Minh bạch kinh phí, không lo “lobby” quy hoạch

(ĐTTCO)-Phát biểu tại phiên họp sáng nay, các ĐBQH băn khoăn về khối lượng công việc vô cùng lớn và phức tạp khi phải điều chỉnh hàng loạt luật hiện hành và rà soát, tích hợp hàng chục ngàn quy hoạch đang có.
 
 
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch

Dự thảo Luật Quy hoạch đã được Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp sáng nay 26-5. Đây là dự thảo Luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2, dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này và có hiệu lực từ ngày 1-1-2019.

Trình bày báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, về kinh phí thực hiện quy hoạch, một số ý kiến của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị bổ sung quy định minh bạch về cơ chế sử dụng, cơ chế quản lý và các chính sách cụ thể; đề nghị quy định rõ kinh phí cho quy hoạch của các cấp. Quy hoạch do nhà nước lập và do ngân sách nhà nước chi trả nên cân nhắc, tính toán đưa vào đầu tư công trên cơ sở kế hoạch đầu tư công trung hạn được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, rà soát lại quy định tại khoản 2 Điều 7 cũ về khuyến khích tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tài trợ kinh phí cho các hoạt động quy hoạch.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tiếp thu và thể hiện như trong Điều 9 dự thảo (Điều 7 cũ) của dự thảo Luật. Theo đó chi phí lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy hoạch được sử dụng từ vốn đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công, chi phí giám sát, đánh giá, kiểm tra, thanh tra quy hoạch sử dụng nguồn kinh phí thường xuyên theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

UBTVQH cũng đã tiếp thu và không quy định riêng về khuyến khích các tổ chức, cá nhân tài trợ kinh phí cho hoạt động quy hoạch như tại khoản 2 Điều 7 (cũ) mà gộp vào khoản 3 Điều 10 về chính sách của nhà nước về hoạt động quy hoạch. Theo đó Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hỗ trợ nguồn lực cho hoạt động quy hoạch và vẫn đảm bảo khách quan, công khai, minh bạch như nguyên tắc chung quy định tại Điều 4.

Phát biểu tại phiên họp, các ý kiến đánh giá cao sự nghiêm túc, công phu của các cơ quan soạn thảo, thẩm tra dự luật, song vẫn còn băn khoăn về một khối lượng công việc vô cùng lớn và phức tạp khi phải điều chỉnh hàng loạt luật hiện hành và rà soát, tích hợp hàng chục ngàn quy hoạch đang có.

Các ĐB Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng), Trần Thị Dung (Điện Biên) cho rằng, không chỉ có 32 luật cần chỉnh lý (như cơ quan soạn thảo, thẩm tra đã thống kê) mà còn nhiều hơn rất nhiều.

Về chi phí cho hoạt động quy hoạch, theo ĐB Nguyễn Văn Hiển, cần quy định thực hiện theo Luật Ngân sách chứ không phải là Luật Đầu tư công. Ông Hiển cũng đề nghị bổ sung nội dung cấm hành vi cố ý “chặn” công bố quy hoạch để trục lợi.

ĐB Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) thì cho rằng, yêu cầu đánh giá tác động môi trường chiến lược khi lập quy hoạch quốc gia, vùng hay tỉnh là không khả thi mà chỉ có thể dự báo. Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch cấp tỉnh nên là Chủ tịch UBND tỉnh với các thành viên Hội đồng là đại diện bộ, ngành (dự thảo quy định Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch cấp tỉnh - PV).

Lưu ý đến việc cân nhắc đầy đủ các ý kiến phản biện trong quá trình lập quy hoạch, ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) góp ý: “Có hai hình thức phản biện trong quá trình xây dựng quy hoạch, là phản biện khoa học và phản biện xã hội. Đã có quy định phản biện xã hội trong dự thảo, nên chú trọng quy định thêm về phản biện khoa học”.

Các tin khác