Nghịch lý vốn đã thấp, nhưng có tiền cũng chưa chi được

(ĐTTCO)-Sáng 15-6 Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng tiếp tục trả lời chất vấn xung quanh các vấn đề về Luật Đầu tư công, thu hút vốn đầu tư nước ngoài...
 
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

Kết luận phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, thời gian qua, Chính phủ, Bộ KH-ĐT đã tích cực triển khai Luật Đầu tư công.

Tuy nhiên, lĩnh vực này cũng còn nhiều điểm cần phải quan tâm, chỉ đạo - Chủ tịch Quốc hội lưu ý. Đó là phân bổ vốn đầu tư trung hạn còn chậm, vốn đã thấp so với nhu cầu nhưng tiến độ giải ngân vốn cũng chậm, “có tiền mà chưa chi được”. Nhiều quy định, thủ tục đầu tư còn bất cập, chậm nghiên cứu sửa đổi. Tình trạng đầu tư còn dàn trải, chưa sát với thực tế đã gây lãng phí, kém hiệu quả đã tồn tại nhiều năm nay vẫn chưa có giải pháp khắc phục triệt để...

 
"Việc lập, phân bổ vốn đầu tư công đã từng bước đi vào nền nếp, bảo đảm chặt chẽ, triển khai nhiều biện pháp, giải pháp để cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, góp phần thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài cả về số dự án, số vốn dự án và số vốn giải ngân. Tăng tổng đầu tư vốn toàn xã hội, thay đổi cơ cấu vốn đầu tư theo hướng giảm tỷ trọng đầu tư từ NSNN", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ghi nhận.

Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, Chính phủ, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cùng các Bộ trưởng có liên quan cần tiếp thu ý kiến của ĐBQH, tập trung thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công; rà soát các quy định về đầu tư công để kịp thời xuất nghị sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan để đầu tư công theo hướng bảo đảm đơn giản hóa các thủ tục, lập thẩm định phê duyệt đầu tư công, tránh chồng chéo mâu thuẫn. Đặc biệt, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và tăng cường trách nhiệm trong quản lý đầu tư công, tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan và các địa phương tập trung nguồn lực bố trí vốn cho từng dự án cụ thể theo thứ tự ưu tiên, bảo đảm tiến độ thực hiện dự án, tránh tình trạng kéo dài, đội vốn đầu tư, gây thất thoát lãng phí. 

Trong năm 2017 ban hành các giải pháp để phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước; xây dựng lại kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020; tiếp tục mở rộng các hình thức đầu tư để mở rộng huy động vốn từ khu vực tư nhân, vốn nước ngoài; sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA, vốn trái phiếu Chính phủ, các chương trình mục tiêu quốc gia.

"Thực hiện tốt việc điều hòa tổng nguồn vốn đầu tư, tránh tình trạng nơi thiếu vốn, nơi thì không giải ngân được; có cơ chế cắt giảm vốn đầu tư với các dự án, công trình chậm tiến độ, hiệu quả thấp để chuyển vốn sang công trình, dự án địa phương thực hiện đúng tiến độ, có hiệu quả" - Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân chỉ đạo.

Theo Chủ tịch Quốc hội, một nhóm giải pháp quan trọng khác bao gồm việc tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật đầu tư công, trong đó đề cao vai trò tham gia giám sát của cộng đồng dân cư trong các vùng bị ảnh hưởng bởi dự án. Làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm đối với các cơ quan, đơn vị, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật gây lãng phí, thất thoát trong đầu tư công; khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình QH xem xét quyết định chủ trương đầu tư đối với các công trình, dự án trọng điểm quốc gia theo đúng quy định của pháp luật. 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Một số bộ thấy cái gì cũng to 

Liên quan đến giải ngân, phân bổ vốn đầu tư công thuộc về trách nhiệm của Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, việc ngân cả năm 2016 và 2017 tuy có cao hơn cùng kỳ năm trước, nhưng phải thẳng thắn thừa nhận là còn chậm, “chúng ta không phân bổ hết dự toán, có tiền mà không tiêu hết được”. Theo Phó Thủ tướng, đây chính là một trong những nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh tế không đạt được kế hoạch.

