Kinh tế tăng trưởng nhưng xã hội còn nhiều bất an

(ĐTTCO)-Sáng 22-5, Quốc hội thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018 và tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2019; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017.
Kinh tế tăng trưởng nhưng xã hội còn nhiều bất an

Cần có kịch bản về tăng trưởng, kiểm soát lạm phát

Dù ghi nhận những thành tựu đã đạt được trong năm 2018 và những tháng đầu năm 2019 nhưng các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cũng đề nghị Chính phủ phải hết sức chú ý trong công tác điều hành thời gian tới, khi mà điều kiện thế giới và trong nước đều có nhiều khó khăn.

ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho rằng, tình hình thế giới đang bất ổn khó lường. Kinh tế Việt Nam nằm trong số các quốc gia có độ mở lớn nhất thế giới nên sẽ bị tác động. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vừa là cơ hội, vừa là thách thức: Việt Nam là 1 trong 6 nước xuất siêu vào Mỹ cao nhất, vì thế nằm trong danh sách mà Mỹ lưu ý; Trung Quốc phá giá đồng tiền sẽ đe dọa đến hàng hóa Trung Quốc vào Việt Nam, khi mà Việt Nam nhập siêu rất lớn từ Trung Quốc. Do đó Chính phủ phải xây dựng kịch bản ứng phó.

ĐB Phạm Phú Quốc (TPHCM) cũng lo ngại nguồn thu ngân sách không ổn định, thu từ đất, từ dầu đều giảm. “Hàng loạt vấn đề cần có giải pháp như giải ngân đầu tư công rất chậm, kiểm soát lạm phát có nhiều thách thức, nhiều doanh nghiệp giải thể và dừng hoạt động. Chính phủ cần có kịch bản để kiềm chế lạm phát, vì giá dầu thế giới đang đà tăng, giá xăng dầu trong nước tăng sẽ tác động đến vĩ mô”, ĐB Phạm Phú Quốc nói.

Thu hút FDI có chọn lọc

Theo dự báo của các chuyên gia, khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra, dòng vốn sẽ dịch chuyển từ Trung Quốc sang Đông Nam Á và Việt Nam là một trong những địa bàn thu hút luồng đầu tư này. Một thống kê đang chú ý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là 4 tháng đầu năm, vốn FDI đăng ký từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng 241% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là điều rất nhiều nhà kinh tế đã đặt ra là cần xem xu hướng thu hút FDI thế nào. Thu hút FDI tăng, doanh nghiệp (DN) trong nước ra đời nhiều nhưng quy mô DN vừa, lớn dừng hoạt động cũng cao. Nếu không chọn lọc trong thu hút FDI thì sẽ khó khăn trong việc phát triển các tập đoàn tư nhân trong nước. 

Việc lựa chọn DN FDI cũng càng bức thiết hơn khi đóng góp của khu vực DN này hạn chế: đóng góp vào tăng trưởng GDP chỉ 18%, vào thu ngân sách chỉ 14%... Có đến 52% trong tổng số 16.000 DN FDI khai báo lỗ, thậm chí mất vốn nhưng 52% số DN này vẫn mở rộng sản xuất kinh doanh. Rõ ràng, đang có vấn đề lỗ hổng trong thu hút FDI và chúng ta đang thu hút tràn lan đầu tư FDI.

“Thu hút FDI cần dựa vào những lĩnh vực trong nước chưa hình thành, phát triển được. Cần coi trọng lĩnh vực có chuyển giao công nghệ mới, chứ không phải DN dịch chuyển như đã cảnh báo (dịch chuyển sang Việt Nam vì giá nhân công thấp; dịch chuyển do sử dụng công nghệ mà một số nước không dùng; dịch chuyển để tránh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung). Việc thu hút FDI cũng cần có định hướng rõ để sau đó DN trong và ngoài nước hình thành được chuỗi liên kết”, ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nói.

