Kinh tế vĩ mô tuần từ 20 đến 24-2

Có nhiều tín hiệu cho thấy xu hướng giảm lãi suất trong thời gian tới đang dần trở nên khả thi hơn.

Có nhiều tín hiệu cho thấy xu hướng giảm lãi suất trong thời gian tới đang dần trở nên khả thi hơn.

I. KINH TẾ TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Hoa Kỳ: Khi thời gian bầu cử năm 2012 đang tới gần, Tổng thống Barack Obama không ngừng đưa ra những chính sách hỗ trợ đà phục hồi nền kinh tế. Mới đây, Chính phủ Hoa Kỳ và các ngân hàng hàng đầu (Bank of America, JPMorgan Chase, Wells Fargo, Citibank và Ally Financial) đã công bố thỏa thuận trị giá 25 tỷ USD nhằm hỗ trợ những người đã mua nhà gặp khó khăn. 

Mặc dù thỏa thuận này chỉ có thời hạn 3 năm, nhưng nó được kỳ vọng là cú hích tích cực giúp ổn định và gia tăng lòng tin cho thị trường bất động sản nói riêng, và nền kinh tế nói chung.

Một lần nữa chính sách tăng thuế đối với nhà giàu và cắt giảm chi tiêu ngân sách của các bộ ngành được Tổng thống Barack Obama nhắc lại trong bản kế hoạch ngân sách liên bang tài khóa 2013. Theo bản kế hoạch này, mức thâm hụt ngân sách tài khóa 2012 dự kiến sẽ vào khoảng 1.330 tỷ USD, giảm xuống 901 tỷ USD vào năm 2013 và chỉ còn khoảng 575 tỷ USD vào năm 2018.         

Ngoài ra, bản kế hoạch cũng nêu chi tiết các biện pháp để kích thích kinh tế phát triển và tạo thêm việc làm thông qua chi tiêu thêm cho đầu tư cơ sở hạ tầng, nghiên cứu…

Chính quyền Obama còn đưa ra con số mục tiêu ấn tượng trong việc cắt giảm khoảng 4,000 tỷ USD thâm hụt trong vòng 10 năm tới.

Tuy vậy, điều này đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt của Đảng Cộng hòa khi cho rằng đó là “mánh lới” quảng cáo về ngân sách. Ngoài ra, Đảng Cộng hòa cũng “bác bỏ” việc tăng thuế vì cho rằng nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ chậm hồi phục.

Một số dữ liệu kinh tế Hoa Kỳ trong tuần qua đã được công bố. Không như kỳ vọng của nhiều chuyên gia, nền kinh tế Hoa Kỳ tăng trưởng thấp hơn dự báo.

Cụ thể, thâm hụt thương mại trong tháng 12-2011 lên tới 48,4 tỷ USD, cao hơn mức thâm hụt 47,1 tỷ USD được cập nhật lại trong tháng 11-2011. Chỉ số tâm lý tiêu dùng Michigan tháng 2-2012 cũng chỉ ở mức 72,5 điểm, thấp hơn con số 75 điểm vào tháng 1-2012 và thấp hơn dự báo.

Doanh số bán lẻ trong tháng 1-2012 chỉ tăng 0,4%, và sản xuất công nghiệp trong tháng này không có sự tăng trưởng. Hai dữ liệu này đều thấp hơn nhiều sao với dự báo của các nhà kinh tế.

Trong khi đó, chỉ số giá nhập khẩu, sản xuất, sản xuất cơ bản trong tháng 1-2012 tăng ở mức khiên tốn hơn dự báo lần lượt là 0,3%, 0,1% và 0,4%.

Tuần tới, nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ đón nhận số liệu doanh số bán nhà đã qua sử dụng và doanh số bán nhà mới  trong tháng 1-2012 (dự báo lần lượt là 4,6 triệu và 325 ngàn đơn vị) và chỉ số tâm lý tiêu dùng trong tháng 2.  

Châu Âu: Hy Lạp phải từng bước “nhượng bộ” những yêu cầu khắt khe từ bộ ba tài trợ Liên minh châu Âu (EU), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) để có thể sớm nhận được gói giải cứu thứ hai trị giá 130 tỷ EUR.

Thông tin mới nhất cho thấy Chính phủ Hy Lạp đã trình kế hoạch cắt giảm ngân sách bổ sung 325 triệu EUR cho bộ ba EU, IMF và ECB. Trong đó, Hy Lạp sẽ cắt giảm bổ sung gần 100 triệu EUR trong lĩnh vực y tế, quốc phòng, tiết kiệm gần 45 triệu EUR từ việc hạ mức lương hưu cơ bản…

Kết quả cuối cùng của gói giải cứu này và việc hoán đổi trái phiếu có thể sẽ được quyết định tại phiên họp các Bộ trưởng Tài chính Eurozone ở Brussels vào ngày 20-2 tới. Tuy vậy, nếu Hy Lạp đã hội đủ các điều kiện và việc giải cứu được thông qua, thì quốc gia này vẫn vậy khó đạt được mục tiêu giảm gánh nặng nợ công xuống còn 120% GDP đến năm 2020.

