Ngân sách chi cho đi nước ngoài 2.557 tỷ đồng

(ĐTTCO)-Báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2016 vừa được Chính phủ gửi đến Quốc hội.
 
Nhiều địa phương còn sử dụng sai nguồn kinh phí như trường hợp tỉnh Vĩnh Phúc chi hàng chục tỷ đồng (phần lớn tiền ngân sách) mua quà tặng nhận dịp kỷ niệm 20 năm thành lập tỉnh. Ảnh: VTC
Nhiều địa phương còn sử dụng sai nguồn kinh phí như trường hợp tỉnh Vĩnh Phúc chi hàng chục tỷ đồng (phần lớn tiền ngân sách) mua quà tặng nhận dịp kỷ niệm 20 năm thành lập tỉnh. Ảnh: VTC
Báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2016 vừa được Chính phủ gửi đến Quốc hội.
Theo đó, Chính phủ cho biết đã thực hiện nghiêm chỉ thị của Bộ Chính trị về tăng cường các đoàn đi công tác nước ngoài. Số lượng đoàn ra năm 2016 là 2.040 đoàn, giảm 7,3% so với năm 2015 (đoàn lãnh đạo cấp cao giảm 24%, đoàn lãnh đạo cấp bộ, ngành trung ương giảm 45,7%, đoàn lãnh đạo các địa phương giảm 47%). Kinh phí ngân sách nhà nước chi cho đoàn ra năm 2016 là 2.557 tỷ đồng, giảm 16% so với năm 2015 (chi đoàn ra năm 2015 là 3.045 tỷ đồng.

Nhận định tình hình chung, Chính phủ cho biết, nhiều bộ ngành, địa phương đạt kết quả cao trong lĩnh vực tiết kiệm ngân sách. Chẳng hạn, thành phố Hà Nội đã thực hiện rà soát các nội dung, nhiệm vụ liên quan đến dịch vụ công ích (các lĩnh vực như: công viên cây xanh, vệ sinh môi trường, cấp thoát nước, thủy lợi, đê điều, chiếu sáng đô thị...), qua đó đã điều chỉnh, cắt giảm kinh phí 1.789,8 tỷ đồng.

Tuy nhiên, vẫn có tình trạng một số địa phương hụt thu ngân sách cấp tỉnh hoặc ngân sách cấp huyện nhưng không thực hiện rà soát, cắt giảm nhiệm vụ chi theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, sử dụng sai nguồn kinh phí, sử dụng nguồn dự phòng, nguồn tăng thu, nguồn cải cách tiền lương, nguồn bổ sung có mục tiêu… để bổ sung chi thường xuyên sai quy định; chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức gây lãng phí.
Chi giải ngân vốn xây dựng cơ bản thuộc ngân sách không đạt dự toán (đạt 80,8%), quyết toán chi chưa đúng quy định cũng là một hạn chế được Chính phủ thẳng thắn nhìn nhận.

Liên quan đến quản lý nợ công, Chính phủ cho biết, nợ công và nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh, áp lực trả nợ trong ngắn hạn lớn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ. Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, nợ công chưa cao, quản lý, sử dụng vốn vay còn bất cập, thiếu gắn kết giữa quyết định đầu tư với cân đối nghĩa vụ trả nợ.

Trong khi đó, chức năng, nhiệm vụ quản lý ngân sách nhà nước, quản lý đầu tư công, nợ công còn chồng chéo, chưa gắn trách nhiệm cân đối ngân sách, vay và trả nợ với việc phân bổ, sử dụng vốn.

Đáng lưu ý, một số dự án có tổng mức đầu tư lớn còn nhiều bất cập, tiến độ thực hiện chậm, gây lãng phí vốn. Trong đó, có thể kể đến dự án tuyến đường sắt đô thị Hà Nội số 2 (đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo) có tổng mức đầu tư 19.555 tỷ đồng, trong đó vốn vay 16.485 tỷ đồng (khoảng 110.448 triệu JPY); vốn đối ứng 3.070 tỷ đồng (khoảng 20.575 triệu JPY).
Trong quá trình thực hiện, chủ đầu tư đã phải đề nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư 51.750 tỷ đồng, chênh lệch tăng 32.195 tỷ đồng (trong đó vốn vay là 45.022 tỷ đồng (173.283 triệu JPY); việc thực hiện dự án bị kéo dài thời gian.
Dự án Xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh- Hà Đông cũng điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng từ 8.769 tỷ đồng lên 18.001 tỷ đồng…

Về tổ chức bộ máy, quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động trong khu vực nhà nước, Chính phủ đánh giá hoạt động tổ chức lễ kỷ niệm của một số ngành, đơn vị, địa phương còn có biểu hiện tăng, vượt quy mô, cấp độ, thời gian tổ chức, mời nhiều khách và khách dự không đúng quy định, không phù hợp, tổ chức hoạt động phụ trợ phô trương, lãng phí.

Các tin khác