Kích hoạt kinh tế tư nhân

(ĐTTCO) - Chiều 2-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 và có bài phát biểu quan trọng. Đây là sự kiện cấp cao có quy mô quốc gia, quốc tế lớn nhất trong năm 2019 về những vấn đề then chốt, giải pháp phát triển cho khu vực kinh tế hiện chiếm khoảng 42% GDP cả nước. 
Khoảng 2.500 doanh nhân tư nhân tham dự phiên toàn thể, đối thoại với Chính phủ, các địa phương theo tinh thần công - tư, để góp phần tháo gỡ các rào cản, nút thắt nhằm phát triển kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. 
Nên giao nhiều việc cho tư nhân
Diễn đàn do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì và chỉ đạo tổ chức. Có 6 chuyên đề chính được bàn thảo tại diễn đàn gồm: Du lịch; Kinh tế số; CPTPP;  Vốn - Tài chính; Nông nghiệp; Khởi nghiệp. Tại đây, các vấn đề kinh tế vĩ mô được mổ xẻ, cùng đối thoại chính sách công - tư cởi mở giữa đại diện Chính phủ và khối tư nhân. Nhiều hiến kế từ cộng đồng doanh nghiệp được thảo luận, phân tích, là cơ sở quan trọng để hoàn thiện khung chính sách thúc đẩy sự phát triển của khu vực này sắp tới. 
Kích hoạt kinh tế tư nhân ảnh 1 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu cắt băng khai mạc
Triển lãm Thành tựu kinh tế tư nhân tại diễn đàn. Ảnh: TTXVN 
Tổng hợp hiến kế về kinh tế số, ông Nguyễn Trung Chính, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ CMC, cho rằng theo thống kê của World Bank, kinh tế số sẽ mang lại 23.000 tỷ USD. Trong khu vực có Singapore, Malaysia, Thái Lan đã tuyên bố là quốc gia kinh tế số. Việt Nam đang chậm so với thế giới và khu vực. Do đó, các doanh nghiệp tư cho rằng, kinh tế số là con đường duy nhất để rút ngắn khoảng cách với các quốc gia phát triển. Muốn thế, Chính phủ cần đẩy nhanh hoàn thiện thể chế pháp lý cho kinh tế số; xem xét xây dựng Bộ Kinh tế số hay Ủy ban quốc gia điều phối kinh tế số. 
Về lĩnh vực nông nghiệp, bà Thái Hương - nhà sáng lập Tập đoàn sữa TH,  đề xuất tập trung thực hiện thành công dự án thí điểm hình thành, phát triển một số chuỗi nông - thủy sản có thương phẩm giá trị cao, đáp ứng yêu cầu của các thị trường “mục tiêu”, như chuỗi sản phẩm sữa tươi xuất khẩu sang Trung Quốc; chuỗi tôm xuất khẩu sang Mỹ, Canada, EU; chuỗi rau - củ - quả có chế biến sâu để dần làm chủ các thị trường trọng tâm. Bà Thái Hương cũng đề xuất nhận diện rõ nét nhóm các doanh nghiệp “đầu tàu” trong ngành nông nghiệp, từ đó xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm tạo động lực và phát triển nhóm này để dẫn dắt.
Bà Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietjet Air, kiến nghị Chính phủ, Bộ GTVT cần ưu tiên tập trung xây dựng quy hoạch phát triển hạ tầng sân bay, nhà ga, tạo điều kiện cho các tập đoàn kinh tế tư nhân có tiềm lực được tham gia, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng sân bay. Bà Thanh Hà đề xuất doanh nghiệp tư nhân được đối xử bình đẳng, công bằng và định hướng tuyên truyền khách quan, không để hình ảnh doanh nghiệp tư nhân bị bóp méo làm ảnh hưởng tới tinh thần khởi nghiệp của toàn xã hội, ý chí của những doanh nghiệp tiên phong.
Kích hoạt kinh tế tư nhân ảnh 2 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: TTXVN 
Ông Võ Quang Huệ, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup, kiến nghị Chính phủ cần có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ kinh tế tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao và các hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến.
Cùng với đó, cần đẩy mạnh việc phát triển nguồn nhân lực, nhất là đào tạo đại học, đào tạo nghề, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng nhân sự cho phát triển kinh tế tư nhân. Ông Võ Quang Huệ mong muốn Chính phủ tiếp tục tạo điều kiện cho chương trình kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo phát huy, góp phần thu hút chất xám của đội ngũ Việt kiều. Đặc biệt, cần tạo điều kiện cho việc thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ.
Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình, Trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), đề xuất Chính phủ giao việc cho tư nhân làm nhiều hơn. “Tôi khẳng định, những dự án như sân bay Long Thành, cao tốc Bắc Nam...  mà đưa cho nhóm doanh nghiệp tư nhân làm thì thời gian triển khai sẽ không mất đến 30 năm, mà chỉ trong chưa đầy 10 năm là xong”, ông Trương Gia Bình nói. 
Tại diễn đàn, các nhà đầu tư nước ngoài cũng nêu nhiều khuyến nghị cho phía Việt Nam. Bà Virginia Footer, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham), cho rằng nhà đầu tư nước ngoài và trong nước cần một sân chơi bình đẳng, không chỉ để thu hút thêm đầu tư trong tương lai, mà còn để duy trì sự đầu tư đã có.
Theo Amcham, thuế suất và chính sách cũng được xem là rào cản đáng kể cho các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Ông Nobufumi Miura, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, cho rằng tính dự báo của chính sách pháp luật của Việt Nam còn thấp, phía doanh nghiệp không thể ứng phó kịp thời, dẫn đến tình trạng hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ. 