Về nguyên nhân, có cả khách quan và chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là quan trọng nhất – ông Vương Đình Huệ nói. “Chúng ta còn chậm trong việc phát hiện để sửa đổi kịp thời những bất hợp lý trong các văn bản quy định có liên quan đến đầu tư công. Phải thẳng thắn là nhiều bộ ngành địa phương cũng chưa kiên quyết cắt giảm, chưa ưu tiên dự án quan trọng cấp bách, dự án sử dụng đối tác công tư... Các bộ ngành cũng giằng xé rất nhiều lựa chọn, có tình trạng việc nào cũng muốn, nên cắt giảm khó khăn, rất mất công trong cắt giảm. Phân công, phân cấp, ủy quyền chưa thật sự quyết liệt, hợp lý. Đúng như một số ĐB đã phát biểu rất xác đáng là một số Bộ thấy cái gì cũng quan trọng, việc gì cũng to cả… Phối hợp giữa các bộ ngành, địa phương vẫn yếu kém”.

Về giải pháp, theo Phó Thủ tướng, là sẽ tiếp tục rà soát các nghị định thông tư có liên quan, tăng cường phân cấp mạnh mẽ, tăng cường kỷ luật kỷ cương tài chính công và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu. Chính phủ đã thường xuyên rà soát tình hình, đã ban hành nhiều chủ trương, nhiệm vụ và giải pháp, đặc biệt là Nghị quyết chuyên đề số 60 ngày 8-7-2016 về đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả đầu tư công. Thủ tướng đã cho thành lập tổ công tác đặc biệt do một Phó Thủ tướng làm tổ trưởng. Việc triển khai NQ60 và hoạt động của tổ công tác đến nay đã cơ bản tháo gỡ những vướng mắc trong thủ tục giải ngân, các bộ ngành địa phương đã có sự phối hợp tốt hơn trong xây dựng kế hoạch, phân bổ và giải ngân đầu tư công.

Kết quả có chuyển biến tích cực, tốc độ giải ngân 5 tháng cuối năm 2016 đã tăng gấp 3 lần những tháng đầu năm 2016 và cả năm 2016 đã giải ngân được 92,3% tổng vốn phân bổ, những tháng đầu 2017 cũng đang tiến triển tốt.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre): Tại sao chúng ta cứ bàn quá nhiều về phân bổ vốn?

Phần trả lời của Bộ trưởng Bộ KH-ĐT chưa làm hài lòng hết các đại biểu, nên có nhiều ý kiến phản biện lại. Bộ trưởng Bộ KH-ĐT được coi là tham mưu trưởng, giúp Thủ tướng và Chính phủ cân đối nền kinh tế quốc dân. Vì vậy việc bàn về vốn chỉ là một câu chuyện chứ không phải tất cả.

Tôi rất không hài lòng  ở chỗ chúng ta bàn quá nhiều về phân bổ vốn. Vốn chúng ta có ít, chúng ta chỉ đáp ứng được số lượng phần trăm rất nhỏ trong tổng đầu tư.  Vì vậy việc bàn về vốn chỉ là một câu chuyện chứ không phải tất cả. Giải pháp là quan trọng. Nếu chúng ta có giải pháp tốt, thì dù trong túi chúng ta không có tiền nhưng vẫn có thể huy động được đầy đủ và mạnh mẽ các nguồn lực. Các nguồn lực đó không chỉ nằm trong ngân sách mà còn nằm rải rác trong dân và các nơi trên thế giới. Cần phải có sự hợp tác thì nó mới tăng nguồn lực, chứ đừng nghĩ hôm nay bán được đất bằng này để đầu tư cho cái kia, hay hôm nay trong túi mình có bằng này thì chi bằng này. Vì vậy tôi cho rằng, tổng tham mưu trưởng về lĩnh vực kế hoạch phải bàn về lĩnh vực cân đối rồi mới bàn đến tiền.

Câu hỏi “nhẹ nhàng”, nhưng trả lời nặng nề

 Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) cho biết có “câu hỏi rất nhẹ nhàng” gửi Bộ trưởng. Bà nói: “Đồng bằng Sông Cửu Long đóng góp ngày càng lớn cho nền kinh tế. Nhưng vấn đề vận tải vẫn chưa được giải quyết tốt. Nhiều dự án hạ tầng, nhất là cao tốc Trung Lương – Cần Thơ chưa hoàn thành. Trách nhiệm của Bộ trưởng đến đâu”?

Sau khi nhận được câu trả lời từ Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, ĐB Hoa Ry một lần nữa tha thiết mong đường cao tốc Trung Lương – Cần Thơ sớm được hoàn thành, đưa vào sử dụng. Chủ tịch Quốc hội cho biết, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải sẽ cùng làm rõ vấn đề này.

Cũng liên quan đến lĩnh vực giao thông, ĐB Lê Công Nhường (Bình Định) chất vấn tại sao chi phí làm đường cao tốc của Việt Nam cao gấp 2-4 lần các quốc gia khác nhưng chất lượng chưa tốt. Đường sắt cao tốc của Việt Nam cũng “đắt” gấp 2,5 lần của Thái Lan. “Trong điều kiện nguồn lực có hạn, Bộ trưởng có giải pháp gì để giảm tỷ suất đầu tư các tuyến hạ tầng giao thông giảm nhưng nâng cao chất lượng” – ĐB Nhường đặt vấn đề.

