Nâng đỡ DN nhỏ, minh bạch DN lớn

Nguồn: Internet
 Nguồn: Internet

Nguồn: Internet 

Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII, thảo luận về các giải pháp điều hành kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm, đa số đại biểu Quốc hội đều đồng tình với các biện pháp của Chính phủ đề ra về việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội; đồng thời duy trì sản xuất, tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng chính sách tiền tệ, tài khóa cần hướng đến hỗ trợ doanh nghiệp cũng như quản lý chặt chẽ các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Về giải pháp trọng tâm những tháng tới, theo nhiều đại biểu, cần chú trọng phối hợp đồng bộ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa theo hướng chặt chẽ. Quản lý chặt hoạt động tín dụng, giảm lãi suất và tạo điều kiện để doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa thuận lợi trong việc tiếp cận nguồn vốn.

Cần cụ thể hóa nhanh những chính sách, những biện pháp, trong đó tập trung những vấn đề trong tầm tay như sử dụng tốt hơn, hiệu quả hơn 13% còn lại của mức tăng tín dụng (6 tháng đầu năm tăng 7%). Giảm một cách hiệu quả lãi suất để cứu sản xuất.

Trước mắt kiểm soát chặt chẽ chi phí đầu tư, đầu vào của các tổ chức tín dụng. Có chính sách thỏa đáng để hỗ trợ không để doanh nghiệp nhỏ và vừa đổ vỡ, lao động thiếu việc làm. Cần kiên quyết sắp xếp lại hệ thống ngân hàng, chỉ cần một số ngân hàng mạnh, không để tình trạng các ngân hàng chạy đua lãi suất.

Đánh giá cao các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) với vai trò là một trong những công cụ bình ổn thị trường, nhưng một số đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra những bất cập của các DNNN. Đó là việc điều hành còn lỏng lẻo theo kiểu cần huy động vốn thì báo lãi, cần hỗ trợ của Nhà nước thì kêu lỗ như xăng, dầu.

Với những DNNN có vai trò, ảnh hưởng lớn đến giá cả các mặt hàng trong nước, Chính phủ phải có biện pháp quản lý tốt hơn nữa, trong đó, quan trọng là công khai  kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp này để có thể giám sát. Và Quốc hội phải giám sát chặt chẽ hơn hoạt động, hiệu quả của các DNNN.

Một vấn đề “nóng” được các đại biểu đặt ra bàn nghị trường là những ý kiến nghi ngại về hoạt động của DNNN, trong đó cụ thể là doanh nghiệp kinh doanh điện, xăng dầu. Ngay cả Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng cho rằng việc cung thấp thông tin của các DNNN là điều cần thiết.

Bởi lẽ doanh nghiệp không minh bạch trong việc cung cấp thông tin sẽ dẫn đến những quan ngại của dư luận, không phản ánh đúng tình hình sản xuất kinh doanh cũng như bức tranh tài chính của đơn vị đó. Và điều này chỉ có hại cho doanh nghiệp, đồng thời gây tác động xấu đến xã hội.

Còn theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, hiện nay Kiểm toán Nhà nước đang tiến hành kiểm toán Quỹ bình ổn giá xăng, dầu để làm rõ chi phí và lãi, lỗ của hoạt động kinh doanh xăng dầu. Từ đó minh bạch về hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng, dầu, đặc biệt là Petrolimex, đơn vị chiếm 60% thị phần.

Nhấn mạnh các giải pháp về chống lạm phát, nhiều đại biểu cho rằng Chính phủ cần thể hiện rõ hơn vai trò của DNNN để khối doanh nghiệp này thực sự mạnh, là quả đấm thép. Theo đó, Chính phủ cần quyết liệt hơn trong đổi mới các DNNN.

Bộ máy DNNN hiện nay quá cồng kềnh, đẩy chi phí tăng cao, sức cạnh tranh thấp. Nếu doanh nghiệp mạnh sẽ đủ sức vượt qua khó khăn, không trông chờ hỗ trợ từ Nhà nước. Bên cạnh đó, đẩy mạnh thông tin về thị trường để các doanh nghiệp có thể khai thác hiệu quả, hạn chế những rủi ro do biến động  thị trường.

Các tin khác