Tạo bình đẳng cho doanh nghiệp tư nhân phát triển
Phát biểu tại phiên toàn thể, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, kinh tế tư nhân nổi lên như một trong những động lực quan trọng, dẫn dắt sự tăng trưởng của nền kinh tế. Khu vực kinh tế tư nhân trong nước đang tạo ra khoảng 42% GDP, 30% ngân sách nhà nước, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước. Tuy nhiên, những kết quả này vẫn còn thấp so với mức tiềm năng.
Kích hoạt kinh tế tư nhân ảnh 3 Công nhân một doanh nghiệp đang giám sát dây chuyền tự động. Ảnh: HOÀNG HÙNG 
Các ngành, các cấp cần phải tìm cách kích hoạt vai trò của khu vực kinh tế tư nhân tốt hơn nữa. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ và cá nhân Thủ tướng đã liên tục động viên tư nhân khởi nghiệp, nuôi dưỡng khát vọng lớn trong phát triển. “Tôi tin rằng nền kinh tế Việt Nam chỉ có thể hùng mạnh khi có những doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh toàn cầu”, Thủ tướng nói. Trước đông đảo doanh nhân, Thủ tướng cho rằng, một khu vực tư nhân lớn mạnh, bền vững, bên cạnh khu vực doanh nghiệp nhà nước hiệu quả hơn, khu vực kinh tế hợp tác xã năng động hơn sẽ tạo ra một tương lai thịnh vượng, bền vững hơn cho nền kinh tế Việt Nam.  
Đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp, Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ tiếp tục tạo điều kiện, kiến tạo không gian, nguồn lực, cơ hội cho khu vực tư nhân phát triển thuận lợi hơn, với các “từ khóa”: “tạo bình đẳng” trong phát triển, được “bảo vệ”, “khích lệ” và “trao cơ hội”. Kinh tế tư nhân bình đẳng trước pháp luật, bình đẳng trong cạnh tranh, trong phân bổ nguồn lực với các thành phần kinh tế khác, nhất là tiếp cận nguồn lực. Doanh nghiệp tư nhân được bảo vệ quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp theo Hiến pháp, pháp luật.
Giảm sự chồng chéo, tầng lớp trong thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, tạo môi trường thông thoáng cho kinh tế tư nhân. “Nhà nước và xã hội tôn vinh hơn nữa, nhất là các doanh nghiệp làm ăn chân chính, có trách nhiệm xã hội. Ngược lại, cần lên án, đấu tranh đối với các doanh nghiệp làm ăn chụp giật, vi phạm đạo đức kinh doanh, vi phạm pháp luật. Chính phủ tạo cơ hội tiếp cận nguồn lực, công nghệ, thị trường, cắt giảm chi phí kinh doanh, hạ giá thành sản phẩm. Đẩy mạnh cổ phần hóa, chống độc quyền cũng là mở ra cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân phát triển bình đẳng”, Thủ tướng nhấn mạnh.
 - Bộ trưởng Bộ GTVT NGUYỄN VĂN THỂ: Chính phủ có chủ trương huy động mọi nguồn vốn để nâng cấp hạ tầng giao thông vận tải, trong đó có doanh nghiệp tư nhân. Một số tập đoàn tư nhân tiên phong trong việc đầu tư hạ tầng như sân bay Vân Đồn do Sungroup xây dựng hay Vietjet xây dựng hạ tầng hàng không... Bộ GTVT cũng đang kêu gọi xây dựng sân bay Sa Pa, Lai Châu... và sẵn sàng mời gọi các nhà đầu tư nếu có phương án hợp lý. Bộ GTVT cũng đang đề xuất đề án phối hợp với các doanh nghiệp tư nhân phát triển hạ tầng giao thông.
- Thứ trưởng Bộ Tài chính TRẦN XUÂN HÀ: Với lĩnh vực tài chính ngân sách, các doanh nghiệp tư nhân đóng góp khoảng 14% so với tổng thu ngân sách nhà nước, thu nội địa là 23,3%; tỷ trọng thu ngân sách của doanh nghiệp tư nhân ngày càng cao. Bộ Tài chính sẽ tập trung vào cơ chế giải pháp chính như tiếp tục hoàn thiện thể chế tài chính doanh nghiệp, thuế, hải quan, đất đai... Tạo kênh huy động vốn trung và dài hạn, chú trọng phát triển trái phiếu doanh nghiệp, các quỹ đầu tư bất động sản, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận với các nguồn vốn này. Đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia vào hoạt động quản trị.
- Thứ trưởng Bộ Công thương TRẦN QUỐC KHÁNH: Trong 3 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam vào các nước trong nội khối CPTPP tăng tới 22,5% và cao hơn cả mức chung toàn ngành. Vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa chủ động tìm hiểu về các quy tắc xuất xứ, quy định liên quan đến ngành hàng của mình để tận dụng lợi ích từ hiệp định này mang lại. Để tận dụng cơ hội xuất khẩu từ CPTPP, doanh nghiệp Việt Nam cần phải vượt qua các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, các rào cản kỹ thuật khác như xuất xứ hàng hóa… Trong đó chủ yếu là rào cản về an toàn vệ sinh thực phẩm. “Chúng ta xuất khẩu rau quả mà như đem rau ra chợ huyện, cách coi thị trường thế giới là chợ huyện cần phải xem lại”. 
PHAN THẢO - VĂN PHÚC

Các tin khác