Ngành công nghiệp Bình Thuận nhiều tiềm năng phát triển

(ĐTTCO) - Tỉnh có điều kiện thuận lợi phát triển các ngành năng lượng và chế biến khoáng sản, phát triển những khu công nghiệp, chế biến nông lâm, thủy hải sản.
Ngành công nghiệp Bình Thuận nhiều tiềm năng phát triển
Nhờ thời tiết, khí hậu ôn hòa, trên 300 ngày nắng trong năm, Bình Thuận có thế mạnh phát triển các ngành nghề gắn với biển, năng lượng tái tạo và khai thác khoáng sản. Đây là một trong bốn ngư trường lớn nhất Việt Nam với 192km bờ biển, hải sản khai thác hàng năm trên 200.000 tấn, nhiều triển vọng phát triển công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy - hải sản.
Năm 2018, tổng sản lượng điện toàn tỉnh đạt khoảng 13.565 triệu KW, tăng 40% so với năm 2017. Hiện có 108 dự án năng lượng tái tạo đăng ký đầu tư, tổng công suất khoảng 6.858MWp, trong đó 39 dự án đã hoạt động với tổng công suất 1.832MWp. Bình Thuận sở hữu tiềm năng phát triển công nghiệp năng lượng từ nhiệt điện, thủy điện, điện gió và điện mặt trời với tổng công suất quy hoạch 29.000MW, có số giờ gió và bức xạ nhiệt cao, ổn định, phù hợp phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo ngoài khơi. 
Nguồn khoáng sản đa dạng bao gồm than bùn, vàng, thiếc, wolfram, chì, kẽm, saphia, thạch anh, sét gạch ngói, sét bentonite, nước khoáng thiên nhiên bicarbonat... Trữ lượng dầu khí lớn, trữ lượng titan khoảng 599 triệu tấn, chiếm 92% tổng trữ lượng tài nguyên quặng titan Việt Nam, phân bố tập trung, hàm lượng zircon trong quặng cao. Nguồn tài nguyên đáp ứng nhu cầu sản xuất, chế biến vật liệu xây dựng, gốm sứ, thủy tinh và các sản phẩm sử dụng nguyên liệu từ titan, zircon, rutin nhân tạo.
Hiện toàn tỉnh có 9 khu công nghiệp với tổng diện tích 3.048ha, hạ tầng hiện đại đồng bộ về nguồn điện, nước, viễn thông, nhà máy xử lý nước thải. Trong đó khu công nghiệp Phan Thiết (giai đoạn 2), Hàm Kiệm I, Hàm Kiệm II, Tuy Phong đang thu hút đầu tư. Các khu công nghiệp Sông Bình, Tân Đức, Sơn Mỹ I, Sơn Mỹ II đang triển khai thủ tục đầu tư.
Đồng thời, Bình Thuận có 23 cụm công nghiệp tại các địa phương, trong đó 11 cụm công nghiệp đã và đang đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ, sẵn sàng thu hút các dự án công nghiệp chất lượng vào đầu tư. Lĩnh vực công nghiệp - xây dựng đóng góp khoảng 31% vào GRDP của tỉnh.  
Với lợi thế về địa lý, tiềm năng và sự phát triển kinh tế nêu trên, đến nay 1.281 dự án của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã đầu tư tại Bình Thuận với tổng vốn đầu tư trên 230.000 tỷ đồng. Trong đó có 113 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,69 tỷ USD thuộc 24 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục hoàn thiện hạ tầng để đón đầu làn sóng doanh nghiệp quốc tế chuyển hướng đầu tư sang Việt Nam. Tiêu chí kêu gọi tập trung vào các khu công nghiệp, sử dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại, chú trọng dự án đảm bảo thân thiện môi trường. Các lĩnh vực gọi vốn gồm công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy - hải sản, chế biến sâu các loại khoáng sản, chế biến thành phẩm từ nguồn tro xỉ than, sản xuất, lắp ráp các thiết bị điện - điện tử. Mở rộng, phát triển năng lượng sạch, nhất là năng lượng tái tạo ngoài khơi, kêu gọi đầu tư sản xuất phụ trợ cho ngành năng lượng như sản xuất tấm pin mặt trời, chế tạo cơ khí, sản xuất thiết bị điện dưới nước...
Với những thế mạnh kể trên, địa phương kỳ vọng thu hút các nhà đầu tư tiềm lực mạnh, uy tín, giàu kinh nghiệm tham gia tạo nguồn lực mạnh mẽ để thúc đẩy Bình Thuận phát triển trong tương lai, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, hướng đến nền kinh tế bền vững.

Nhằm giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của địa phương, thu hút nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, tỉnh Bình Thuận tổ chức Hội nghị Xúc tiến Đầu tư năm 2019 vào ngày 22-9 tại Sealinks City, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
Sự kiện mời gọi trực tiếp các doanh nghiệp, nhà đầu tư chiến lược, có uy tín và năng lực cao đầu tư vào các dự án trọng điểm, góp phần thúc đẩy phát triển đô thị trong tỉnh. 3 lĩnh vực tỉnh kỳ vọng thu hút nguồn vốn gồm du lịch, công nghiệp chế biến, chế tạo và nông nghiệp công nghệ cao. 

Các tin khác