Nâng chất và tạo môi trường thu hút đầu tư

Bốc dỡ hàng container tại cảng Cát Lái. (Ảnh: Lã Anh)
Bốc dỡ hàng container tại cảng Cát Lái. (Ảnh: Lã Anh)
Bốc dỡ hàng container tại cảng Cát Lái. (Ảnh: Lã Anh)

“Bẫy thu nhập trung bình” là một thách thức lớn đối với quốc gia vừa bước vào nhóm nước có thu nhập trung bình như Việt Nam.

Đó là vấn đề được nhắc tới nhiều tại Hội nghị thường niên ADB lần thứ 44 tổ chức ở Hà Nội tuần trước. Theo các chuyên gia, tăng trưởng trước đây của Việt Nam dựa chủ yếu vào mở cửa thương mại (ODA, FDI, FII, kiều hối…) thay vì dựa trên năng suất và đổi mới. Trong khi đó, 2 nhân tố sau mới là yếu tố then chốt cho tăng trưởng bền vững và giúp thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình”.

Để vượt qua thách thức này, Việt Nam không thể tiếp tục dựa vào dòng vốn nước ngoài với nền sản xuất lắp ráp giản đơn và lao động không có kỹ năng. Tính đến nay Việt Nam đã thu hút gần 200 tỷ USD vốn FDI, nhưng hiệu quả mang lại không như mong muốn.

Kết quả nghiên cứu vừa được nhóm nghiên cứu năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tại Việt Nam (thuộc VCCI) thực hiện cho thấy: 67% doanh nghiệp FDI hoạt động ở Việt Nam thuộc ngành sản xuất có giá trị gia tăng thấp. Tính trung bình cả nước chỉ có khoảng 5% nhà đầu tư tham gia sản xuất công nghệ hiện đại như ngành công nghệ thông tin và truyền thông; 5% khác tham gia các dịch vụ khoa học, kỹ thuật; 3,5% tham gia ngành bảo hiểm, tài chính có kỹ năng quản lý hiện đại, lao động trình độ cao…

Năm 2011, khi Việt Nam bắt đầu tái cơ cấu nền kinh tế, vấn đề nâng cao chất lượng dòng vốn FDI càng phải được đặt ra quyết liệt. Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, việc thu hút đầu tư nước ngoài sẽ theo hướng chọn lọc hơn với trọng tâm là các dự án cơ sở hạ tầng, dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch và có khả năng tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh; các dự án sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ và các dự án có khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Số liệu về thu hút FDI trong 4 tháng đầu năm 2011 cho thấy đã có chuyển dịch về chất lượng, từ công nghệ thấp sang công nghệ cao, từ lĩnh vực sử dụng nhiều lao động sang lĩnh vực có giá trị gia tăng cao hơn. Cụ thể, trong 4 tháng Việt Nam thu hút được trên 4 tỷ USD vốn FDI, chỉ bằng 52,2% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng đáng mừng là hầu hết dự án lớn đăng ký đều thuộc lĩnh vực công nghệ cao.

Trong đó, đáng chú ý là dự án First Solar Vietnam sản xuất pin mặt trời, do Singapore đầu tư tại TPHCM với tổng vốn hơn 1 tỷ USD; dự án Wintek do Samoa đầu tư 250 triệu USD xây dựng nhà máy sản xuất màn hình máy iPad tại Bắc Giang; dự án điện gió Enfinity tại Ninh Thuận 266 triệu USD do Hồng Công đầu tư… Trong tháng 5-2011, có thể có thêm dự án công nghệ cao được cấp phép là nhà máy sản xuất điện thoại di động của Nokia trị giá 276 triệu USD tại tỉnh Bắc Ninh.

Quá trình chuyển hóa từ lượng sang chất của dòng vốn FDI không thể thay đổi trong một sớm, một chiều. Và trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến phức tạp hiện nay, việc thu hút và nâng cao hiệu quả vốn FDI đang gặp nhiều khó khăn. Biểu hiện rõ nhất là tỷ lệ giải ngân vốn giảm dần. Trong tháng 4-2011, các dự án FDI giải ngân được khoảng 1,08 tỷ USD, nâng tổng vốn FDI giải ngân 4 tháng qua lên 3,62 tỷ USD, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng kể từ mức tăng khoảng 5% vào tháng 1-2011, 3 tháng vừa qua tốc độ giải ngân so với cùng kỳ đang giảm (4,5% của 2 tháng, 1,6% của 3 tháng và 0,6% của 4 tháng).

Để tiếp tục nâng cao chất lượng dòng vốn FDI, nhiều ý kiến cho rằng có nhiều việc cần làm, giải pháp trước mắt là phải ổn định kinh tế vĩ mô. Bởi đó là yếu tố không thể thiếu trong việc đảm bảo môi trường kinh doanh ổn định trong những năm tiếp theo đối với nhà đầu tư sau khi đã quyết định đổ vốn đầu tư. Định hướng dài hạn hơn là tạo dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, công bằng đối với các thành phần kinh tế.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, để khu vực FDI có sức lan tỏa mạnh mẽ tới kinh tế trong nước, Luật Đầu tư và hệ thống chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư, cách thức thu hút đầu tư cần thay đổi một cách căn bản.

Thay vì có nhiều giải pháp hỗ trợ phân tán từ trung ương tới địa phương theo ngành, theo sản phẩm, địa bàn hiện nay, nên ưu đãi cả gói, dành cho một số lĩnh vực đầu tư cần khuyến khích, minh bạch hóa trong việc cấp phép, quản lý sau cấp phép, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư...

ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH

Các tin khác