Khó “nắn” dòng vốn FDI chảy đúng luồng

Dòng vốn FDI sẽ tự động chảy vào chỗ sinh lời, muốn nắn dòng chảy này, cần có cơ chế, chính sách thu hút… phù hợp

Dòng vốn FDI sẽ tự động chảy vào chỗ sinh lời, muốn nắn dòng chảy này, cần có cơ chế, chính sách thu hút… phù hợp

Ảnh minh họa 
 Ảnh minh họa

Năm 2012, Việt Nam đặt mục tiêu chuyển hướng mạnh mẽ trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), lấy tiêu chí chất lượng - hiệu quả làm mục tiêu hàng đầu và chấm dứt thời kỳ thu hút vốn FDI bằng mọi giá. Tuy nhiên, thực tế diễn ra chưa mấy suôn sẻ.

Sụt giảm

Vừa bước sang năm 2012,  vốn FDI vào Việt Nam đã bất ngờ sụt giảm mạnh, chỉ đạt 29,5 triệu USD vốn đăng ký mới ở 25 dự án. Nếu tính cả 7,8 triệu USD vốn tăng thêm thì tháng 1 chỉ thu hút được 37,3 triệu USD, bằng gần 3% so với cùng kỳ năm 2011.

Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng con số này không phản ánh đúng thực chất thu hút FDI trong tháng 1 cũng như không phản ánh đúng xu hướng của cả năm 2012 vì thời gian nghỉ Tết kéo dài ảnh hưởng đến số lượng cấp giấy chứng nhận (GCN) đầu tư dự án mới trong tháng.

Bên cạnh đó, có không ít dự án đã hoàn tất thủ tục cấp GCN đầu tư nhưng chủ đầu tư đề nghị lùi thời gian trao GCN để rơi vào đúng thời điểm năm rồng lấy may, đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc…

Đánh giá con số trên, ông Phan Hữu Thắng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đầu tư nước ngoài, cho rằng sự sụt giảm tuy chưa đủ cơ sở để phản ánh xu thế suy giảm của dòng vốn FDI vào Việt Nam nhưng cũng là sự cảnh báo về tính cấp bách của các giải pháp cần thiết cho hoạt động thu hút FDI.

Theo ông Phan Hữu Thắng, Việt Nam hiện đang ở trong giai đoạn suy giảm vốn FDI thứ 2. Giai đoạn này bắt đầu từ năm 2009 và vấn đề đặt ra là cần phải làm gì để rút ngắn thời gian suy giảm, hướng đến một thời kỳ phát triển mới.

Một trong những vấn đề tồn tại của Việt Nam là thu hút vốn FDI nhiều nhưng tốc độ giải ngân chậm. Lượng vốn đăng ký nhưng chưa giải ngân hiện đã lên tới 108 tỷ USD, kéo theo 13.000 dự án chậm tiến độ gây lãng phí đất đai, phá vỡ quy hoạch và nhiều ảnh hưởng xã hội khác.

Lỗi không do nhà đầu tư

Trong bối cảnh vốn ODA giảm, vai trò của vốn FDI càng trở nên cần thiết đối với một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam và lượng vốn này chiếm khoảng 28% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Cuối năm 2011, chủ tịch tập đoàn nổi tiếng Las Vegas Sands của Mỹ đã loan báo muốn rót khoảng 6 tỷ USD đầu tư khu nghỉ dưỡng phức hợp tại TPHCM và Hà Nội. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất trước dự án này là Việt Nam chưa chính thức cho phép mở casino, còn Las Vegas Sands lại nhất quyết không bỏ hạng mục đầu tư sòng bài vì đây là nguồn lợi nhuận quan trọng của cả dự án.

Las Vegas Sands muốn thuyết phục Việt Nam từ những giá trị họ đã mang đến cho những quốc gia mà họ đã đầu tư, từ con số lợi nhuận đến sự tăng trưởng đáng mơ ước của khách du lịch nhưng Chính phủ vẫn chưa có quyết định chấp thuận dự án này.

Tỉnh Quảng Ninh cũng đã mời gọi đầu tư vào Khu Kinh tế Vân Đồn với tổng kinh phí khoảng 4 tỷ USD, trong đó có khu liên hợp du lịch, vui chơi giải trí và sòng bài. Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho biết danh sách dự án nhạy cảm này đã được lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan trước khi công bố, sau đó sẽ xin Chính phủ cho cơ chế đặc thù để triển khai gọi vốn đầu tư.

Như vậy, có thể thấy rằng đứng đầu danh sách dự án đầu tư vốn “khủng” nếu không thuộc lĩnh vực bất động sản, dịch vụ lưu trú, phi sản xuất như thời kỳ trước đây thì cũng khó có thể rơi vào lĩnh vực Việt Nam muốn hướng vào như nông nghiệp, chế biến công nghiệp và ngành công nghệ cao.

Theo ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, tỉ trọng vốn FDI vào bất động sản quá lớn không phải lỗi do nhà đầu tư. Các địa phương lên danh sách các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư nhưng vốn có chảy vào đó hay không còn phụ thuộc vào sự hấp dẫn, lợi nhuận của lĩnh vực đó, đặc biệt là đầu tư vào công nghệ hỗ trợ, công nghiệp chế biến từ thị trường Việt Nam. Dòng vốn sẽ tự động chảy vào chỗ sinh lời, muốn nắn dòng, cần có cơ chế, chính sách phù hợp…

Các tin khác