Kỳ vọng tăng đầu tư Nhật Bản

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt “Chiến lược công nghiệp hóa trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030”, trong đó xác định 6 ngành công nghiệp mũi nhọn (điện tử; máy nông nghiệp; chế biến nông-thủy sản; đóng tàu; môi trường và tiết kiệm năng lượng; sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô) để ưu tiên thu hút đầu tư. Với chiến lược này, kỳ vọng tăng thu hút đầu tư từ Nhật Bản rất lớn.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt “Chiến lược công nghiệp hóa trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030”, trong đó xác định 6 ngành công nghiệp mũi nhọn (điện tử; máy nông nghiệp; chế biến nông-thủy sản; đóng tàu; môi trường và tiết kiệm năng lượng; sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô) để ưu tiên thu hút đầu tư. Với chiến lược này, kỳ vọng tăng thu hút đầu tư từ Nhật Bản rất lớn.

Bài học đầu tư công nghiệp ô tô

Ông Lê Xuân Bá, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng chiến lược này đặt ra trong bối cảnh đầy thách thức, khi năm 2018 nước ta mở cửa mạnh cho hàng hóa nước ngoài vào. Thực tế, việc xác định các ngành công nghiệp ưu tiên đã được Việt Nam thông qua, nhưng doanh nghiệp Nhật Bản vẫn băn khoăn với ngành công nghiệp ô tô.

Bởi lẽ, ngay từ năm 2007, tại Quyết định 55 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục các ngành công nghiệp ưu tiên, ngành công nghiệp mũi nhọn giai đoạn 2007-2010, tầm nhìn đến năm 2020 và một số chính sách khuyến khích phát triển, dù đã đề cập đến phát triển công nghiệp ô tô, nhưng từ đó đến nay công nghiệp ô tô nói riêng, các ngành công nghiệp mũi nhọn nói chung, phát triển rất chậm và chưa có biểu hiện sẽ trở thành động lực để dẫn dắt các ngành kinh tế khác.

Sự băn khoăn của doanh nghiệp Nhật Bản hoàn toàn có lý, khi đến nay, công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn chỉ ở giai đoạn lắp ráp, công nghiệp hỗ trợ yếu kém, không được chuyển giao công nghệ, trong khi đó thị trường ngày càng thu hẹp do các chính sách hạn chế tiêu dùng xe cá nhân.

Ngoài ra, các mốc thời gian gian mở rộng hội nhập ASEAN ngày càng đến gần: năm 2014 và 2018, thuế suất thuế nhập khẩu ô tô từ khu vực ASEAN sẽ giảm lần lượt còn 50%  và 0%. Trong khi đó, giá cả và thị trường tiêu thụ đang là lực cản lớn. Chẳng hạn, so với Thái Lan, hiện nay giá thành sản xuất ô tô ở Việt Nam đắt hơn khoảng 20%, trong khi Thái Lan lại có các chính sách hỗ trợ người có thu nhập được mua xe trả góp với thời gian dài, lãi suất hợp lý.

“Liệu Việt Nam có thể làm theo cách này để hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô? Chưa kể nay tăng thuế, mai tăng phí… Với những ngành khác cũng tương tự, cần chính sách cụ thể. Nếu chỉ nói ưu tiên hỗ trợ chung chung sẽ rất khó thuyết phục doanh nghiệp đầu tư” - một chuyên gia nói.

Cần hành động cụ thể, quyết liệt

Kỳ vọng tăng đầu tư Nhật Bản ảnh 2Nếu chỉ đặt ra chiến lược chung chung sẽ không có tác dụng gì hết. Chúng ta cần hành động. Tôi hy vọng chiến lược công nghiệp hóa sẽ giúp các cơ quan, bộ liên quan xây dựng được kế hoạch hành động cụ thể. Và kế hoạch hành động này sẽ khiến công cuộc công nghiệp hóa của Việt Nam mạnh mẽ như một đầu tàu.
Kỳ vọng tăng đầu tư Nhật Bản ảnh 3

Ông Shimomura,
Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam

Ngày 25-12-2008, Việt Nam và Nhật Bản ký Hiệp định đối tác kinh tế (VJEPA) - một thỏa thuận song phương mang tính toàn diện, bao gồm các lĩnh vực như thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, di chuyển lao động, hợp tác về tiêu chuẩn kỹ thuật…

Kể từ thời điểm đó, kim ngạch ngoại thương 2 nước đã có nhiều thay đổi, từ mức 16,78 tỷ USD năm 2008 lên 24,7 tỷ USD năm 2012. Trong các hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài lẫn viện trợ phát triển chính thức, Nhật Bản luôn là đối tác hàng đầu.

 Theo ông Ishige Hiroyuki, Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), hiện nay số lượng doanh nghiệp Nhật Bản đến làm việc và tìm hiểu đối tác Việt Nam thông qua JETRO ngày càng tăng. Con số truy cập thông tin về Việt Nam trên website của JETRO đứng thứ 3 sau Thái Lan và Trung Quốc.

Năm 2012 đã có 217 dự án đầu tư mới của Nhật Bản vào Việt Nam. Đây là con số cao nhất từ trước tới nay. Riêng trong tháng 5 vừa qua, theo ông Ishige Hiroyuki, con số đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam đã vượt con số đầu tư của nước này vào Trung Quốc. Còn theo Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), một đoàn gồm 11 doanh nghiệp Nhật Bản vùng Kansai - Osaka hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh các sản phẩm như khuôn mẫu, máy móc, thiết bị, linh kiện dùng cho đồ gia dụng, tái chế nhựa, cơ khí chính xác, thiết kế máy móc... sẽ đến Việt Nam để tìm hiểu, trao đổi các nhu cầu mua, bán, hợp tác sản xuất kinh doanh.

Theo các chuyên gia, việc thông qua chiến lược công nghiệp hóa trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản, sẽ tạo cơ hội rất lớn để tăng thu hút đầu tư từ Nhật Bản. Tuy nhiên, điều quan ngại nhất là khả năng thực thi.

Còn theo đại diện VCCI, để thành công trong chiến lược này, việc đầu tiên là xác định thị trường ở đâu, năng lực doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Nhật Bản ra sao, khả năng lắp ráp của doanh nghiệp Việt Nam đến đâu, để tăng giá trị gia tăng thì phát triển công nghiệp hỗ trợ cho những ngành này như thế nào... Điều này có thể học kinh nghiệm của Nhật Bản. Những tổ chức như Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JAICA), JETRO đến Việt Nam và nghiên cứu rất căn cơ. Họ đến tận địa phương để xác định làm công nghiệp hỗ trợ thì xây dựng ở đâu…

Thí dụ, trước khi xác định xây dựng khu công nghiệp ở Hải Dương để sản xuất linh kiện lắp ráp máy in, họ đã gửi 4.500 bản thăm dò ý kiến các doanh nghiệp Nhật Bản về việc nếu sản xuất máy in ở Việt Nam, doanh nghiệp cần gì ở Việt Nam. 

Các tin khác