Hiện các nhà lãnh đạo châu Âu đang thảo luận một số điều chỉnh trong chương trình cắt giảm nợ công, trong đó có cân nhắc đến việc giảm mức lãi suất cho vay.

Theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), GDP quý IV-2011 của Eurozone tăng trưởng âm 0,3%, nhẹ hơn so với dự báo của các nhà kinh tế nhờ GDP của Đức giảm nhẹ hơn ước tính và sự tăng trưởng đầy bất ngờ của Pháp.

Trong khi đó, Italia – nền kinh tế lớn thứ ba khu vực đồng EUR – bị cho là đã rơi vào suy thoái do sự sụt giảm về các hoạt động công nghiệp và sự trì trệ trong khu vực dịch vụ. Theo Cơ quan Thống kê Italia (ISTAT), GDP quý IV-2011 ở quốc gia này tăng trưởng âm 0,7% và đây là quý tăng trưởng âm thứ hai liên tiếp.

Ngoài khu vực Eurozone, nền kinh tế Anh được nhận định là có thể tránh được nguy cơ rơi vào suy thoái. Theo báo cáo của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), GDP của Anh trong quý IV-2011 tăng trưởng âm 0,2%, dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 1% vào năm 2012, và trên 2% trong năm 2012.

Mới đây, ngày 16-2, Moody’s đã lên tiếng cảnh báo có thể hạ xếp hạng tín nhiệm của 17 tổ chức tài chính toàn cầu (Bank of American, Nomura, Goldman Sachs, Morgan Stanley…) và 114 tổ chức tài chính châu Âu. Trước đó, ngày 13-2, Moody’s đã hạ bậc tín nhiệm của 6 quốc gia châu Âu, đồng thời cảnh báo hạ bậc tín nhiệm AAA của Anh, Pháp và Áo.

II. KINH TẾ TÀI CHÍNH TRONG NƯỚC

Chỉ thị 01: Định hướng chính sách tiền tệ năm 2012 chưa có nhiều thay đổi

NHNN vừa ban hành Chỉ thị 01/CT-NHNN và Công văn 674/NHNN-CSTT về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ năm 2012. Một số điểm đáng chú ý gồm có:

(1) Các TCTD được phân thành 4 nhóm và chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2012 đối với từng nhóm như sau: Nhóm 1 tăng trưởng tối đa 17%, Nhóm 2 tăng trưởng tối đa 15%, Nhóm 3 tăng trưởng tối đa 8% và Nhóm 4 không được tăng trưởng.

(2) Dư nợ tín dụng nay được tính bao gồm dư nợ cấp tín dụng, số dư mua trái phiếu doanh nghiệp (trừ trái phiếu do TCTD phát hành) và dư nợ cho vay bằng nguồn vốn ủy thác của tổ chức khác.

(3) Kiểm soát tỷ trọng dư nợ cho vay đối với các lĩnh vực không khuyến khích so với tổng dư nợ cho vay của TCTD trong suốt cả năm 2012 tối đa là 16%.

Như chúng tôi đã nhận định (Chỉ thị 01: Hiểu thế nào cho đúng?) trong tuần, không có nhiều thay đổi trong định hướng chính sách tiền tệ phục vụ mục tiêu kiềm chế lạm phát của NHNN theo sau Chỉ thị 01.

Cơ quan này đang tiếp tục thể hiện ý định kiểm soát tăng trưởng tín dụng, kiểm soát tín dụng vào các nhóm ngành không khuyến khích là chứng khoán, bất động sản và tiêu dùng.

Ngoài ra, việc phân loại và xếp hạng cũng sẽ giúp “khoanh vùng” và tiếp tục thúc đẩy tiến trình tái cấu trúc các ngân hàng yếu kém.

Thị trường trái phiếu và xu hướng giảm lãi suất

Tuần trước, chúng tôi có đề cập đến những diễn biến tích cực gần đây trên thị trường trái phiếu chính phủ sơ cấp. Thị trường trái phiếu tiếp tục cho thấy tín hiệu sôi động và khả quan trong tuần này.

Trong tuần qua, hầu hết các phiên đấu thầu trái phiếu đều diễn ra khá thành công, với mức lãi suất trúng thầu giảm dần.