ĐB Trần Hoàng Ngân cũng cảnh báo, Trung Quốc đang đứng đầu vốn FDI, do đó đặt ra vấn đề Việt Nam phải kiểm soát tốt việc đầu tư vào Việt Nam, lựa chọn công nghệ tốt, lựa chọn nhà đầu tư tốt.

“Làm sao để bảo đảm công bằng với các nhà đầu tư trong nước, không quá ưu đãi cho FDI, cần bảo đảm công bằng với các nhà đầu tư trong nước. Đó cũng là vấn đề phải tính toán”, ĐB Trần Hoàng Ngân nói. ĐB Nguyễn Văn Chương (TPHCM) cũng lưu ý tiếp nhận đầu tư FDI phải có lựa chọn, không được tiếp nhận ồ ạt, ngăn chặn việc đưa vào Việt Nam những công nghệ lỗi thời. Quá nhiều ý kiến đã đề nghị Chính phủ không nên quá ưu đãi cho FDI, Chính phủ cần lưu ý điều này.

Và những nỗi lo

Bên cạnh các ý kiến về kinh tế, nhiều ý kiến ĐBQH lo ngại về các vấn đề xã hội đang gây bất an cho người dân hiện nay. ĐB Phan Thị Bình Thuận (TPHCM), Văn Thị Bạch Tuyết (TPHCM) lo lắng về tình hình buôn bán, vận chuyển ma túy hiện nay. Nhắc lại vụ án cô gái giao gà ở Điện Biên bị sát hại thương tâm và thủ phạm đều là những con nghiện; nhiều vụ ngáo đá xảy ra rất đau lòng, ĐB Phan Thị Bình Thuận cảnh báo về thực tế có nhiều loại ma túy tổng hợp được mua dễ dàng ở các quán cà phê, cổng trường học.

“Nếu trước đây nghiện ma túy chỉ là những thành phần bất hảo trong xã hội thì nay cả học sinh, sinh viên, trí thức, công chức... đều đã sử dụng ma túy tổng hợp. Thời gian qua, đã có tới 4 tấn ma túy bị phát hiện. Đây thực sự đang là một đại nạn cần phải quyết liệt ngăn chặn, nếu không hậu họa là vô cùng”, ĐB Phan Thị Bình Thuận nói và đặt vấn đề: Phải chăng do chúng ta cải các thủ tục hải quan thông thoáng hơn, là cơ hội để các tội phạm ma túy lợi dụng để vận chuyển?

ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) bày tỏ lo ngại về tình trạng xâm hại trẻ em, quấy rối tình dục phụ nữ chưa bao giờ nở rộ vi phạm pháp luật như hiện nay khiến người dân lo lắng, ghê sợ. Quy định về xử phạt 200.000 đồng với hành vi quấy rối tình dục trong thang máy vừa qua gây phản cảm và đáng ra cơ quan tư pháp phải lên tiếng ngay chứ không để dư luận phản ánh, gây trò cười trong dư luận. “Nhiều phụ nữ nói sợ thang máy và khi vào thang máy họ phải chuẩn bị việc phòng vệ. Điều này cho thấy người dân rất bất an”, ĐB Trần Thị Quốc Khánh nói.

Chủ tịch Quốc hội NGUYỄN THỊ KIM NGÂN:

Nhiều vấn đề kinh tế lẫn xã hội cần giải quyết

Điểm sáng là tỷ lệ nợ công tới cuối năm 2018 đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế cả vĩ mô lẫn vi mô. Chính phủ phải hứa trước Quốc hội là đến năm 2021, kết thúc nhiệm kỳ này, các dự án trọng điểm quốc gia đạt được tiến độ như thế nào? Chính phủ cần tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính, kiên quyết loại bỏ “giấy phép con”, thu hút có chọn lọc đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài. Trong lĩnh vực xã hội, an ninh trật tự đang nổi lên nhiều vấn đề bức xúc như: có những người dắt xe ra đường rồi đi mãi không về; rồi những vụ giết người ghê rợn, khiến cho xã hội bức xúc lắm, người dân thấy cuộc sống không được yên ổn.

Các tin khác