Khó khăn xuất khẩu, áp lực tăng giá

Hôm qua 6-2, tại buổi họp báo về hoạt động tháng 1, đại diện Bộ Công thương cho biết, sản xuất, xuất khẩu một số mặt hàng trọng yếu đang gặp những khó khăn nhất định, trong khi đó, một số mặt hàng quan trọng như gas, xăng dầu đang gặp phải áp lực tăng giá.

Hôm qua 6-2, tại buổi họp báo về hoạt động tháng 1, đại diện Bộ Công thương cho biết, sản xuất, xuất khẩu một số mặt hàng trọng yếu đang gặp những khó khăn nhất định, trong khi đó, một số mặt hàng quan trọng như gas, xăng dầu đang gặp phải áp lực tăng giá.

Sản xuất gặp khó

Theo Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu tháng 1 ước đạt 6,5 tỷ USD, giảm 11% so với cùng kỳ. Nguyên nhân của việc giảm tốc độ là do tháng 1 rơi vào thời điểm Tết Nhâm Thìn nên lượng xuất khẩu của đa số các mặt hàng giảm mạnh như: cà phê giảm gần 40%, gạo giảm trên 53%...

Dệt may – ngành xuất khẩu có kim ngạch lớn nhất của Việt Nam năm vừa qua (15,6 tỷ USD) cũng đang gặp nhiều do khăn. Sản xuất nguyên liệu vải gần đây có xu hướng giảm dần do ảnh hưởng của việc đơn hàng xuất khẩu giảm và tiêu dùng trong nước giảm.

Hiện theo Bộ Công thương chỉ có khoảng 10% doanh nghiệp lớn có đơn hàng đến quý III và IV, trong khi cùng kỳ năm trước thì hầu hết các doanh nghiệp dệt may đã kín đơn hàng đến quý II. Vì vậy, vải dệt từ sợi tổng hợp hoặc sợi nhân tạo trong tháng 1 giảm 22% so với cùng kỳ, quần áo may sẵn cho người lớn phục vụ nhu cầu xuất khẩu cũng giảm khoảng 11%.

Bên cạnh đó, những nhân tố ảnh hưởng đến sản xuất trong tháng 1 cũng do giá nhân công và chi phí đầu vào tăng do không chủ động được nguồn nguyên liệu; xuất khẩu chịu tác động mạnh từ các chính sách tài chính của châu Âu và tiết kiệm tiêu dùng của Nhật Bản.

Với ngành cơ khí, điện, điện tử, dù là tháng tiêu thụ nóng nhưng thị trường tiêu thụ vẫn ảm đạm. Việc tăng phí trước bạ, phí cấp biển số xe tại Hà Nội, TPHCM từ 1-1 và đề nghị áp dụng phí lưu hành phương tiện cá nhân và phí ô tô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm với mức cao đã làm giảm nhu cầu của người dân.

Thị trường điện máy cũng trầm lắng và kém sôi động dù khuyến mại tăng. Vì vậy, việc sản xuất, lắp ráp ô tô giảm 17,5%; điều hòa nhiệt độ giảm gần 79%...

Hóc búa bài toán kiểm soát giá năng lượng

Kể từ đầu tháng 2, giá gas bán lẻ trong nước tăng thêm khoảng 40.000 đồng/bình 12kg, nâng giá mỗi bình gas đến tay người tiêu dùng lên mức 425.000 - 470.000 đồng/bình. Như vậy là chỉ trong vòng 1 tháng đầu năm, giá gas đã tăng hơn 70.000 đồng/bình.

Theo ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), trước biến động mạnh của giá gas, Bộ Công thương đang phối hợp Bộ Tài chính nỗ lực kiểm soát tình hình.

Bộ Tài chính đã thành lập đoàn kiểm tra việc tăng giá có hợp lý hay không và cũng đã yêu cầu các địa phương thực hiện việc kiểm tra, còn Bộ Công thương đang kiểm tra, kiểm soát việc sang, chiết gas cũng như chống đầu cơ tăng giá bất hợp lý mặt hàng này.

Với giá xăng dầu, ông Quyền cũng thừa nhận, giá mặt hàng này thời gian gần đây biến động thất thường theo chiều hướng tăng và xu hướng chưa rõ ràng. Trong khi đó, mặt hàng này đang điều hành theo giá thị trường nên cần phải tiếp tục theo dõi. Nếu tăng giá quá mức thì quản lý thị trường và các cơ quan khác có trách nhiệm sẽ phối hợp xử lý. 

Cũng liên quan đến chất lượng xăng dầu, ông Quyền cho biết quan điểm của bộ này là cần xử lý nghiêm các cây xăng gian lận và chuyển sang hình sự các cây xăng vi phạm. Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam cũng đã đề nghị cơ quan công an khởi tố vụ án gian lận xăng dầu để xử lý các tổ chức, cá nhân liên quan vi phạm.

Các tin khác