Kiểm soát chăn nuôi, chất cấm, ngăn chặn ô nhiễm môi trường

(ĐTTCO) - Sáng 14-6, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi). Chiều cùng ngày, Quốc hội đã thảo luận về những vấn đề còn băn khoăn, chưa đầy đủ hoặc bất cập trong dự thảo Luật Chăn nuôi. 
Tiếp tục tranh luận về cấp tướng công an
Thảo luận về dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi), nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tiếp tục tranh luận về quy định hàm cấp tướng. ĐB Lê Tấn Tới, Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu, ủng hộ quy định tất cả giám đốc công an tỉnh đều có cấp hàm cao nhất là thiếu tướng, vì “ngoài 11 tỉnh loại 1 thì các tỉnh khác nơi đâu cũng có những địa bàn chiến lược, khu vực xung yếu và phức tạp về an ninh trật tự”. Điều này, theo ĐB Lê Tấn Tới, không làm tăng số lượng cấp tướng trong Công an nhân dân. Theo ĐB Lê Tấn Tới, trong luân chuyển hiện nay, chức danh cục trưởng và giám đốc công an tỉnh là ngang nhau, đều được quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm chức vụ cao hơn, nhưng nếu không phong hàm thiếu tướng cho giám đốc công an tỉnh thì điều này sẽ mâu thuẫn khi thực hiện luân chuyển công tác cán bộ ngành công an. “Cấp tướng mà luân chuyển về địa phương thì lại sai lệch. Ngược lại, giám đốc công an tỉnh mà luân chuyển làm cục trưởng thì bất hợp lý vì từ đại tá không thể lên ngay thiếu tướng”. Đây cũng là quan điểm của ĐB Trần Văn Mão (Nghệ An). 
Có quan điểm khác, ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho rằng, dư luận cũng có ý kiến khác nhau về việc phong thăng cấp tướng. “Có ý kiến nói rằng thời bình sao nhiều tướng đến thế! So với thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, bảo vệ biên giới thì những năm gần đây trong lực lượng vũ trang nói chung và công an nói riêng, cấp tướng tăng lên nhiều”, ĐB Nguyễn Tạo thẳng thắn. Theo ĐB Nguyễn Tạo, cần hết sức tránh việc phong thăng hàm nhanh nhưng chất lượng là vấn đề cần suy nghĩ. Đội ngũ tướng lĩnh có công với dân, với nước luôn được suy tôn, nhưng cử tri cũng băn khoăn khi có tướng lĩnh vi phạm như vừa qua. Đối với giám đốc công an cấp tỉnh, nếu quy định trần quân hàm cao nhất là thiếu tướng thì có sự “vênh” nhau, so trên mặt bằng chung với lực lượng quân sự. “Nếu chấp nhận quy định này thì có phải sửa Luật Sĩ quan quân đội để nâng hàm lên tướng cho tương ứng hay không? Nếu sửa luật và phong hàm tướng nhiều hơn thì tôi e rằng dư luận và cử tri không đồng tình”, ĐB Nguyễn Tạo nói. 
Kiểm soát chăn nuôi, chất cấm, ngăn chặn ô nhiễm môi trường ảnh 1            Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Trần Văn Lâm phát biểu ý kiến.
ĐB Trần Văn Lâm (Bắc Giang) phản biện: Cho rằng đặt vấn đề về việc nên hay không nên nâng hàm trần cấp hàm và tương đồng hay không tương đồng giữa công an với quân sự là chưa thực sự thuyết phục. Cấp hàm thể hiện năng lực, trình độ, phẩm chất của người công an và sĩ quan quân đội. Người nào xứng đáng trình độ là tướng thì khi có nhu cầu sẽ phong tướng, trình độ xứng đáng cấp tá thì phong tá. “Có thể địa phương này trong lúc này cần một cán bộ cấp tướng về chỉ đạo giải quyết vấn đề, nhưng giai đoạn khác, địa phương khác có nhu cầu thì lại điều chuyển đến vị trí đó. Không cứng nhắc chỗ này nhất thiết phải tướng, chỗ kia nhất quyết phải tá”, ĐB Trần Văn Lâm lập luận. Để tránh số lượng được phong hàm cấp tướng quá nhiều, ĐB đề nghị Quốc hội quy định số lượng cấp tướng và chức danh có cấp tướng. Còn phân công ai vào việc nào là tùy thuộc vị trí công việc theo đánh giá của cơ quan sử dụng cán bộ.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, các ý kiến đóng góp sẽ được ghi nhận, nghiên cứu đầy đủ trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp tới.
