Làm gì kiềm giá cuối năm?

Nguồn: Internet
 Nguồn: Internet

 Nguồn: Internet

Chỉ được tăng khoảng 1,7% trong 6 tháng còn lại của năm để hướng đến mục tiêu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 15% cho cả năm 2011 xem ra khó hoàn thành. Do vậy áp lực kiềm chế CPI đang đè nặng, đòi hỏi chính sách điều hành phải tiếp tục quyết liệt, đồng bộ hơn.

Lấy dẫn chứng Hà Nội - một trong những địa phương có vai trò quan trọng trong rổ tính CPI cả nước - đang phải đối mặt với không ít khó khăn trong việc điều hành giá cả. Theo dự báo của Cục Thống kê Hà Nội, giá cả năm 2011 trên địa bàn biến động theo 3 phương án.

Phương án 1, nếu từ nay đến cuối năm, tình hình kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục biến động theo hướng xấu, CPI bình quân 6 tháng cuối năm tăng 2,2%/tháng, CPI cả năm 2011 sẽ tăng tới 28,45% so với năm 2010.

Phương án 2 khi giá cả hàng hóa không có biến động và giảm, CPI cả năm sẽ tăng 17,55% (CPI mỗi tháng tăng 0,7%).

Còn ở phương án 3 trung tính hơn: các nguyên liệu, mặt hàng quan trọng, lãi suất biến động và giảm ít, CPI sẽ tăng 23,26% (bình quân 1 tháng tăng 1,5%). Thực tế diễn biến tại Hà Nội cho thấy, kịch bản về việc kiềm chế CPI của Hà Nội tăng ở mức 15% gần như không khả thi.

Việc CPI 6 tháng đầu năm cả nước tăng mạnh (13,29%), theo các chuyên gia bắt nguồn từ việc tăng tỷ giá hối đoái, giá điện, than… Trong khi đó, 6 tháng cuối năm, thị trường hàng hóa vẫn đối mặt với nhiều diễn biến phức tạp. Đó là tác động của giá cả hàng hóa đầu vào của thế giới, khả năng giá điện tiếp tục được điều chỉnh tăng để bù đắp chi phí, lãi suất vẫn ở mức cao, chu kỳ tăng giá vào dịp cuối năm…

Tại hội thảo “Diễn biến thị trường 6 tháng đầu năm và dự báo 6 tháng cuối năm 2011" vừa diễn ra tại Hà Nội, các chuyên gia đều nhận định kịch bản tốt nhất là CPI cả năm 2011 tăng 17%. Vấn đề đặt ra, để đạt được mục tiêu này cần phải có hàng loạt giải pháp đồng bộ và được thực hiện quyết liệt.

Điều đáng lo ngại là sau những biến động về giá cả trong quý I, mặt bằng giá mới đã hình thành trong quý II với xu hướng tiếp tục tăng khiến sức mua của đồng tiền ngày càng giảm sút.

Một vấn đề lâu nay được giới chuyên gia nhìn nhận là điểm yếu kém khiến giá cả từ khâu sản xuất đến tay người tiêu dùng luôn bị đội giá là khâu phân phối đang có vấn đề.

Thí dụ giá cà chua ở Thái Bình 500 đồng/kg nhưng được bán tại Hà Nội với giá 8.000 đồng/kg. Hay trong khi đường tồn kho tại các nhà máy khoảng 500.000 tấn, giá giao 16.000-17.000 đồng/kg, nhưng trên thị trường bán lẻ mặt hàng này lên tới 24.000-25.000 đồng/kg.

Sự thiếu một hệ thống phân phối đủ mạnh để đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng, trong khi lại tổ chức phân phối sản phẩm theo phương thức mua đứt bán đoạn, không tổ chức đại lý, buông lỏng khâu bán buôn đã gây ra hiện tượng đầu cơ, găm hàng, thao túng giá đã làm thiệt hại cả xã hội, góp phần đẩy lạm phát lên cao.

Điều đó cũng lý giải tại sao việc kiềm chế tăng giá luôn là một mục tiêu rất khó khăn và nằm ngoài dự tính của nhà quản lý.

Hàng loạt giải pháp quan trọng để kiềm chế lạm phát đã được đưa ra trong Nghị quyết 11 của Chính phủ. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy các biện pháp này chưa đạt được hiệu quả cao nhất. Trong mục tiêu cắt giảm đầu tư công cũng bộc lộ không ít hạn chế khi nhiều bộ, ngành, địa phương vẫn lúng túng trong thực hiện.

Bên cạnh đó, việc giãn, giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp và cá nhân hiện vẫn đang nằm ở chủ trương; mặt bằng lãi suất vẫn ở mức quá cao khiến chi phí của doanh nghiệp cao, hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến giá cả đầu ra.

Lo ngại về những diễn biến bất lợi của việc kiềm chế giá cả, các chuyên gia cho rằng có 3 giải pháp để giảm tốc CPI cần sớm được thực hiện. Đó là các hiệp hội ngành hàng, bộ, ngành cần đề xuất cơ chế chính sách tạo được hỗ trợ ưu đãi về lãi suất, thúc đẩy sản xuất theo tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ.

Bởi nếu không chú trọng đến cầu, sẽ dẫn tới không đủ nguồn cung, tạo ra việc tăng giá và CPI tăng là điều khó tránh khỏi. Cùng với đó là nghiên cứu chính sách điều chỉnh giá, xăng, dầu, điện ở thời điểm hợp lý để không ảnh hưởng tới việc tăng chỉ số CPI.

Cuối cùng là các bộ, ngành theo dõi chặt biến động về giá cả, tiếp tục thực hiện các chính sách, biện pháp của Nghị quyết 11. Đặc biệt, các địa phương cần kiểm soát và giám sát chặt chẽ tình hình thị trường, để nếu có biến động về hàng hóa ảnh hưởng tới nguồn cung tạo sự bất ổn cho thị trường, sẽ kịp thời xử lý.

Các tin khác