Kinh tế vĩ mô tuần từ 26 đến 30-12

Cú sốc giảm giá đồng nội tệ trong những ngày đầu năm 2012 khó có khả năng xảy ra. Tuy vậy, việc điều hành, ổn định tỷ giá tiếp tục là một thách thức đáng kể trong năm tới.

Cú sốc giảm giá đồng nội tệ trong những ngày đầu năm 2012 khó có khả năng xảy ra. Tuy vậy, việc điều hành, ổn định tỷ giá tiếp tục là một thách thức đáng kể trong năm tới.

I. KINH TẾ TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Khu vực Eurozone đã có những động thái cụ thể hơn trong nỗ lực giải cứu cuộc khủng hoảng nợ công khi tuyên bố sẽ cung cấp 150 tỷ EUR (195 tỷ USD) cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Tuy nhiên, số tiền này thấp hơn so với chỉ tiêu 200 tỷ EUR mà các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý trong hội nghị thượng đỉnh diễn ra trong các ngày 8-9/12. Điều này buộc EU phải kêu gọi sự hỗ trợ của các quốc gia G20 và các thành viên IMF khác nhằm bảo vệ sự ổn định tài chính toàn cầu.

Bất đồng quan điểm giữa Anh và khu vực đồng tiền chung EUR vẫn tiếp tục diễn ra khi Anh từ chối cung cấp thêm vốn cho IMF. Tuy vậy, quốc gia này có thể xem xét đóng góp vào quỹ chống khủng hoảng vào đầu năm 2012 theo khuôn khổ của G20.

Những nguồn vốn này sẽ được cung cấp dưới dạng các khoản vay dành cho tài khoản nguồn vốn của IMF chứ không dành cho quỹ khủng hoảng đặc biệt của Eurozone; và điều này sẽ giúp gia tăng các cam kết hiện nay của IMF. Theo đó, IMF cho các quốc gia cần tiền vay theo một số điều kiện nhất định, chẳng hạn như yêu cầu các Chính phủ phê chuẩn kế hoạch cải cách ngân sách.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tiếp tục có những động thái hỗ trợ tích cực cho thị trường tài chính khu vực khi đã phân bổ 489.2 tỷ EUR (tương đương 643.8 tỷ USD) cho 523 ngân hàng Eurozone với kỳ hạn 3 năm vào ngày 21/12.

Rõ ràng với động thái này, ECB đã khẳng định chỉ hành động với tư cách là thể chế cho vay đối với ngân hàng, chứ không phải chính phủ; và những biện pháp trong nỗ lực giải quyết khủng hoảng nợ công chỉ là giải pháp “tạm thời” và “có giới hạn”.

Liên quan đến thị trường tài chính, ngày 20-12, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) đã đề xuất những quy định mới về vốn và tính thanh khoản đối với các ngân hàng lớn nhất của Hoa Kỳ nhằm đảm bảo các thể chế tài chính này có thể trụ vững trước những cuộc khủng hoảng có thể xảy ra trong tương lai.

Giai đoạn đầu tiên sẽ dựa vào các chính sách mà FED đã công bố, như kế hoạch kiểm soát nguồn vốn hồi tháng 11 vừa qua. Trong giai đoạn thứ hai, các ngân hàng sẽ phải tuân thủ những quy định chặt chẽ theo Basel III về mức dự trữ tiền mặt tối thiểu, dự kiến sẽ có hiệu lực từ năm 2019.

Những quy định mới chặt chẽ hơn của FED đã vấp phải sự phản đối của hầu hết các ngân hàng tại Hoa Kỳ. Họ cho rằng việc duy trì lượng tiền mặt bắt buộc quá cao sẽ ảnh hưởng tới khả năng cho vay. Tuy nhiên, FED lập luận rằng những lợi ích xã hội từ một hệ thống ngân hàng mạnh mẽ sẽ lớn hơn nhiều so với lợi ích từ các khoản tín dụng ngắn hạn.

Song song với hành động này của FED, ngày 19-12, Anh đã thông qua các đề nghị cải cách sâu rộng ngành ngân hàng vốn được Ủy ban ngân hàng độc lập (ICB) đưa ra hồi tháng 9. ICB ước tính chi phí trước thuế đối với các ngân hàng tham gia cải cách này sẽ vào khoảng 4-7 tỷ bảng (6,2-7 tỷ USD).

Ngoài ra, Ủy ban Giám sát Ngân hàng Basel (BCBS) cũng vừa đưa ra bản phác thảo mẫu mà các ngân hàng trên thế giới phải sử dụng chung khi công bố quy mô và chất lượng vốn đệm an toàn bắt đầu từ năm 2013, nhằm củng cố lòng tin của giới đầu tư.

