Kỳ vọng kiến giải những vấn đề nóng

Chiều qua 12-6, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Cao Đức Phát đã chính thức mở màn cho chương trình chất vấn và trả lời chất vấn kéo dài trong 2,5 ngày tại diễn đàn Quốc hội.

Chiều qua 12-6, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Cao Đức Phát đã chính thức mở màn cho chương trình chất vấn và trả lời chất vấn kéo dài trong 2,5 ngày tại diễn đàn Quốc hội.

Trong 2 ngày kế tiếp, lần lượt Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Hoàng Tuấn Anh và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao (VKSNDTC) Nguyễn Hòa Bình sẽ tham gia trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Tại kỳ họp lần này, những điểm nóng về quản lý kinh tế như giải pháp tháo gỡ khó khăn hoạt động sản xuất kinh doanh, quản lý điều hành thị trường vàng, tái cơ cấu kinh tế chậm, tồn kho hàng hóa lớn, tổng cầu nền kinh tế yếu… đều được nêu ra trong báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp.

Tuy nhiên, có thể do các vị “tư lệnh ngành” liên quan tới các vấn đề này như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước… đều đã phát biểu làm rõ trách nhiệm của mình tại các phiên thảo luận về kinh tế - xã hội nên không có tên trong danh sách trả lời chất vấn.

Bên cạnh đó, thay mặt Chính phủ, chiều qua Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã báo cáo trước Quốc hội việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn; trong đó nêu nhiều vấn đề được người dân quan tâm như tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giải phóng hàng tồn kho, tình trạng đóng băng của thị trường bất động sản, điều hành chính sách tiền tệ, quản lý thị trường vàng…

Các thành viên Chính phủ dù không nằm trong danh sách trả lời, cũng sẵn sàng “chia lửa” để giải đáp các câu hỏi của đại biểu Quốc hội. Trước phiên chất vấn, một số bộ trưởng đã gửi báo cáo tới Quốc hội về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội tại kỳ họp trước. Thậm chí Bộ trưởng Bộ Công Thương - người nhận được 19 chất vấn tại kỳ họp này - đã thẳng thắn nhận khuyết điểm về một số tồn tại, yếu kém trong quản lý thị trường, hoạt động nhập khẩu...

Dự kiến, trong phiên chất vấn hôm nay, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH giải trình các giải pháp nhằm triển khai có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề giai đoạn 2011-2015; khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm lao động nông thôn.

Đây là những vấn đề được đông đảo người dân và cử tri quan tâm, cần có kiến giải thỏa đáng tại kỳ họp này. Hiện nay, hệ thống các cơ sở dạy nghề trên toàn quốc phân tán, trực thuộc nhiều bộ ngành, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, thiếu sự quản lý thống nhất về chương trình, chất lượng đào tạo; việc dạy nghề cho nông dân, nhất là những nơi bị thu hồi đất còn nhiều bất cập, dẫn tới lãng phí nguồn lực đầu tư của Nhà nước và xã hội; nhiều nơi cơ sở vật chất, điều kiện, phương tiện giảng dạy, học tập cũ kỹ, lạc hậu, đội ngũ giáo viên không đảm bảo chất lượng, không đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động.

Cử tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, sắp xếp lại hệ thống các cơ sở đào tạo nghề cho hợp lý; rà soát nhu cầu đào tạo nghề của nhân dân, nhu cầu về lao động theo ngành nghề của doanh nghiệp và khả năng đào tạo của cơ sở dạy nghề, nhằm đảm bảo chất lượng, hiệu quả của hoạt động dạy nghề, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.

Đối với Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL, cử tri mong muốn có những giải trình có trách nhiệm cao về tăng cường quản lý nhà nước để tạo sự chuyển biến về văn hóa, tạo động lực phát triển đất nước, khắc phục những tồn tại về sự xuống cấp đạo đức, văn hóa trong xã hội; khắc phục những hạn chế trong công tác bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa gắn với du lịch…

Trong khi đó, nội dung đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm đối với Viện trưởng VKSNDTC là thực trạng công tác thực hành quyền công tố, kiểm soát các hoạt động tư pháp trong thời gian qua; các biện pháp tăng cường và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động công tố. Bên cạnh đó, vấn đề phòng chống tội phạm cũng được các đại biểu và cử tri quan tâm.

Trên thực tế, thời gian qua số vụ việc tham nhũng được phát hiện và xử lý còn ít; một số vụ án tham nhũng xử lý chậm, kéo dài, gây tâm lý hoài nghi, giảm sút lòng tin trong nhân dân về tính nghiêm minh của pháp luật. Trong khi đó, tội phạm có tổ chức có biểu hiện tăng, chưa kiểm soát được.

Phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm trong chất vấn và trả lời chất vấn, làm rõ những vấn đề cần sáng tỏ, tìm ra những giải pháp tối ưu. Đó là những gì cử tri và nhân dân tin tưởng gửi gắm Quốc hội, các vị bộ trưởng, trưởng ngành trong các phiên chất vấn.

Các tin khác