Luật và văn bản: Thuận nhưng chưa thoáng

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Dự kiến ngày 2-11, Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) sẽ đưa ra báo cáo tổng hợp về kết quả rà soát 16 luật (cùng khoảng 200 văn bản hướng dẫn liên quan) tới doanh nghiệp, thảo luận để trình Chính phủ, các ủy ban của Quốc hội xem xét.

Theo đánh giá của các nhóm rà soát và cộng đồng doanh nghiệp, những quy định hiện hành đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tiếp cận thị trường, tiếp cận các nguồn lực (đất đai, vốn, nhân lực) thuận lợi; tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp được mở rộng nhiều quyền lựa chọn về hình thức, phạm vi và điều kiện hoạt động; các tổ chức, cá nhân thuộc nhiều thành phần kinh tế khác nhau được đối xử trong một môi trường pháp lý bình đẳng và công bằng hơn; các thủ tục gia nhập thị trường thông thoáng, mở cửa thị trường nhiều hơn…

Tuy nhiên, những văn bản quy phạm pháp luật này cũng bộc lộ nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến hoạt động doanh nghiệp. Một số quy định pháp luật chưa bảo đảm quyền tự do kinh doanh và tạo thuận lợi cho việc gia nhập thị trường.

Chẳng hạn, về tiếp cận đất đai, các quy định hiện hành vẫn hạn chế doanh nghiệp về các hình thức trả tiền thuê đất một lần trong toàn bộ quá trình thuê, đã hạn chế quyền bình đẳng khi tiếp cận đất đai, chưa bảo đảm tối đa quyền của các doanh nghiệp trong quá trình sử dụng đất.

Cụ thể, quy định nhà đầu tư nước ngoài không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ phía tổ chức, hộ gia đình, cá nhân Việt Nam, đã hạn chế cơ hội tiếp cận đất đai, hạn chế quyền chuyển quyền sử dụng đất trong thị trường thứ cấp.

Về các chính sách thu hồi đất, giải phóng mặt bằng pháp luật chỉ thể hiện dưới dạng tiềm năng có thể lựa chọn, chứ chưa quy định hoàn toàn tự do lựa chọn, chưa hướng dẫn các trường hợp chuyển từ giao đất sang thuê đất hoặc từ thuê đất chuyển sang giao đất có thu tiền sử dụng đất. Trong khi đó, những quy định này được thể hiện trong các văn bản cũng chưa cụ thể, gây nhiều khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp khi tiếp cận quỹ đất sạch từ các địa phương. Nhiều quy định hiện hành chưa khuyến khích và bảo hộ nhà đầu tư trong một số lĩnh vực, như thiếu cơ chế đảm bảo thực thi; các thủ tục hành chính còn yếu kém, rườm rà, phức tạp gây khó khăn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp; bộ máy công quyền cơ quan quản lý trong các lĩnh vực như các thủ tục thu hồi đất, giải phóng mặt bằng gây nhiều phiền hà cho doanh nghiệp khi tiếp cận quỹ đất sạch từ các địa phương… Một số quy định chưa đầy đủ, rõ ràng để bảo vệ nhà đầu tư như cơ chế xác lập quyền sở hữu, thời điểm xác định ưu tiên của giao dịch bảo đảm, giao kết hợp đồng trong Luật Dân sự.

Chưa hết, một số quy định pháp luật thiếu minh bạch, chưa thống nhất, chồng chéo, như quy định về doanh nghiệp liên doanh chuyển thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài và phải chuyển sang hình thức thuê đất của Nhà nước; các điều kiện về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thiếu chính xác, đặc biệt trong trường hợp yêu cầu đối với doanh nghiệp khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải sử dụng đất đúng mục đích và có hiệu quả… Nhiều quy định về trình tự, thủ tục trong các văn bản hiện hành chưa rõ ràng gây khó khăn trong quá trình thực hiện của doanh nghiệp, như các trình tự, thủ tục chuyển nhượng, điều chỉnh dự án, ưu đãi đầu tư (về thuế, chuyển lỗ, khấu hao tài sản cố định, sử dụng đất), tạm ngừng, giãn tiến độ thực hiện dự án, chấm dứt dự án trong pháp luật về đầu tư… Các văn bản hiện nay còn nhiều quy định chưa thống nhất như quy định về góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư vào doanh nghiệp Việt Nam đối với nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân nước ngoài. Thậm chí nhiều quy định về các nội dung lớn trong Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Quản lý thuế… trùng lắp, chồng chéo, mâu thuẫn nhau dẫn đến những cách hiểu khác nhau và cách áp dụng chưa chính xác, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp.

Hiện nay, trong bối cảnh hội nhập sâu, nhiều quy định về quyền kinh doanh của doanh nghiệp đã được mở hơn, trả lại quyền tự do kinh doanh và khơi dậy khả năng kinh doanh tiềm năng của người dân. Tuy nhiên, những hạn chế, bất cập nêu trên, cho thấy quyền kinh doanh của người dân, tổ chức đang bị cản trở không ít. Đã đến lúc cần đưa quyền kinh doanh vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội để sửa đổi các luật được rà soát. Bên cạnh đó, các bộ, ngành cũng cần tham khảo kết quả rà soát, tiếp thu trong quá trình soạn thảo, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để người dân, các doanh nghiệp thực sự có quyền được kinh doanh những gì pháp luật không cấm.

Các tin khác