Theo BCBS, việc yêu cầu công bố đầy đủ chi tiết về vốn đệm là tuân thủ theo thỏa thuận Basel III; cụ thể là các ngân hàng sẽ phải tăng vốn và tính thanh khoản bắt đầu từ năm 2013.

Có thể nói, việc cải tổ lại hệ thống tài chính đã và đang trở nên cần thiết hơn bao giờ hết khi mà mức độ ảnh hưởng quá lớn của nó đang đe dọa đến ổn định của toàn bộ nền kinh tế quốc gia.

Theo Cơ quan Thống kê quốc gia Italia (ISTAT), GDP quốc gia này trong quý III-2011 đã giảm 0,2% so với quý II, nhưng đã tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2010; và dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế cho cả năm 2011 sẽ đạt khoảng 0,5%.

Ngoài ra, ngày 22-12, với tỷ lệ 257 phiếu ủng hộ và 41 phiếu chống, Thượng viện Italia đã thông qua gói biện pháp "thắt lưng buộc bụng" trị giá 33 tỷ EURcủa Thủ tướng Mario Monti nhằm cứu nguy cho quốc gia này.

Kinh tế Đức có tín hiệu khả quan hơn khi chỉ số niềm tin kinh doanh tại quốc gia này tiếp tục tăng lên 107,2 điểm trong tháng 12-2011 so với con số 106,6 điểm tháng 11-2011, và cao hơn so với dự đoán 106 điểm của giới chuyên gia.

II. KINH TẾ TÀI CHÍNH TRONG NƯỚC

Kéo giảm lạm phát trong năm 2012: Thuận lợi và khó khăn

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, CPI tháng 12 cả nước tăng nhẹ 0,53% so với tháng 11, và tăng 18,12% so với cuối năm 2010.

Biểu đồ bên dưới cho thấy CPI trong 5 tháng cuối năm 2011 liên tục duy trì ở mức thấp dưới 1% mỗi tháng và đà giảm tốc được thể hiện khá rõ nét. Rõ ràng đây là tín hiệu khá tích cực cho định hướng kéo giảm lạm phát trong năm 2012.

Tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội ngày 22-12, Thủ tướng Chính phủ khẳng định ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát là ưu tiên hàng đầu trong năm 2012. Theo đó, lạm phát phải được kéo giảm xuống dưới 10% và phấn đấu đạt ở mức khoảng 9%.

Như vậy, để đạt được chỉ tiêu CPI năm 2012 ở mức 9-10%, CPI bình quân mỗi tháng chỉ nằm trong khoảng 0,7-0,8%. Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô vẫn còn nhiều bất ổn thì việc đạt được chỉ tiêu này là một thách thức đáng kể.

Đâu là những thuận lợi và khó khăn trong nỗ lực kéo giảm lạm phát trong năm 2012?

Những thuận lợi trong việc kéo giảm lạm phát

(1) Đà giảm tốc CPI được thể hiện khá rõ nét trong những tháng cuối năm 2011, và tăng ở mức thấp hơn 1% mỗi tháng.

(2) Định hướng kéo giảm mạnh lạm phát trong năm 2012 của Chính phủ. Theo đó, chính sách tiền tệ năm 2012 tiếp tục được điều hành thận trọng và chặt chẽ với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng chỉ từ 15-17%, tổng phương tiện thanh toán vào khoảng 14 – 16%.

Ngoài ra, mặt bằng lãi suất trong năm 2012 sẽ tiếp tục được kéo giảm mạnh hơn (dự kiến vào khoảng 10%), để tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng, phát triển sản xuất.  

Chính phủ cũng yêu cầu cắt giảm mạnh mẽ đầu tư công năm 2012, và theo dự kiến ngân sách chỉ dành khoảng 180.000 tỷ đồng. 

(3) Triển vọng kinh tế thế giới chưa mấy sáng sủa khiến mặt bằng giá cả hàng hóa thế giới ít biến động, khó có sự gia tăng đột biến trong giai đoạn hiện nay.  

Những khó khăn trong việc kéo giảm lạm phát

(1) Làn sóng tăng giá của ngành điện, hàng không, bệnh viện, bảo hiểm… trong thời gian tới sẽ tạo áp lực lớn lên lạm phát trong năm 2012.

(2) Mặt bằng lãi suất vẫn còn duy trì ở mức khá cao; từ đó ảnh hưởng đến việc mở rộng, phát triển hoạt động sản xuất.

(3) Lạm phát kỳ vọng cao tiếp tục là thách thức đáng kể khi mà tiền đồng liên tục giảm giá trong nhiều năm qua, bắt nguồn từ những bất cập, yếu kém nội tại chưa thể giải quyết của nền kinh tế.

