Kinh tế tư nhân là đầu kéo quan trọng phát triển kinh tế đất nước

(ĐTTCO)-Sáng nay (31-7), Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam lần thứ 2 – 2017 với chủ đề: “Chương trình hành động từ Nghị quyết Trung ương 5” đã diễn ra tại Hà Nội. 
 
Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: VGP
Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: VGP
Đến dự có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cùng gần 1.000 doanh nghiệp.

Một cuộc khảo sát về chỉ số niềm tin doanh nghiệp (bao gồm hiệu quả hoạt động kinh doanh và môi trường kinh doanh), trong đó, về hiệu quả hoạt động kinh doanh, năm 2017 có 67% doanh nghiệp cho biết dự kiến doanh thu tăng trong năm 2017 (năm 2016 là 60%); 61% lợi nhuận tăng (năm 2016 là 52%). Đáng chú ý là có 44% doanh nghiệp trả lời lợi nhuận tăng do đổi mới công nghệ, tiết giảm chi phí 57%. Về môi trường kinh doanh, có 63% doanh nghiệp dự kiến mở rộng kinh doanh doanh mặc dù 44% cho biết bỏ lỡ cơ hội kinh doanh vì rào cản pháp lý và hạn chế thị trường; 37% doanh nghiệp cho rằng kinh doanh thuận lợi hơn trong năm 2017 (năm 2016 là 33%).

Một điểm khác đáng chú ý là trong khảo sát về kỳ vọng kinh tế sẽ cải thiện trong năm 2017 thì có 43% doanh nghiệp cho rằng sẽ thuận lợi hơn nhưng cũng có đến 36% cho rằng khó khăn hơn và 21% cho rằng không thay đổi.

Những rào cản được các lãnh đạo doanh nghiệp, hiệp hội chỉ ra là giấy phép con quá nhiều; khởi nghiệp khó/không xin được giấy phép do ngành nghề kinh doanh không có trong danh mục; giấy phép chuyên ngành xuất nhập khẩu quá nhiều và phức tạp; thủ tục hành chính; tiếp cận đất đai; chính sách thuế, bảo hiểm; tiếp cận vốn…

Chia sẻ trước khi diễn ra phiên đối thoại chuyên đề 1 về “Chương trình hành động của khu vực tư nhân từ Nghị quyết Trung ương 5”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chia sẻ ý kiến của Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, nhận xét về Việt Nam trong đó có nhấn mạnh là Việt Nam đang nắm giữ tương lai tươi sáng nhờ vào những nhà lãnh đạo, doanh nghiệp tư nhân, người dân và vị trí kinh tế năng động…

Nếu phát huy đầy đủ sự sáng tạo khu vực tư nhân thì thành công nối tiếp thành công. Theo Thủ tướng, đến thời điểm này, quan điểm, kỳ vọng về vai trò vị thế ảnh hưởng của khu vực tư nhân đã sâu sắc và toàn diện hơn bao giờ hết, thể hiện qua các nghị quyết của Đảng và quan điểm hành động của Chính phủ.

Cũng theo Thủ tướng, tính bình quân không có ngày nào Chính phủ không làm việc với doanh nghiệp, về các vấn đề của doanh nghiệp… từ đó các cải cách thể được ban hành về: nợ xấu, cổ phần hóa, chấn chỉnh thanh, kiểm tra… và các kết quả đã cho thấy có xu hướng cải thiện. “Kinh tế tư nhân không chỉ là quan trọng mà là đầu kéo quan trọng để phát triển kinh tế đất nước”, Thủ tướng nói.

Một vấn đề được nhiều người quan tâm thời gian qua về việc người Việt Nam bỏ tiền mua bất động sản ở nước ngoài cũng đã được ông Don Lam, Tổng Giám đốc Tập đoàn VinaCapital. Đặt câu hỏi cho chủ đề giải pháp thu hút thêm dòng vốn tư nhân để phát triển kinh tế Việt Nam, ông Don Lam nói: Theo thông tin báo chí nêu, mỗi năm doanh nghiệp Việt Nam mang vài tỷ USD ra nước ngoài mua nhà, sinh sống… Số tiền ra khỏi Việt Nam khá lớn do có thể doanh nhân Việt Nam chưa yên tâm lắm đầu tư, môi trường kinh doanh trong nước. Vậy, chúng ta nên làm gì?

Phản hồi về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, cho rằng, số tiền mang ra và đưa về (kiều hối) cần được soi kỹ hơn xem xét “chứ chưa hẳn tiền của khu vực tư nhân”. Ông Đông cũng đặt vấn đề, phải chăng đây là dòng tiền khu vực tư nhân đưa vào rồi quay ra theo hình thức khác và chưa hẳn là do nền kinh tế.

Đề cập về câu hỏi mang tiền ra khỏi Việt Nam với nguyên nhân nào, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cho rằng, điều đó chứng tỏ môi trường tự do của Việt Nam thực hiện tốt. Tuy nhiên, cũng theo Thủ tướng, điều này “phải chăng là do lãi suất USD của Việt Nam bằng 0%” và ngành ngân hàng nên suy nghĩ về việc thu hút nguồn lực. Thủ tướng cũng mong muốn diễn đàn có những thảo luận để đảo dòng tiền đầu tư. Hiện, các quỹ đầu tư gián tiếp tại Việt Nam đã thành công như VinaCapital.

“Chính phủ sẽ tạo môi trường kinh doanh tốt hơn nữa để dòng tiền vào Việt Nam đúng pháp luật”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cho rằng, những kết quả khảo sát niềm tin của doanh nghiệp tư nhân cho thấy tín hiệu khả quan khi niềm tin của nhà đầu tư đang dần cải thiện rõ nét. Tại hội nghị này, Chính phủ luôn nhất quán mục tiêu là Chính phủ kiến tạo, đồng hành cùng doanh nghiệp, bảo vệ đến cùng mọi quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư phù hợp với cam kết với WTO, song phương và cam kết với doanh nghiệp.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, Chính phủ kiến tạo, hành động thì tư nhân cũng bỏ cách làm cũ. Doanh nghiệp tư nhân không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, tránh tự mãn, nâng tỷ lệ đóng góp vào GDP của khu vực tư nhân lên 50-60% GDP. Doanh nghiệp nên đặt tầm nhìn xa hơn để sản xuất lĩnh vực thế giới có nhu cầu như: lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng… thay vì chỉ chú trọng trở thành doanh nghiệp chỉ là nhà cung cấp, nhà thầu phụ.

 Ngay tại diễn đàn, một cuộc khảo sát điện tử được đưa ra với các doanh nghiệp tham gia cho thấy, có đến 65% doanh nghiệp mong muốn Chính phủ hành động, 24% doanh nghiệp chọn liêm chính và 11% doanh nghiệp mong muốn Chính phủ kiến tạo.

Các tin khác