Không gian ngầm TPHCM: Cần quản lý, khai thác hiệu quả

(ĐTTCO) - TPHCM hiện có khoảng 11ha diện tích không gian ngầm, chủ yếu là tầng hầm ngầm của các trung tâm thương mại và chỗ để xe.
Không gian ngầm TPHCM: Cần quản lý, khai thác hiệu quả
 Trong khi đó, quỹ đất nội thành ngày càng cạn kiệt, ùn tắc giao thông nhất là tại khu vực trung tâm, cửa ngõ liên tục gia tăng. Vì vậy, TPHCM đang gấp rút lập quy hoạch xây dựng không gian ngầm để mở thêm không gian cho phương tiện giao thông, các loại hình dịch vụ, thương mại nằm dưới lòng đất, qua đó giảm áp lực kẹt xe, đáp ứng tốc độ phát triển đô thị. ĐTTC đã có cuộc trao đổi với TS. PHẠM SANH, chuyên gia đô thị về vấn đề này.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, là chuyên gia đô thị, ông đánh giá việc phát triển không gian ngầm ở TPHCM mang tính chất cấp thiết như thế nào?
TS. PHẠM SANH: - Tốc độ đô thị hóa và tỷ lệ đô thị hóa ở Việt Nam trong những năm gần đây phát triển khá cao so với thế giới. Trong vòng 20 năm, tỷ lệ từ gần 20% chúng ta đã tiến tới con số 40%, hiện cả nước có gần 1.000 đô thị lớn nhỏ. TPHCM đang là điểm cực nóng về phát triển đô thị, có dân số cao nhất nước, đến nay đã gần 14 triệu dân.
Tỷ lệ đô thị hóa và tốc độ tăng dân số cơ học ngày càng tăng đã dẫn đến nhiều vấn đề như kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm không khí, thiếu không gian xanh và hệ thống hạ tầng đã ảnh hưởng đến phát triển bền vững của TP và cuộc sống của người dân. Các vấn đề này đã dẫn đến nhu cầu sử dụng đất ngày càng tăng cho nhà ở, văn phòng làm việc, trường học, bệnh viện, các dịch vụ đô thị như mua sắm ăn uống giải trí, và cả mạng lưới giao thông công cộng vận chuyển khối lượng lớn như metro và hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện đại. 
 Không có khái niệm triển khai đồng loạt không gian ngầm vì có rất nhiều loại công trình ngầm về giao thông, phục vụ công cộng, thương mại, hạ tầng kỹ thuật, cả an ninh quốc phòng. Trên thực tế, chúng ta cũng đã triển khai nhiều công trình ngầm. Quan trọng là quản lý tập trung đồng bộ, có quy hoạch kế hoạch và biết quản lý khai thác sao cho hiệu quả bền vững.
Vì vậy, các giải pháp tiếp cận mới phải được nhận dạng để tận dụng tốt hơn không gian đô thị có sẵn. Sử dụng không gian ngầm được xem là ý tưởng tạo ra các giải pháp tiềm năng để giải quyết những thách thức này. Các không gian ngầm đô thị hiện có ở Việt Nam ít nhưng hầu như chưa được khai thác hiệu quả. Nếu những tiềm năng này được xác định đúng, quản lý và khai thác một cách bài bản khoa học, nó sẽ tạo ra sự phát triển bền vững cho các đô thị cả nước nói chung và TPHCM nói riêng.
Mặt khác, diện mạo đô thị TP vẫn đang phát triển thay đổi từng ngày, với hàng loạt nhà cao tầng, hầm chui giao thông, tuyến metro số 1 đang thi công và hàng trăm km metro sắp triển khai, các dự án thoát nước cải thiện vệ sinh môi trường, các dự án bãi xe ngầm, các chương trình ngầm hóa hệ thống đường dây đường ống điện lực viễn thông... Nếu cứ để như cách quản lý hiện nay, mạnh ai nấy làm, mạnh ngành nào ngành đó biết, phân công quản lý nhà nước về không gian ngầm vừa manh mún, vừa quá đơn giản, không quy hoạch không kế hoạch, thì hậu quả lãng phí nghiêm trọng sẽ đến không bao lâu nữa.