Tỷ giá “cán đích” chỉ tiêu năm 2011. Thách thức trong thời gian tới vẫn còn

Không nằm ngoài dự đoán, NHNN vừa công bố tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 15 đồng lên 20,828 VNĐ/USD.

Như vậy, so với mức 20,628 VND/USD, tỷ giá bình quân hiện nay này đã tăng lên 0,97%, rất sát với con số chỉ tiêu 1% trong một tuyên bố của Thống đốc NHNN. Nói cách khác, tỷ giá USD/VNĐ đã “cán đích” chỉ tiêu năm trong những ngày cuối cùng của năm 2011.

Công bằng mà nói, ngoài những yếu tố khách quan, NHNN đã đạt được những kết quả đáng kể trong việc điều hành, ổn định tỷ giá USD/VNĐ trong những tháng cuối năm 2011.

Theo phân tích của chúng tôi, cú sốc giảm giá đồng nội tệ trong những ngày đầu năm 2012 khó có khả năng xảy ra. Tuy vậy, việc điều hành, ổn định tỷ giá tiếp tục là một thách thức đáng kể trong năm tới.

III. TIN TỨC VĨ MÔ TRONG NƯỚC NỔI BẬT

• Ngày 22-12, tại hội nghị Chính phủ mở rộng, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh việc tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ và tài khóa chặt chẽ, thận trọng trong năm 2012.

Các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu năm 2012 đã được xây dựng và đưa vào dự thảo nghị quyết, bao gồm GDP tăng khoảng 6-6,5%, chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 10%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 13%, nhập siêu khoảng 11-12% tổng kim ngạch xuất khẩu, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33,5% GDP, bội chi ngân sách nhà nước dưới 4,8% GDP.

Liên quan đến điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2012, tốc độ tăng trưởng tín dụng vào khoảng 15-17% và tổng phương tiện thanh toán khoảng 14-16%.  

• Ông Tai Hui – Trưởng bộ phận Nghiên cứu kinh tế Đông Nam Á của Standard Chartered Bank dự báo lạm phát của Việt Nam trong năm 2012 vào khoảng 11,3%.

Trong khi đó, tỷ giá USD/VNĐ được dự báo sẽ vào khoảng 21.400 VNĐ/USD vào quý I-2012 và tăng lên 22.000 VNĐ/USD vào quý III-2012.

• Theo Văn bản số 380/BCT-ĐTĐL của Bộ Công Thương, giá điện bình quân được điều chỉnh tăng 62 đồng/kWh, tương đương 5%, lên 1.304 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) so với giá bán điện bình quân hiện hành được duyệt (1.242 đồng/kWh); và thời gian áp dụng từ ngày 20-12-2011.

Trong đó, đối với giá bán điện sinh hoạt bậc thang 0-50 kWh cho hộ nghèo và bậc thang 0-100 kWh, EVN tạm thời không tăng trong lần điều chỉnh giá điện này.  

• Theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, có tới 52% trong tổng số 9 tỷ USD kiều hối đã đổ vào bất động sản.

• Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN & PT NT), tổng sản lượng thủy sản năm 2011 ước đạt 5,2 triệu tấn (tăng 4,4% so với kế hoạch năm và 1,4% so với cùng kỳ năm trước). Năm 2011, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 6 tỷ USD; và chỉ tiêu này trong năm 2012 vào khoảng 6,3-6,5 tỷ USD.

• Ngày 21-12, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) đã ký cam kết cho BIDV vay 200 triệu USD với thời hạn 5 năm để tài trợ cho các dự án; trong đó có các dự án thuộc lĩnh vực năng lượng, viễn thông và sản xuất nông nghiệp.

Đây là lần thứ 2 trong vòng 2 năm qua BIDV vay tiền từ CDB. Trong năm 2010, BIDV đã vay 100 triệu USD từ CDB với thời hạn 3 năm.

• Theo CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSI), tổng số lượng đăng ký tham gia IPO của BIDV là 16.161 phiếu và số cổ phần đăng ký là 134.969.200.

Như vậy, số lượng cổ phần đăng ký đấu giá bằng 159,25% tổng số lượng cổ phần đưa ra đấu giá đợt này (84.754.146 cổ phần – tương đương với 3% vốn điều lệ của BIDV).

BIDV cũng đã thông báo cho nhà đầu tư cá nhân vay tiền để tham gia mua cổ phần trong đợt IPO của ngân hàng này. Khách hàng sẽ được vay mua cổ phiếu IPO trong thời hạn cho vay tối đa 12 tháng, với lãi suất thỏa thuận (bằng lãi suất huy động VNĐ 12 tháng trả sau của BIDV cộng với tối thiểu 3%/năm).

• Ngày 15-12, Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam (SongDa Holdings) đã tổ chức hội nghị giới thiệu mô hình tái cấu trúc và nâng cao quản trị doanh nghiệp.

Các tin khác