Bỏ sót nhiều loại vật nuôi
Cơ bản đồng tình với những nội dung mà dự thảo Luật Chăn nuôi đề xuất, tuy nhiên nhiều ĐB vẫn cho rằng dự thảo luật này vẫn còn có những điều khoản “bỏ sót” nhiều đối tượng vật nuôi mới phát sinh hiện nay, có thể gây lúng túng cho cơ quan quản lý lẫn người chăn nuôi. Theo ĐB Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) tranh luận thì dự thảo luật chia các loài vật nuôi thành 4 nhóm gồm: gia súc, gia cầm, động vật làm cảnh và động vật hoang dã. Nhưng thời gian qua, trong xã hội có rất nhiều vật nuôi lạ như nuôi tằm, nuôi dế, nuôi giun… mà hiện nay không biết xếp vào loại động vật nào, dự thảo luật không đề cập rõ những đối tượng lạ và mới như thế. Thậm chí có những vật nuôi có giá trị lớn như phong trào nuôi hươu ở tỉnh Hà Tĩnh mà bà con đã duy trì nhiều năm qua nhưng hiện tại vẫn không được luật coi là vật nuôi.
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Thị Minh Trang (Vĩnh Long) và ĐB Nguyễn Như So (Bắc Ninh) thì băn khoăn về quy định các trang trại chăn nuôi sẽ phải cách biệt hẳn với khu dân cư nhưng chưa có quy định rõ phải cách xa như thế nào và nếu quy định chung chung sẽ rất khó xoay xở cho doanh nghiệp, chủ trang trại. “Nếu quy định như dự thảo, các trang trại sẽ phải di dời ra xa các khu dân cư nhưng tránh khu dân cư này sẽ gặp các khu dân cư khác do ở đồng bằng, mật độ dân cư rất đông”, ĐB Nguyễn Thị Minh Trang kiến nghị. Về quy định quản lý thức ăn chăn nuôi, ĐB Nguyễn Thị Minh Trang cũng cho rằng quy định còn thiếu chặt chẽ vì lâu nay chúng ta nhập khẩu rất nhiều nguyên liệu thức ăn chăn nuôi từ nước ngoài và phụ thuộc vào lương tâm của nhà sản xuất, mà cơ quan quản lý cũng còn khó khăn huống hồ người chăn nuôi làm sao phân biệt nổi thật giả, có chứa chất cấm hay không? ĐB Nguyễn Thị Minh Trang đề nghị nên thiết kế luật theo hướng ủng hộ sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước để kiểm soát chất cấm, kháng sinh để đảm bảo an toàn thực phẩm. 
Kiểm soát ô nhiễm môi trường, tìm đầu ra cho thực phẩm
Giải trình trước Quốc hội về những vấn đề, điều khoản đề xuất trong dự thảo luật mà các đại biểu còn băn khoăn, kiến nghị chỉnh sửa, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng mặc dù chăn nuôi đã đạt được thành tựu lớn, đảm bảo an ninh lương thực, cung ứng thực phẩm cho 100 triệu người dân nhưng đang có nhiều bất cập. Chăn nuôi kiểu nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ lớn với 55% trong tổng số bình quân 30 triệu con heo, 300 triệu gia cầm, 7,5 triệu gia súc… Đã chăn nuôi nhỏ lẻ thì nguy cơ rủi ro rất cao, giá thành chăn nuôi cũng cao, không có lãi. Thêm nữa, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT thừa nhận chăn nuôi đang gây ra hệ lụy lớn về môi trường, kể cả quy mô trang trại và các doanh nghiệp.
Trong khi đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, khâu tổ chức thị trường cũng yếu. Chúng ta có 93 triệu dân trong đó có tới 12 triệu là công nhân, 31 triệu là dân cư tại các đô thị, nhu cầu thực phẩm sạch rất cao nhưng bao năm nay hình thức thương mại quen thuộc vẫn là đem phân phối ở các chợ dân sinh mà không có phương thức thị trường hiện đại (hoặc chưa rõ nét) để đáp ứng cho khu vực này… Trong khi còn đang đối mặt bộn bề bất cập thì hiện nay chăn nuôi ở nước ta đang đối mặt 2 thách thức lớn là biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng dữ dội và áp lực từ thị trường hội nhập sâu rộng. 
Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết dự thảo luật này đã được thiết kế theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ để giải quyết các bất cập và giảm thiểu những áp lực từ thách thức. Về quản lý thức ăn chăn nuôi, chủ trương là sẽ kiểm soát thức ăn chăn nuôi công nghiệp để tạo điều kiện cho các sản phẩm thức ăn chăn nuôi truyền thống, sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
“Riêng về chất cấm thì dự thảo luật đề xuất phải kiên quyết cấm, còn kháng sinh để kích thích tăng trưởng cũng cấm nhưng chỉ cho phép dùng với gia súc, gia cầm non và điều trị bệnh và phải được bác sĩ thú y cắt toa, do chúng ta đã bị cảnh báo về nguy cơ cao về kháng kháng sinh”, ông Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh. Về thị trường, sẽ có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư để đẩy mạnh xuất khẩu. Đối với quản lý chất thải và xử lý môi trường, trong đó có quy định ở khu vực nội thành dứt khoát không được chăn nuôi, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT giải trình rằng vì môi trường tới đây sẽ là vấn đề số 1. Mục tiêu là phải giảm hẳn số hộ chăn nuôi để ngăn chặn các hệ lụy về môi trường do chăn nuôi gây ra. 

Các tin khác