Không sử dụng ngân sách Nhà nước để xử lý thua lỗ doanh nghiệp

(ĐTTCO)-Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ, đến năm 2020 xử lý dứt điểm các doanh nghiệp vi phạm pháp luật, để thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước...
Không sử dụng ngân sách Nhà nước để xử lý thua lỗ doanh nghiệp

Với 97,33% phiếu tán thành, sáng nay (15/6) Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước.

Tại báo cáo giải trình ý kiến đại biểu đóng góp cho dự thảo Nghị quyết, UBTVQH cho biết, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã chuyển dịch theo hướng tập trung hơn vào những ngành nghề then chốt của nền kinh tế. DNNN vẫn là một trong những trụ cột, động lực tăng trưởng của nền kinh tế, bảo đảm sự phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, do vậy DNNN vẫn giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế.

Trình bày dự thảo Nghị quyết, Phó Tổng Thư ký Quốc hội Lê Bộ Lĩnh lưu ý, DNNN vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc, bất cập vi phạm pháp luật trong kinh doanh, nguyên tắc thị trường, quản trị doanh nghiệp, quản lý tài chính. Chưa hoàn toàn tách bạch giữa chức năng quản lý nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu, còn tình trạng chưa bảo đảm công khai, minh bạch trong việc định giá, mua bán tài sản của doanh nghiệp nhà nước.

"Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với vị trí và nguồn lực được giao quản lý, sử dụng", ông Lê Bộ Lĩnh nêu rõ.

Một số dự án đầu tư quy mô lớn nhưng triển khai chậm, không hiệu quả, thất thoát, lãng phí, hoạt động đầu tư ra ngoài ngành nghề kinh doanh chính, đầu tư ra nước ngoài nhìn chung hiệu quả thấp. Tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ ở các công ty cổ phần còn cao. Mô hình quản trị doanh nghiệp chậm được đổi mới. Việc thu hút nhà đầu tư chiến lược còn hạn chế. Vẫn còn vi phạm về công tác quản lý tài chính trong quá trình cổ phần hóa, xác định giá trị doanh nghiệp, nhất là xác định giá trị quyền sử dụng đất, giá trị thương hiệu của doanh nghiệp nhà nước; quản lý sử dụng Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại các tập đoàn, tổng công ty còn tồn tại, hạn chế.

Những hạn chế, vướng mắc, bất cập nêu trên do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, Quốc hội đánh giá.

Không dùng ngân sách xử lý thua lỗ của DN

Quốc hội giao Chính phủ khẩn trương bàn giao phần vốn hiện đang quản lý về cơ quan có thẩm quyền được giao quản lý vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp. Đến năm 2020 xử lý dứt điểm các doanh nghiệp vi phạm pháp luật, để thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước, các dự án đầu tư chậm tiến độ, kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài; không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý thua lỗ của doanh nghiệp. 

Kiểm điểm và xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với tập thể, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu trong việc để xảy ra các vi phạm về quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 (dự kiến vào tháng 5/2019).

Gắn kết quả của việc thực hiện sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước với việc đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu; tiếp tục đổi mới công tác bố trí bổ nhiệm, miễn nhiệm đối với người đứng đầu DNNN là những nhiệm vụ tiếp theo Chính phủ được giao.

Nghị quyết cũng yêu cầu Chính phủ quản lý, giám sát chặt chẽ việc huy động, sử dụng vốn của DNNN, nhất là việc vay nợ nước ngoài, các dự án đầu tư trong nước và ở nước ngoài, nguồn vốn mua bán, sáp nhập doanh nghiệp; hạn chế tối đa cấp bảo lãnh của Chính phủ đối với DNNN.

Theo yêu cầu của Quốc hội, đến năm 2020 phải xử lý dứt điểm các DN vi phạm pháp luật, để thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước, các dự án đầu tư chậm tiến độ, kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài. Không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý thua lỗ của DN. Đồng thời, kiểm điểm và xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với tập thể, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu trong việc để xảy ra các vi phạm về quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN và cổ phần hóa DNNN, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5-2019).

Cần gắn kết quả của việc thực hiện sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN với việc đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu; tiếp tục đổi mới công tác bố trí bổ nhiệm, miễn nhiệm đối với người đứng đầu DNNN, Nghị quyết nêu rõ.

Rà soát diện tích đất của DNNN

Sau giám sát, Quốc hội cũng yêu cầu rà soát diện tích đất của các doanh nghiệp nhà nước, hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thực hiện việc xác định giá đất cụ thể phù hợp với quy định của Luật Đất đai để xác định đúng giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa, tính đúng, tính đủ tiền thuê đất của doanh nghiệp, tránh thất thu cho ngân sách nhà nước. 

Quản lý chặt chẽ, tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra việc sử dụng đất của doanh nghiệp sau cổ phần hóa, bảo đảm tuân thủ phương án sử dụng đất đã được phê duyệt trong phương án cổ phần hóa doanh nghiệp. Trường hợp được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất khác với phương án đã được phê duyệt thì tổ chức thu hồi và đấu giá công khai theo quy định của pháp luật; nghiêm túc thực hiện quy định của pháp luật đất đai về thu hồi đất đối với các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai.

Tiến hành thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hoá sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011- 2017, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019), Nghị quyết nêu rõ.

Tại nghị quyết, Quốc hội giao Kiểm toán Nhà nước kiểm toán quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp và việc sử dụng nguồn thu từ đất của các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa giai đoạn 2011-2017, báo cáo Quốc hội kết quả tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/ 2019).

Theo Nghị quyết của Quốc hội, chậm nhất tháng 5/2019 phải ban hành văn bản quy định về bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với doanh nghiệp nhà nước.

Các tin khác