Luật Quy hoạch đô thị 2009 đã nói về không gian ngầm. Nghị định 41, rồi sau đó là Nghị định 39-2010 cũng quy định quản lý không gian ngầm. Nhưng Hà Nội cũng mới triển khai năm 2015. TPHCM còn chậm hơn nữa, triển khai 2017 và Sở Quy hoạch - Kiến trúc mới đây có hứa đến 2019 sẽ có đồ án quy hoạch. Như vậy là quá chậm.
- Việc phát triển không gian ngầm tại TPHCM cần phải được thực hiện tuần tự như thế nào, thưa ông?
- Tìm kiếm không gian và nơi trú ẩn bên trong trái đất không phải là mới trong lịch sử phát triển văn minh nhân loại. Các TP và công trình ngầm đã xuất hiện cách đây rất lâu trên các vùng đất của Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Ethiopia, Trung Quốc, Bắc Phi, và Tây Nam Mỹ. Những TP và công trình ngầm độc đáo này cung cấp nhiều bài học cho không gian ngầm đa dạng chức năng phát triển ở các đô thị hiện đại khắp thế giới sau này.
Như chuỗi cửa hàng mua sắm dài trên 3km xung quanh nhà ga ngầm Town Hall tại Sydney (Australia), TP ngầm Montreal (Canada) rộng 12km2 với 2.000 cửa hàng và nửa triệu du khách mỗi ngày, TP ngầm Bắc Kinh (Trung Quốc) rộng 85km2, khu thương mại La Defence Paris (Pháp) xây dựng từ năm 1960...
Thật ra không phải TPHCM, mà tất cả đô thị trên cả nước đang gặp quá nhiều thách thức trong phát triển và quản lý không gian ngầm. Đó là chưa có đủ kiến thức và kinh nghiệm, chưa có quy hoạch theo luật định (cả quy hoạch chung lẫn quy hoạch chi tiết), quản lý công trình ngầm trong đô thị quá nhiều cơ quan đầu mối, quy mô chi phí lớn và tính chất kỹ thuật hết sức phức tạp trong điều kiện đất yếu và mực nước ngầm cao, quy chuẩn kỹ thuật chưa đầy đủ, luật đất đai chưa rõ ràng...
Riêng tại TPHCM, để phát triển không gian ngầm, có quá nhiều cơ quan “hữu quan”. Như vậy, theo tôi trước hết TP nên sáp nhập 3 Sở GTVT, Xây dựng và Quy hoạch - Kiến trúc thành một sở. Tiếp đó là xây dựng đồ án quy hoạch chung về không gian ngầm, công việc này nên chọn nhà thầu tư vấn nước ngoài nếu TP muốn có được một quy hoạch không gian ngầm hiện đại bền vững.
Có quy hoạch rồi mới có định hướng, quy chế quản lý và làm thí điểm xây dựng không gian ngầm xung quanh nhà ga metro Bến Thành trước để rút kinh nghiệm. Những việc này đòi hỏi quyết tâm cao và năng lực quản lý đô thị của lãnh đạo TP.
- Những yếu tố về vốn, công nghệ, con người có phải là quan trọng hàng đầu trong phát triển không gian ngầm ở TPHCM, thưa ông?
- Chúng ta đang ở trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Yếu tố con người, trong đó lãnh đạo vẫn là hàng đầu. Với tình hình phát triển TP hiện nay, vốn không phải là chuyện nhỏ, với những ngổn ngang về metro, chống ngập, chống kẹt xe. Nhưng khi đã có lòng tin người dân thông qua tính minh bạch về quy hoạch, cũng như các chương trình dự án TP ngầm và trách nhiệm cao của lãnh đạo TP, vốn sẽ được huy động từ nguồn xã hội hóa và các nhà đầu tư có tiềm năng.
Về công nghệ, tùy chức năng từng loại công trình ngầm, hiện nay trên thế giới đã phát triển rất nhiều xu hướng đa dạng và thân thiện môi trường, vấn đề là phải có con người quản lý dự án tốt.
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác