Loay hoay vùng đáy

Tới nay, đã bước sang quý III-2013 nhưng dường như nền kinh tế vẫn chưa có nhiều chuyển biến, vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Tới nay, đã bước sang quý III-2013 nhưng dường như nền kinh tế vẫn chưa có nhiều chuyển biến, vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Một loạt giải pháp hỗ trợ thị trường, kích hoạt kinh tế đã được đề ra ngay từ đầu năm, nhưng do triển khai chậm nên đến nay chưa tạo được hiệu ứng sáng sủa hơn cho nền kinh tế. Nhiều nhà kinh tế cảnh báo nếu không có những bước đột phá trong thời gian tới, tình trạng cứ loanh quanh vùng "đáy" kinh tế của Việt Nam là điều khó tránh khỏi.

Tại phiên họp thường kỳ tháng 7 vừa qua, Chính phủ nhận định nền kinh tế đang đi đúng hướng, có khởi sắc, lạm phát tiếp tục được kiềm chế trong khi dư nợ tín dụng có cải thiện, xuất khẩu duy trì mức tăng trưởng cao. Tuy vậy, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng những tồn tại và khó khăn thách thức vẫn còn lớn, chưa có hướng giải quyết.

Sản xuất bị thu hẹp, phá sản, đình trệ vẫn cao, khó khăn về vốn, về đầu ra, tồn kho vẫn chồng chất và có xu hướng tăng lên. 2 trụ cột lớn là công nghiệp và nông nghiệp đều tăng trưởng chậm, có xu hướng giảm so với cùng kỳ... Như vậy, có thể thấy rằng tác động của các giải pháp được đề ra trong 2 nghị quyết quan trọng của Chính phủ (01 và 02) không nhiều.

Những giải pháp này được đánh giá tương đối toàn diện để kích hoạt tăng trưởng đi liền với ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2013 và được đưa ra từ khá sớm. Tuy nhiên, việc thực hiện rất chậm và thiếu đồng bộ. Các vấn đề ngắn hạn như tồn kho của doanh nghiệp, thị trường bất động sản đóng băng và nợ xấu vẫn chưa giải quyết được. Về dài hạn, cơ cấu nền kinh tế đến nay chưa thực hiện được nhiều.

Để xử lý tình trạng đóng băng của thị trường bất động sản, gói hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ Xây dựng bàn thảo mất tới gần nửa năm mới chính thức được ban hành. Khi đi vào thực hiện lại gặp rất nhiều vướng mắc, tới nay giải ngân chẳng được bao nhiêu.

Tại cuộc họp mới đây với Bộ Xây dựng, NHNN và các cơ quan liên quan, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã phải thốt lên: “Chúng ta khởi động quá chậm nên đã đến lúc cần phải “chạy” thật nhanh để lấy lại tiến độ, nếu không sẽ không thể kịp về đích”. Xử lý nợ xấu được hô hào từ cuối năm ngoái, nhưng tới cuối tháng 7 mới bắt đầu có dấu hiệu chuyển động bằng việc đưa Công ty VAMC vào hoạt động. Một điểm nghẽn khác của nền kinh tế là hàng tồn kho cũng chưa có dấu hiệu được khơi thông, khi tính đến thời điểm 1-7, chỉ số tồn kho tăng 8,8% so với cùng thời điểm năm trước.

TS. Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhận định vì cơ chế không thống nhất, thiếu đồng bộ, điều hành thiếu dứt khoát và kiên quyết nên chính sách thực thi chậm, nhiều khi phản tác dụng. Đây là vấn đề cố hữu khiến chính sách ban hành đúng nhưng đi vào thực tế không đem lại hiệu quả như mong muốn.

Có thể nói môi trường truyền dẫn chính sách kém hiệu quả đang là nhân tố cản trở sự hồi phục của nền kinh tế. Và trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải chịu tác động nhiều nhất do năng lực yếu nên dễ bị tổn thương. Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay vẫn là không có đầu ra, sức mua thấp, hàng tồn kho cao, dẫn đến thu hồi vốn chậm hoặc không thu hồi được vốn, không trả nợ được ngân hàng.

Chính vì thế, cần có các giải pháp mạnh mẽ giải quyết được tồn kho cho doanh nghiệp mới mong tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất. Các giải pháp vừa qua là đúng hướng, nhưng đòi hỏi phải được triển khai nhanh và quyết liệt hơn. Nền kinh tế hiện nay có thể nói đã rơi xuống đáy, nhưng việc thoát đáy rất khó do thiếu điểm tựa và sức mạnh. Nếu thực hiện nhanh các giải pháp ngắn hạn, bên cạnh đó là thực hiện các giải pháp dài hạn, kinh tế sẽ dần ổn định và sang năm 2014, khi các giải pháp dài hạn bắt đầu phát huy tác dụng, chắc chắn kinh tế sẽ đi lên.

Hiện có 3 yếu tố có thể tạo xung lực cho phục hồi kinh tế, đó là vốn, tiêu thụ và lòng tin. Về vốn, hiện có một số vấn đề cần giải quyết: Phải xem lại tỷ lệ vốn đầu tư phát triển/GDP, bởi tỷ lệ này đã giảm quá nhanh so với các năm trước (bình quân thời kỳ 2006-2010 là 39,2%, năm 2011 còn 33,3%, năm 2012 còn 30,5%).

Các doanh nghiệp cần mạnh dạn cắt giảm chi phí, hạ giá bán, đưa hàng về nông thôn, tìm mọi cách để tiêu thụ hàng hóa, kể cả bán trả góp. Quan trọng hơn cả phải giữ được niềm tin bằng những chính sách điều hành nhất quán, tạo sự đồng thuận để ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát theo mục tiêu đã đề ra.

Các tin khác