Kích hoạt đầu tư nông nghiệp

Trong tuần này, dự kiến thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 61 của Chính phủ về chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp-nông thôn sẽ được Bộ Tài chính ban hành. Hy vọng cơ chế mới sẽ mở ra nhiều thuận lợi để thu hút vốn đầu tư khu vực này nhằm góp phần tăng sức chống đỡ cho nền kinh tế đang gặp khó khăn. Đây cũng là một giải pháp được đề cập trong Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội mà các bộ, ngành, địa phương đang đồng loạt triển khai mạnh mẽ.

Trong tuần này, dự kiến thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 61 của Chính phủ về chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp-nông thôn sẽ được Bộ Tài chính ban hành. Hy vọng cơ chế mới sẽ mở ra nhiều thuận lợi để thu hút vốn đầu tư khu vực này nhằm góp phần tăng sức chống đỡ cho nền kinh tế đang gặp khó khăn. Đây cũng là một giải pháp được đề cập trong Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội mà các bộ, ngành, địa phương đang đồng loạt triển khai mạnh mẽ.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Từ năm 1990 đến nay kinh tế nước ta đã trải qua 2 lần lạm phát cao, 1 lần giảm phát. Bài học rút ra là khi khó khăn, nông nghiệp thường trở thành chỗ dựa của nền kinh tế. Ý nghĩa là vậy nhưng thực tế tỷ lệ đầu tư vào nông nghiệp còn khá thấp và tiếp tục giảm trong những năm gần đây. Chính vì thế, một trong những giải pháp quan trọng lúc này để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô là ưu tiên thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn. Làm được điều này còn giải quyết vấn đề an sinh xã hội, một trong những trụ cột để phát triển kinh tế theo hướng bền vững.

Nông nghiệp là ngành sản xuất kết nối hàng vạn nông hộ nhỏ với thị trường tiêu thụ, các nhà máy chế biến và xuất khẩu. Nông nghiệp sử dụng đầu vào nhiều sản phẩm của các ngành khác, trong đó có sản phẩm của hàng vạn doanh nghiệp nhỏ và vừa. Sự phát triển hay suy thoái của nông nghiệp liên quan nhiều đến công ăn việc làm xã hội.

Tuy nhiên, do tỷ trọng đầu tư thấp, nền nông nghiệp nước ta đến nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu trong nước, nhất là với các sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao. Một số nông sản xuất khẩu, tuy có sản lượng lớn nhưng đa số là sản phẩm thô, giá trị không cao. Vì thế, giải quyết được bài toán đầu tư, nâng cao giá trị hàng hóa cho khu vực nông nghiệp - nông thôn đang là vấn đề cấp thiết để tái cơ cấu nền kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.

Đến nay nước ta có trên 8.000 doanh nghiệp hoạt động trong ngành nông nghiệp, chiếm 4% số lượng doanh nghiệp cả nước. Tuy nhiên trên 90% các doanh nghiệp này có vốn dưới 10 tỷ đồng, 6% doanh nghiệp có vốn 10-50 tỷ đồng. Doanh nghiệp có mức vốn trên 200 tỷ đồng chỉ chiếm 1%. Quy mô nhỏ, sản xuất manh mún là nguyên nhân khiến nông nghiệp Việt Nam, dù nhiều tiềm năng nhưng giá trị gia tăng rất thấp.

Chính vì thế, chính sách mới về khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn được kỳ vọng sẽ tạo cú hích mạnh mẽ tháo gỡ khó khăn này. Theo dự thảo thông tư hướng dẫn Nghị định 61, nhà đầu tư có dự án nông nghiệp thuộc diện đặc biệt ưu đãi, ưu đãi hoặc khuyến khích đầu tư nếu được Nhà nước giao đất sẽ được miễn tiền sử dụng đất 50-100%.

Ngoài ra, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ, vừa có dự án nông nghiệp thuộc diện đặc biệt ưu đãi, ưu đãi hoặc khuyến khích đầu tư được ngân sách nhà nước hỗ trợ 50-100% kinh phí đào tạo nghề, hỗ trợ 50-70% chi phí tiếp cận thị trường, hỗ trợ chi phí áp dụng khoa học công nghệ, chi phí vận tải…

Chính sách trên khá thông thoáng nhưng điều quan trọng nó sẽ được thực thi như thế nào? Thực tế hiện nay có khá nhiều chính sách thu hút đầu tư nông nghiệp, nhưng muốn được hưởng những ưu đãi này không dễ. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp từ vị trí được khuyến khích, ưu đãi đầu tư lại trở thành người phải chạy vạy, xin xỏ.

Thủ tục triển khai, xin hưởng ưu đãi cho dự án rườm rà, phức tạp đã khiến nhiều doanh nghiệp nản lòng. Bởi vậy, quy định các thủ tục, quy trình triển khai dự án đơn giản, công khai, dễ thực hiện là rất quan trọng nhằm tạo ra sức hút đáng kể kéo doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn. Bên cạnh đó, trong các cơ chế ưu tiên, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn cũng cần có chế tài rõ ràng xử lý tình trạng cán bộ sách nhiễu, làm khó doanh nghiệp.

Để chủ trương trên triển khai có hiệu quả còn cần sự nỗ lực, đồng lòng của giới doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần nhìn nhận đúng mức năng lực sản xuất, sản phẩm của chính mình, khả năng cạnh tranh trên thị trường, đổi mới tư duy sản xuất nông nghiệp… Việc này Nhà nước không thể làm thay được mà đòi hỏi nỗ lực tự thân để tiếp nhận chính sách ưu đãi một cách có hiệu quả nhất.

Các tin khác