TPHCM - DẤU ẤN NỖ LỰC VƯỢT KHÓ VƯƠN LÊN

Mô hình kinh tế tiêu biểu và những đóng góp của TPHCM

(ĐTTCO)-LTS: Tính đến nay, sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện, TPHCM - đô thị lớn nhất nước đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả lĩnh vực. 
Sản xuất ô tô trong nước tại SAMCO Ảnh: CAO THĂNG
Sản xuất ô tô trong nước tại SAMCO Ảnh: CAO THĂNG
Với tinh thần vì cả nước, cùng cả nước, sự phát triển của TPHCM còn có sức lan tỏa, dẫn dắt vùng kinh tế trong khu vực và cả nước. Nhằm làm sáng tỏ hơn những đóng góp của TPHCM, TS xin giới thiệu đến bạn đọc vệt bài TPHCM - Dấu ấn nỗ lực vượt khó vươn lên, với những bài viết từ thực tiễn sinh động. 
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX (năm 2001) đúc kết kinh nghiệm từ thực tiễn thực hiện đường lối đổi mới kinh tế sau 15 năm đã có những nhận định về vai trò của TPHCM với tư cách là trung tâm kinh tế lớn của đất nước - là nơi hình thành những nhân tố mới đóng góp vào quá trình hình thành và hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế thị trường ở nước ta. Trong đó, như đánh giá, được thể hiện trên 14 mô hình kinh tế tiêu biểu và sau đó trở thành chế định chung của cả nước…
Thành phố của sự năng động, sáng tạo 

Trong tổng kết 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới ở nước ta, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã có những đánh giá rất sát thực, đặc biệt nhấn mạnh đến những mô hình kinh tế được khởi phát từ thực tế năng động và cách làm sáng tạo của TPHCM.
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nói: “Trước khi Quốc hội khóa VIII ban hành Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty (năm 1991), thì luật pháp nước ta chưa chế định các loại hình doanh nghiệp (DN). Thế nhưng, từ năm 1989 - khi đường lối đổi mới kinh tế ở nước ta đã định hình và đang vận hành với những mô hình kinh tế của TPHCM - thì cũng chính ở địa phương này, UBND TPHCM đã ban hành một quyết định nhằm chế định các loại hình DN như doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH, công ty cổ phần, nhằm tạo điều kiện phát triển khu vực kinh tế tư nhân theo khuôn khổ pháp lý. Chế định này được xem là “luật chơi” đầu tiên ở nước ta để vận hành cơ chế thị trường, bảo đảm tính pháp lý cho các chủ thể kinh doanh”.
Theo các chuyên gia kinh tế, “luật chơi” này được định hình rồi phát triển từ thực tiễn của một địa phương và có trước chế định pháp luật của Nhà nước đã nói lên những đóng góp rất thiết thực, sáng tạo của TPHCM trong tiến trình hình thành và hoàn thiện cơ chế kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước - “đêm trước” của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Rất nhiều những đóng góp khác của TPHCM trong thực tế vận dụng đường lối đổi mới kinh tế do Đại hội lần thứ VI của Đảng đề ra. Các mô hình kinh tế như xây dựng khu chế xuất và khu công nghiệp tập trung để hướng nền kinh tế vào xuất khẩu, thực hiện chính sách kinh tế mở; thí điểm cổ phần hóa DN nhà nước, tạo mô hình thực tiễn để tổ chức lại hệ thống DN nhà nước; thành lập Trung tâm Chứng khoán TPHCM; thực hiện chủ trương đổi đất lấy hạ tầng để giải quyết bài toán phát triển đô thị; phát hành trái phiếu dự án và trái phiếu đô thị; nhượng quyền khai thác đường cho các thành phần kinh tế; thành lập các công ty cổ phần đại chúng để thực hiện các dự án đầu tư vào dịch vụ hạ tầng kỹ thuật; một số mô hình về hình thành thị trường lao động, phát triển thị trường công nghệ; vai trò của chính quyền địa phương tham gia vào nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô… được cho là những đột phá, sáng tạo của TPHCM, và được cụ thể hóa bằng chế định pháp luật cho cả nền kinh tế đất nước vận hành sau này.    