Được mời tham gia giải trình, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Trương Quang Nghĩa nhận định, đường cao tốc đoạn Trung Lương - Cần Thơ "đúng là có nhiều thăng trầm". Tuy đã được khởi công từ năm 2010 nhưng thiết kế có một số bất hợp lý, phải kiểm tra lại, làm lại. "Đến nay đã thống nhất về quy mô (mặt cắt 17m), chỉ còn vấn đề vốn. Ngân hàng Công Thương Việt Nam đang đàm phán thu xếp vốn, hy vọng cuối quý 2 xong", ông Trương Quang Nghĩa cho biết. 

Chênh lệch địa tô vào túi ai?

Nhìn nhận giá trị đất trong cổ phần hóa (CPH) DNNN là vấn đề rất lớn, ĐB Trần Văn Lâm (Bắc Giang) phản ánh, sau khi chuyển mục đích sử dụng đất thì phần chênh lệch địa tô này lại không chảy về túi Nhà nước.

Theo Bộ trưởng, khi cổ phần hóa, phần đất mà doanh nghiệp thuê của Nhà nước và trả tiền hằng năm không được tính vào giá trị tài sản khi định giá doanh nghiệp. Tuy nhiên, sau cổ phần hóa, nếu chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì phần lợi ích này lại thuộc về doanh nghiệp, đây là một kẽ hở lớn, làm thất thoát ngân sách, nảy sinh nhiều tiêu cực.

Giải pháp, theo ông Nguyễn Chí Dũng, khi CPH thì phải rà soát kỹ vấn đề đất đai, công khai minh bạch quỹ đất để nhà đầu tư lựa chọn. Ông nói: “Nếu CPH mà chuyển mục đích sử dụng đất thì phải đem ra đấu giá lại, số tiền tăng thêm thuộc về nhà nước”. Bộ trưởng đồng tình với nhận định của ĐB về việc “phải suy nghĩ cách để địa tô thuộc về nhà nước”. Đơn cử như khi mở đường thì sẽ giải phóng mặt bằng rộng hơn thực tế mặt đường, phần đất hai bên đường còn lại sau khi làm đường sẽ được đem đấu giá. Đấy là cách làm một số địa phương đã làm tốt, nên nhân rộng… 

Luật Đầu tư công đang đi ngược với tinh thần phân cấp mạnh

Đáp lời Bộ trưởng, ĐB Quyết Tâm “cảm ơn Bộ trưởng về mong muốn tạo thuận lợi cho các địa phương, nhưng quy định này nói về thẩm quyền, phải chính xác và thống nhất, không thể nơi nào làm thế nào cũng được, mỗi địa phương làm một cách. Đề nghị Bộ trưởng xem lại ý này”. Theo bà Quyết Tâm, phải rà lại chứ không đúng tinh thần mà người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư vừa khẳng định.

Tiếp tục đứng lên tái chất vấn, ĐB Nguyễn Văn Thể cũng nói, ông “hoàn toàn đồng ý với ĐB Quyết Tâm”. Theo ông Nguyễn Văn Thể, Luật Đầu tư công đang đi ngược với tinh thần phân cấp mạnh, lẽ ra có luật thì đầu tư công phải nhanh gọn hơn, nhưng thực tế lại còn chậm hơn cũ. 

Trước đó, liên quan đến trình tự, thủ tục lập, Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) tranh luận với người đứng đầu Bộ KH-ĐT. Theo bà Quyết Tâm, Luật Đầu tư công không giao Chính phủ quy định chi tiết thẩm quyền ủy quyền, nhưng tại Nghị định 136, Bộ lại tham mưu Chính phủ quy định HĐND có thể ủy quyền cho Thường trực HĐND phê duyệt một số loại dự án là có thể vi phạm Luật. Các ĐB Nguyễn Văn Thể (Sóc Trăng), Nguyễn Thái Học (Phú Yên) thẳng thắn "phê bình" rằng, Luật Đầu tư công và nghị định của Chính phủ, với nhiều thủ tục không hợp lý đã làm chậm, thậm chí trở thành "rào cản" cho việc thu hút đầu tư, đặc biệt là theo hình thức đối tác công - tư. "Bộ trưởng thấy trách nhiệm thế nào? Đâu là giải pháp căn cơ?”, ông Nguyễn Văn Thể chất vấn.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận, Luật Đầu tư công không nêu việc ủy quyền cho thường trực HĐND, nhưng trong hướng dẫn của Chính phủ có việc này là vì HĐND một năm chỉ họp 2 lần, mà quy định của luật là hoàn thiện danh mục đầu tư công trước 31-10 hàng năm, nên sẽ không hoàn thiện kịp nếu chờ họp HĐND. 

