đi. Trước tình hình này, Vinacomin đã có văn bản đề nghị giữ mức thuế XK than 10% như 6 tháng đầu năm để bán được than, tạo điều kiện ổn định sản xuất, giải quyết việc làm...

Vinacomin cũng cho biết việc tiếp tục điều chỉnh giá than bán cho điện là rất cần thiết. Bởi sau đợt điều chỉnh ngày 20-4, giá than bán cho điện mới chỉ bằng 85-87% giá thành năm 2013. Kế hoạch than bán cho điện năm nay lại chiếm sản lượng rất lớn, nếu không được tăng ngành than sẽ phải bù giá bán khoảng 6.000 tỷ đồng cho điện. Trước đề nghị này, mới đây Bộ Tài chính lại có quyết định điều chỉnh thuế XK than từ 13% xuống 10%, áp dụng kể từ ngày 1-9.

Khoan bàn chuyện tăng hay giảm thuế liên tục cho than XK như vậy là hợp lý hay không, điều dư luận băn khoăn là nghịch lý về XK - nhập khẩu (NK) than, dù đã được nêu ra nhiều lần, dường như vẫn không được quan tâm trong các chính sách điều hành.

Theo dự báo, đến năm 2015, Việt Nam sẽ phải NK gần 6 triệu tấn than và sau đó tăng dần lên theo các năm tùy thuộc vào tiến độ sử dụng than, chủ yếu của các nhà máy điện chạy than. Vậy mà chúng ta vẫn tiếp tục ưu đãi bằng thuế cho XK than chỉ nhằm để “cứu” doanh nghiệp khai thác tài nguyên, vốn đã có nhiều lợi thế.

Than là tài nguyên không tái tạo, chủ trương lâu nay đối với loại tài nguyên này là áp dụng mức thuế NK tương xứng để hạn chế XK. Thế nhưng, thực tế Vinacomin đang thể hiện mong muốn xuất càng nhiều than càng tốt. Năm 2013, Vinacomin đặt mục tiêu XK 16 triệu tấn, tăng 1,7 triệu tấn so với năm 2012 (năm 2012 XK 14,3 triệu tấn). Và những đề nghị giảm thuế liên tục được đưa ra từ tập đoàn này cũng là nhằm tháo gỡ khó khăn khi XK suy giảm.

Theo lý giải của lãnh đạo Vinacomin, XK than thời gian qua chủ yếu là các chủng loại than không thích hợp với sản xuất trong nước, cũng như nhằm giải quyết cân đối tài chính khi than bán trong nước vẫn đang thấp hơn giá thị trường. Hoặc Việt Nam đang XK loại than tốt mà trong nước chưa có nhu cầu sử dụng.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, giá XK than của Việt Nam ra nước ngoài đang thấp hơn so với các nước, nếu quy đổi ra nhiệt năng thì  giá than XK của Việt Nam chỉ bằng 70% giá của Australia.

Theo TS. Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Ban quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng thuộc Vinacomin, trong khi các nhà máy nhiệt điện và xi măng trong nước là khách hàng chủ yếu và lâu dài của ngành than, nhưng Vinacomin lại tập trung XK. Trong khi đó, gần 100% than XK vừa qua có thể dùng để phát điện và sản xuất xi măng và đều là những loại than Việt Nam sắp phải NK.

Đây chính là nghịch lý của ngành than đã diễn ra lâu nay. Bởi trong bối cảnh ngành than lệ thuộc lớn vào XK như hiện nay chúng ta lại phải đối mặt với bài toán tìm nguồn NK than. Nguồn NK hiện nay trông cậy chủ yếu vào thị trường Australia và Indonesia, nhưng việc NK từ các thị trường này không dễ khi Việt Nam sẽ phải cạnh tranh gay gắt với Trung Quốc, Nhật Bản. Còn nếu NK than từ các thị trường xa như Nga chi phí vận chuyển rất lớn.

Hiện Việt Nam chưa có chính sách về sử dụng năng lượng nên việc sử dụng các tài nguyên thiên nhiên chưa thật sự tiết kiệm và hiệu quả. Do vậy, nghịch lý xuất - nhập than của Vinacomin đã kéo dài trong nhiều năm nay nhưng vẫn chưa khắc phục, thể hiện sự mâu thuẫn trong chính sách vi mô và vĩ mô, hay nói cách khác việc quản lý khoáng sản than không có định hướng nhất quán. Để giải quyết nghịch lý này, các chuyên gia cho rằng cần nâng cao hiệu suất sử dụng than của các ngành điện, xi măng cũng như các ngành kinh tế khác.

Bởi hiệu quả sử dụng của Việt Nam còn kém, 1kg than các nước có thể sản xuất ra được 3kWh điện còn ở Việt Nam chỉ được 2kWh điện. Đặc biệt, cần có sự đầu tư vào ngành than bởi các công ty than ở Quảng Ninh (mỏ than của Việt Nam) sắp đóng cửa, nên phải đầu tư vào công tác thăm dò than.

Các tin khác