Những đặc tính của Thành phố Anh hùng

Trong quá trình tìm hiểu những mô hình kinh tế của TPHCM hơn 30 năm qua, nhiều nhà kinh tế đã đi vào nghiên cứu, tìm ra những đặc tính rất đặc biệt, trở thành lợi thế trong phát triển, mà địa phương này luôn vận dụng và vượt qua trước những thách thức về kinh tế, xã hội vô cùng lớn. Đó là các lợi thế về cơ cấu kinh tế hiện đại, lực lượng lao động quy mô lớn và chất lượng cao, lực lượng DN lớn nhất nước, sức mạnh của khu vực kinh tế tư nhân, năng suất lao động cao, trung tâm tài chính lớn nhất nước và truyền thống năng động, sáng tạo. Những đặc tính này trở thành sức mạnh sẵn có để TPHCM khai thác, vận dụng vào thực tế phát triển, mà không cần đến những cơ chế, chính sách mang tính đặc thù. 

Thử lấy số liệu về phát triển DN để nói lên điều này: Hiện nay cả nước có 477.000 DN thường xuyên đóng thuế, trong đó TPHCM có hơn 160.000 DN (chiếm 33,6%). Năm 2005, ở TPHCM cứ 206 người dân có 1 công ty, thì hiện nay là 52 người dân có 1 công ty (các nước châu Âu khoảng 25 - 30 người dân có 1 DN); trong khi đó, con số này của cả nước là bình quân 194 người dân có 1 DN. Xét về cường độ kinh doanh, làm ăn của cả nước thì TPHCM đi trước 10 năm, và địa phương này trong hàng chục năm qua luôn có số DN nhiều nhất nước.

Cũng theo cách tính so sánh của các nhà nghiên cứu kinh tế, nếu năm 2005, TPHCM thu ngân sách trên địa bàn đạt 57.000 tỷ đồng, thì năm 2016 là 316.000 tỷ đồng (cả nước, năm 2016 là 1 triệu tỷ đồng). Tổng thu của TPHCM năm 2005 đã đóng góp 25% ngân sách cả nước, còn năm 2016 là 27,8%. Như vậy, tỷ lệ đóng góp ngân sách của TPHCM so với cả nước đang tăng dần. Dân số TPHCM năm 2005 là 6,2 triệu người, so với cả nước chiếm 7,6%. Năm 2016, dân số TPHCM là 8,29 triệu, chiếm 9,1% cả nước.
Như vậy, bình quân 1 người dân TPHCM đóng góp ngân sách bằng 3 lần người dân cả nước. Bình quân 1km2 cả nước hiện nay tạo ra GDP là 13,6 tỷ đồng; trong khi TPHCM là 463 tỷ đồng, gấp 34 lần. Đạt được con số trên chính là sự đóng góp rất quan trọng của các thành phần kinh tế, trong đó có hơn 160.000 DN đang hoạt động hiện nay. Cũng theo các nhà nghiên cứu kinh tế, tiềm năng phát triển DN ở TPHCM còn rất lớn, nếu có cơ chế, chính sách hợp lý sẽ khuyến khích, tạo điều kiện tăng mạnh hơn nữa trong những năm tới.
“Năm 2002, kinh tế khu vực Nhà nước ở TPHCM đóng góp vào GDP của TP chiếm 38%, thì 10 năm sau - năm 2012 - giảm còn 18%. Trong khi đó, năm 2002, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp 17,5% vào GDP, thì năm 2012 tăng lên 50%. Từ nhiều năm nay, TPHCM đã xác định kinh tế khu vực tư nhân đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế thị trường và trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của cả nước”.
(Nguồn: Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM)

Các tin khác