“Đề nghị hướng xử lý này chính là xuất phát từ các địa phương và Bộ đã tham mưu Chính phủ tháo gỡ khó khăn như vậy. Tôi cho rằng để HĐND quyết định là đúng luật, còn ủy quyền cho thường trực HĐND hay không là quyền của từng địa phương. Tinh thần của chúng tôi là tháo gỡ khó khăn cho địa phương", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói. 

Chuẩn bị dự án đầu tư kiểu con gà - quả trứng


Trả lời câu hỏi của nhiều ĐB về vướng mắc trong thực hiện Luật Đầu tư công, Bộ trưởng khẳng định, Luật này đã được thiết kế các khâu một cách chặt chẽ; việc lập, bổ sung, giao kế hoạch đều đã chặt chẽ, đảm bảo công khai minh bạch. Quy trình phân bổ cũng đã đảm bảo không gây phiền hà, nhũng nhiễu; tạo sự chủ động cho các bộ ngành địa phương. Các lựa chọn và quyết định dự án đều do các bộ ngành, địa phương chủ động xây dựng, đề xuất. “Việc bố trí vốn đã tập trung hơn, gắn với khả năng cân đối vốn hơn. Mỗi năm 15-16.000 dự án, giờ chỉ còn 5.000, giảm 2/3”, ông Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Liên quan đến hạn chế, Bộ trưởng nêu nhiều nguyên nhân, trong đó nhấn mạnh việc chuẩn bị dự án không tốt. Theo Bộ trưởng, ở đây có vướng mắc khách quan do quy định kiểu con gà - quả trứng.  Cụ thể: khi lập kế hoạch đầu tư công, phải có danh mục dự án (dự án có trước) đăng ký kế hoạch thì mới xác định được khả năng cân đối nguồn vốn (nguồn vốn có sau). Nhưng ở chiều người lại, để phê duyệt được chủ trương đầu tư 1 dự án và đưa vào đăng ký kế hoạch thì phải dự kiến được khả năng cân đối nguồn vốn (nguồn vốn có trước) mới phê duyệt được chủ trương đầu tư và mới có dự án (dự án có sau) để đăng ký kế hoạch...

Tuy nhiên, ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) phản biện: “Bộ trưởng đã trả lời, nhưng tôi chưa thỏa mãn. Ngay cả khi dự án đã xây dựng rồi, tại sao phân bổ vốn chậm, giải ngân ODA chậm. Có phải vẫn xin – cho nên mất thời gian; có phải Bộ can thiệp quá sâu hay không”?

Tiếp tục trả lời câu hỏi được ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) nêu ra từ chiều 14-6, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng công nhận, việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong nông nghiệp còn hạn chế, do nhiều nguyên nhân: đất đai nhỏ lẻ manh mún, không thể áp dụng cơ giới hóa, khoa học kỹ thuật. Hạ tầng cơ sở nông thôn kém, chưa đủ hấp dẫn. Hệ quả là FDI vào nông nghiệp chỉ mới chiếm 0,9% tổng nguồn vốn đầu tư này.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nêu nhiều giải pháp khắc phục, trong đó giải pháp đầu tiên được kể đến là mở rộng hạn điền. Kết nối, phối hợp với các tập đoàn lớn; đẩy mạnh đào tạo, sửa đổi bổ sung nghị định về hỗ trợ cho doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng dành thêm ưu đãi, đơn giản hóa thủ tục đầu tư…

Tranh luận về vấn đề này, ĐB Trần Hoàng Ngân nói: “Tôi đồng tình phần lớn giải pháp của Bộ trưởng, nhưng nếu cứ loay hoay ở giải pháp chung thì cũng không có đột phá. Tôi cho hạn điền không phải quan trọng nhất, mà quan trọng nhất là yêu cầu xây dựng chuỗi giá trị, xây dựng quan hệ hợp tác giữa các nông hộ; ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp”.

Trả lời câu hỏi của ĐB Kim Thúy về trách nhiệm của các bộ ngành đối với dự án trọng điểm quốc gia, Bộ trưởng cho biết, “không có khái niệm “dự án trọng điểm” mà chỉ có dự án quan trọng quốc gia. Cho nên chúng tôi phải nói rõ về khái niệm này và các quy định của pháp luật  liên quan”.

Các tin khác