Không điều chỉnh quy hoạch thấp hơn nếu ảnh hưởng quy hoạch cao hơn

(ĐTTCO)-Sáng 24-11, với đa số ĐB tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Quy hoạch. Điểm đáng chú ý trong đó là quy định về lập quy hoạch theo phương pháp tích hợp. 
Với 433/455 đại biểu tán thành đạt 88,19%, Quốc hội đã thông qua Luật Quy hoạch
Với 433/455 đại biểu tán thành đạt 88,19%, Quốc hội đã thông qua Luật Quy hoạch

Theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đây là lần đầu tiên khái niệm lập quy hoạch theo phương pháp tích hợp được luật hóa trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn xây dựng, thực hiện quy hoạch ở nước ta.

Mục tiêu là thống nhất, tránh xung đột, tránh mâu thuẫn và phát huy được tối đa các lợi ích, lợi thế của các ngành, các địa phương. Theo đó, quy trình lập quy hoạch cần có sự tham gia của các bộ, ngành liên quan, các địa phương, chuyên gia trong và ngoài nước, được xây dựng từ dưới lên trên theo một nguyên tắc, trình tự nhất định và được gửi cho cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm lập quy hoạch.

Cơ quan này có trách nhiệm tổng hợp và phối hợp đồng bộ các quy hoạch thành phần trong các ngành, lĩnh vực có liên quan đến kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường với mục tiêu phát triển cân đối, hài hòa, hiệu quả và bền vững.

Sau khi các quy hoạch được thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt theo quy định của Luật Quy hoạch theo phương pháp từ trên xuống, đảm bảo mối quan hệ có tính thứ bậc thì các quy hoạch thành phần (trong đó có các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành) sẽ được phê duyệt và triển khai thực hiện theo pháp luật chuyên ngành.

Về vấn đề điều chỉnh quy hoạch, để đảm bảo tính nguyên tắc và kỷ luật trong hệ thống quy hoạch quốc gia, luật đã tiếp thu ý kiến của ĐB theo hướng không cho phép điều chỉnh quy hoạch thấp hơn nếu việc điều chỉnh này ảnh hưởng đến quy hoạch cao hơn.

Cũng liên quan đến căn cứ điều chỉnh quy hoạch, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc quy định các căn cứ để điều chỉnh quy hoạch vừa cần bảo đảm linh hoạt khi xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển vừa phải chặt chẽ để tránh tùy tiện trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện.

Đây chỉ là các căn cứ để điều chỉnh, còn việc điều chỉnh phải tuân thủ các điều kiện và trình tự, thủ tục, thẩm quyền đã quy định của luật. Về cơ bản, cấp có thẩm quyền quyết định và phê duyệt quy hoạch có quyền điều chỉnh quy hoạch thấp hơn trước mà không cần phải chờ điều chỉnh quy hoạch cao hơn khi phát sinh các điều kiện trên thực tế, bảo đảm nguyên tắc không làm ảnh hưởng đến quy hoạch cấp cao hơn.

Trình tự, thủ tục điều chỉnh, công bố và cung cấp thông tin điều chỉnh quy hoạch được thực hiện như đối với việc lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố và cung cấp thông tin quy hoạch.

Các tin khác