Ngân sách Nhà nước và mối lo từ những khoản thu một lần

(ĐTTCO)-Quy mô thu ngân sách của Việt Nam hiện đã ở mức cao và khó có thể gia tăng thêm. Điều này sẽ ảnh hưởng tới tiết kiệm của khu vực tư nhân và thậm chí có thể khuyến khích các hành vi gian lận, trốn thuế.
Quy mô thu ngân sách của Việt Nam hiện đã ở mức cao và khó có thể gia tăng thêm. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Quy mô thu ngân sách của Việt Nam hiện đã ở mức cao và khó có thể gia tăng thêm. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Trong khi ấy, ở hướng ngược lại, chi tiêu cho quản lý hành chính và chi trả nợ bị cho là đang tăng dần theo các năm và có thể ảnh hưởng tới tính bền vững của ngân sách Nhà nước.

Đó là những nội dung đã được nêu lên tại hội thảo khoa học và công bố ấn phẩm "Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2018: Hướng tới chính sách tài khóa bền vững và hỗ trợ tăng trưởng" sáng 25/3. 

Ấn phẩm do giáo sư, tiến sỹ Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân; phó giáo sư, tiến sỹ Tô Trung Thành, Trưởng phòng Quản lý khoa học, Đại học Kinh tế Quốc dân đồng chủ biên và nhóm tác giả.

Ngân sách ra sao nếu thị trường bất động sản ảm đạm?

Trình bày về nội dung chính của ấn phẩm, giáo sư, tiến sỹ Trần Thọ Đạt cho hay, trong giai đoạn khoảng 10 năm gần đây, Việt Nam luôn duy trì quy mô chi tiêu công ở mức cao, trong khi nguồn thu ngân sách không đủ để bù đắp. Do vậy thâm hụt ngân sách Nhà nước thường xuyên ở mức cao và hiện đang ở mức cao nhất trong khu vực. Việt Nam không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục vay nợ để bù đắp bội chi và hệ quả là nợ công gia tăng.

"Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng dài hạn, ổn định kinh tế vĩ mô, và khả năng chống chọi với các cú sốc của nền kinh tế," ông nói.

Nói rõ hơn về thu ngân sách, phó giáo sư, tiến sỹ Tô Trung Thành đánh giá, trong những năm gần đây, quy mô thu ngân sách giảm rõ rệt. Thu ngân sách từ mức gần 30% GDP trong nhiều năm đã hạ xuống khoảng 26-28% GDP trong giai đoạn năm 2006-2009 và về khoảng hơn 23% GDP trong giai đoạn năm 2015-2018.

Dù vậy, theo đánh giá, quy mô ngân sách của Việt Nam vẫn ở mức cao so với các quốc gia đang phát triển cũng như các nước ASEAN. Theo thống kê, quy mô thu ngân sáchtrên GDP của trung bình các nước thu nhập thấp năm 2018 chỉ là 15,1%, các nước khu châu Á cùng thời gian này là 17,3%.

Việc quy mô ngân sách cao theo ông Thành sẽ ảnh hưởng đến tiết kiệm của khu vực tư nhân, làm giảm đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh của khu vực này. Ngoài ra, gánh nặng thuế cao có thể khuyến khích các hành vi gian lận, trốn thuế và vì vậy gây nên thất thu thuế, tạo ra những méo mó trên thị trường do hành vi cạnh tranh không bình đẳng.

"Quy mô thu ngân sách cao của Việt Nam còn có bất lợi là Chính phủ còn ít không gian để có thể giảm thâm hụt ngân sách qua tăng thuế, chịu nhiều áp lực phải làm ngược lại," ông Thành nêu lên.

Riêng về cơ cấu ngân sách, phó giáo sư, tiến sỹ Tô Trung Thành chỉ ra, trong thu nội địa, có nhóm khoản thu giữ vai trò quan tọng là thu từ nhà đất. Nguồn thu này chỉ chiếm tỷ lệ trung bình là 9,6% tổng thu nội địa giai đoạn 2006-2011 đã tăng lên trung bình 11,6% giai đoạn 2012-2014. Tới giai đoạn 2016-2018, tỷ lệ trên đã lên tới 13,8%.

Tuy nhiên, vấn đề là, chiếm tỷ lệ cao nhất trong nhóm này là khoản thu có tính chất một lần là thu từ giao quyền sử dụng đất (chiếm trung bình 8,15% tổng thu ngân sách giai đoạn 2015-2018). Trong khi ấy, thuế từ nhà đất chỉ chiếm 0,2% tổng thu ngân sách Nhà nước.

Việc phụ thuộc lớn và các khoản thu không bền vững như thu từ giao đất nói trên theo nhóm tác giả là một lý do khiến ngân sách ngay lập tức bị ảnh hưởng nếu thị trường bất động sản ảm đạm.

Tổng chi cao nhưng lương của công chức quá thấp

Với chi ngân sách, phó giáo sư, tiến sỹ Tô Trung Thành chỉ ra, chi đầu tư từ ngân sách Nhà nước đang theo xu hướng giảm dần. Tỷ trọng chi đầu tư trong tổng chi tiêu công cao nhất là 42% năm 2009 đã giảm xuống còn 32,4% năm 2012 và chỉ đạt hơn 25% vào năm 2018.

Mức này theo đánh giá chưa phải là quá thấp so với các quốc gia trong khu vực (Indonesia là 3,3%, Hàn Quốc là 4,2%, Singapore là 6,1%,..) Tuy nhiên, theo nhóm tác giả, trong bối cảnh một quốc gia đang phát triển, nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng vẫn rất lớn thì việc giảm mạnh chi đầu tư công mà không có nguồn thay thế sẽ gây ra ảnh hưởng tiêu cực về dài hạn.

Ông Thành nêu thêm vấn đề, khoản chi lớn nhất trong tổng chi ngân sách vẫn là chi thường xuyên, chi cho bộ máy Nhà nước. Khoản này liên tục ở mức cao và chiếm khoảng 70% tổng chi kể từ năm 2008.

Tỷ lệ chi lương của Việt Nam so với tổng chi tiêu theo ông là tương đối cao so với các quốc gia trong khu vực (cao hơn Lào, Thái Lan, Singapore, Indonesia, Malaysia,...). Thậm chí, với xu hướng hiện tại, Việt Nam có thể dễ dàng vượt mức bình quân của các nước có thu nhập trung bình. Tới năm 2020, tỷ lệ của Việt Nam có thể còn cao hơn các quốc gia có thu nhập cao. Điều này sẽ gây áp lực về tài chính công.

"Chi tiêu cho quản lý hành chính liên tục tăng cho thấy Việt Nam không đạt được kết quả tốt trong việc cải cách bộ máy hành chính để giảm chi tiêu công," ông Thành nêu lên.

Nói thêm về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, bài toán lớn nhất của Việt Nam hiện là áp lực chi. "Chi lương cho công nhân viên chức Việt Nam quá cao nhưng lương của từng công chức lại quá thấp," ông Võ Trí Thành lên tiếng.

Bởi vậy, theo ông, nếu chỉ cấu trúc lại thu ngân sách mà không đặt ưu tiên vào chi "thì là cả một vấn đề."

Một vấn đề nữa về chi ngân sách phó giáo sư, tiến sỹ Tô Trung Thành muốn nhắc tới là chi trả nợ. Ông cảnh báo, những khoản vay từ những năm 1990 đến nay bắt đầu tới hạn trả nợ. Do vậy, hàng năm số nợ phải trả đã chiếm tỷ lệ 10-12% tổng chi ngân sách Nhà nước. Việc chi trả nợ tăng dần lên trong những năm tới theo nghiên cứu có thể là nguyên nhân ảnh hưởng tới tính bền vững của ngân sách Nhà nước.

Các tin khác