Phiên giao dịch trái phiếu Ngân hàng Chính sách Xã hội đạt tỷ lệ trúng thầu 730/750 tỷ đồng (97,33%) ở mức lãi suất 12,25-12,3% ở các kỳ hạn 3 năm và 5 năm. Trong khi đó, tỷ lệ trúng thầu ở phiên giao dịch trái phiếu Ngân hàng Phát triển Việt Nam là 100%, với mức lãi suất thấp hơn ở mức 12,09-12,2% với hai kỳ hạn 3 năm và 5 năm.

Tương tự, phiên giao dịch trái phiếu Kho bạc Nhà nước ngày 16-2 cũng đạt được những kết quả ngoài mong đợi khi lãi suất trúng thầu chỉ ở mức 11,6%, 11,68% ở hai kỳ hạn 3 năm và 5 năm, thấp hơn so với lãi suất 11,9% và 11,98% ở kỳ hạn tương ứng trong phiên đấu thầu trước đó.

Tuy nhiên, trái ngược với sự sôi động ở trên, phiên đấu thầu ngày 17-2 đối với trái phiếu VEC do Tổng Công ty Đầu tư phát triển Đường cao tốc Việt Nam phát hành lại không thu hút được sự chú ý của các nhà đầu tư. Chỉ có 1 đơn vị tham gia giao dịch nhưng không có khối lượng trúng thầu.

Đây là cũng phiên thứ 2 liên tiếp trong tháng 2-2012, trái phiếu VEC không bán được. Điều này cho thấy “khẩu vị” của các nhà đầu tư không mấy mặn mà với trái phiếu chính phủ bảo lãnh ở các tổng công ty nhà nước.

Những chuyển biến gần đây trên thị trường trái phiếu cho thấy quan điểm lãi suất kéo giảm xuống trong thời gian tới ngày càng được củng cố.

Sau BIDV và VCB, một số ngân hàng lớn khác như ACB, CTG cũng đã lần lượt công bố giảm nhẹ lãi suất. Tuy vậy, mức lãi suất cho vay mới chỉ giảm đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và một số đối tượng ưu tiên khác.

Chúng tôi tin rằng lạm phát thực sự đi vào giai đoạn ổn định và vấn đề thanh khoản ngân hàng được giải quyết sẽ là tiền đề vững chắc cho việc giảm dần mặt bằng lãi suất thực sự. Vế sau của vấn đề dường như đang được thúc đẩy mạnh mẽ hơn bằng Chỉ thị 01.

III. TIN TỨC VĨ MÔ TRONG NƯỚC NỔI BẬT

• Tính đến 31-1-2012, dư nợ mà Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã cho Vinashin vay là 292,148 tỷ đồng để chi trả nợ tiền lương, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, tạo việc làm, học nghề. Lãi suất cho vay áp dụng bằng 0% và thời hạn tối đa là 12 tháng.

• Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HOREA) cho biết UBND TPHCM đang có ý định mua lại các căn hộ tồn đọng trên địa bàn thành phố để làm quỹ nhà tái định cư phục vụ các dự án di dời, giải tỏa…

• Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành Quyết định số 238 về việc thành lập Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, hoạt động trên mô hình công ty TNHH Nhà nước một thành viên, với số vốn điều lệ 7.743 tỷ đồng.

Doanh nghiệp này được thành lập trên cơ sở hợp nhất từ Tổng công ty Cảng hàng không miền Bắc, Tổng công ty Cảng hàng không miền Trung, và Tổng công ty Cảng hàng không miền Nam.

• Theo dự kiến, Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam (VietnamPost) sẽ tách khỏi Tập đoàn Viễn thông VNPT từ năm 2013. Sau năm 2013, Nhà nước chỉ trợ cấp công ích cho VietnamPost thông qua các cơ chế hỗ trợ về phạm vi dịch vụ bưu chính dành riêng, đất đai, thuế…

Tuy nhiên, thời điểm tách này có thể được thực hiện ngay trong 6 tháng cuối năm 2012 nếu hội đủ các yếu tố cần thiết.

• Trong năm 2012, Kiểm toán Nhà nước sẽ tập trung vào các nội dung lớn như quản lý, khai thác và kinh doanh tài nguyên, khoáng sản, cùng với việc kiểm toán các tập đoàn, tổng công ty.

Theo đó, các chuyên đề chuyên sâu như công tác quản lý sử dụng đất đai tại các dự án phát triển nhà và đô thị của địa phương, công tác phê duyệt dự án, cấp phép đầu tư, định giá đất, cam kết của nhà đầu tư… sẽ được thực hiện. 

• Theo chủ trương tiết giảm 5-10% chi phí quản lý, giảm giá thành của Bộ Tài chính, Tập đoàn Bảo Việt (BVH) là đơn vị đầu tiên dự kiến sẽ giảm chi khoảng 145 tỷ đồng.

* Mới đây, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) ban hành quy định yêu cầu các đơn vị thành viên trực thuộc tiết kiệm chi phí kinh doanh.

Các tin khác