Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát

Khó khăn lớn nhất là thị trường

Hôm qua 12-6, kỳ họp thứ 5 của Quốc hội bước vào chương trình chất vấn với phần đăng đàn đầu tiên của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát. Trước đó, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã báo cáo Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết 40 của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp trước.

Hôm qua 12-6, kỳ họp thứ 5 của Quốc hội bước vào chương trình chất vấn với phần đăng đàn đầu tiên của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát. Trước đó, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã báo cáo Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết 40 của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp trước.

Về nhiệm vụ của ngành công thương trong tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, giải quyết hàng tồn kho, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết đến nay tồn kho của một số loại hàng đã giảm so với tháng 12-2012, như sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy, sản phẩm chế biến chế tạo, xe có động cơ... Tuy nhiên, sức mua của thị trường còn yếu, một số mặt hàng tồn kho lại tăng (các thiết bị truyền thông tăng 90%;

 sản xuất dây, cáp điện và dây dẫn điện tử khác tăng 76,2%; sản xuất  sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học tăng 46,8%...). Về giải quyết tình trạng đóng băng của thị trường bất động sản, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai một số giải pháp, như ban hành gói cho vay hỗ trợ nhà ở; nghiên cứu phương án sửa đổi chính sách theo hướng mở rộng đối tượng và điều kiện mua nhà ở đối với người Việt Nam ở nước ngoài, tổ chức và cá nhân nước ngoài tại Việt Nam; đang hoàn tất thủ tục để ban hành nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Các địa phương đang rà soát các dự án phát triển nhà ở để cho phép tiếp tục triển khai đối với các dự án có hiệu quả; điều chỉnh quy hoạch các dự án cho phù hợp với nhu cầu của xã hội.

Về thực hiện chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng, theo Phó Thủ tướng, so với cuối năm 2012, mặt bằng lãi suất đã giảm 3-4%/năm. Dư nợ tín dụng tăng trở lại qua các tháng, tính đến ngày 31-5 dư nợ tín dụng tăng 2,98% so với cuối năm 2012, cao hơn so với mức tăng cùng kỳ năm 2012 (5 tháng đầu năm 2012 tăng 0,56%).

Tiếp tục tập trung tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, sản xuất hàng xuất khẩu, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Liên quan đến tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết đến nay cơ quan quản lý đã cơ bản kiểm soát được tình hình tại 9 ngân hàng yếu kém.

Sau khi thực hiện tích cực các giải pháp, nợ xấu theo giám sát của Ngân hàng Nhà nước đến cuối 2012 là 7,8%. Tuy nhiên con số này vẫn cao hơn mức báo cáo các tổ chức tín dụng (4,67%). Việc quản lý thị trường vàng được Chính phủ đánh giá là "phát huy hiệu quả rõ rệt, cơ bản đạt được các mục tiêu đề ra". Đến cuối tháng 5, số dư huy động vàng của tổ chức tín dụng giảm 75%.

"Hiện nay, dù chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới còn cao nhưng thị trường ổn định hơn. Về trung và dài hạn, với khuôn khổ pháp lý mới và sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới sẽ thu hẹp dần" - Phó Thủ tướng cho biết.

Đánh giá về những kết quả này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng trong thời gian 6 tháng, việc hoàn thành cơ bản các mục tiêu đề ra là rất "quan trọng", "đáng hoan nghênh". Tuy vậy, nếu tập trung, quyết liệt hơn trong quá trình triển khai các kết quả đạt được sẽ tốt hơn, nhanh hơn.

Chất vấn Bộ trưởng Cao Đức Phát, vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm là tình hình sản xuất nông nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, nông dân bị lỗ kép do doanh thu giảm, trong khi nhiều chi phí tăng lên. ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) đặt vấn đề: “Liệu có cần một gói giải pháp cụ thể hỗ trợ cho người sản xuất nông nghiệp cả về vốn và lãi suất hay không?”.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết giải pháp đột phá chính là phải tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Hiện Bộ NN-PTNT đã xây dựng đề án và được Thủ tướng phê duyệt, sắp tới sẽ tập trung triển khai theo hướng nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới: “Khó khăn lớn nhất của ngành nông nghiệp hiện nay là thị trường, lúa đang chín đầy đồng từ Nam tới Bắc, tôm cá lợn gà cũng nhiều nhưng khó tiêu thụ nên giá thấp, thu nhập của nông dân bị ảnh hưởng.

Chính phủ đã có chủ trương mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo, giúp giá lúa tăng thêm 100-200 đồng/kg. Chính phủ cũng chỉ đạo ngành ngân hàng tăng tín dụng cho nông dân để họ không phải bán vội lúa, chỉ đạo các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu để tiêu thụ các loại nông sản... Nhưng đây chỉ là giải pháp trước mắt, còn lâu dài phải tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp”.

Chia sẻ với Bộ trưởng Cao Đức Phát, nhưng ĐB Trần Hoàng Ngân nhận xét các giải pháp mà bộ trưởng đưa ra còn “hiền” quá. Với một số ngành khác khi gặp khó khăn luôn đề nghị hỗ trợ, trong khi ngành nông nghiệp hiện đang rất khó khăn nhưng giải pháp đưa ra chưa tạo được sự đột phá.

Minh chứng cho vấn đề này, nhiều ĐBQH cho rằng với chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo hiện nay, người nông dân không đạt được mức lợi nhuận tối thiểu 30% như chủ trương của Chính phủ. ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) chất vấn: “Chính phủ hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp mua tạm trữ tới 700 tỷ đồng, vậy người nông dân được lợi gì?”. Trong khi đó, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng ngành nông nghiệp đã có nhiều giải pháp tăng năng suất nhưng chất lượng nông sản vẫn rất thấp.

Vì thế, người nông dân luôn rơi vào cảnh “được mùa, rớt giá”, cố gắng mãi cũng không thoát nghèo. Chia sẻ trăn trở của ĐBQH, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết chủ trương mua tạm trữ chỉ nhằm hỗ trợ thị trường chứ không bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Ngành ngân hàng cho doanh nghiệp vay khoảng 7.000 tỷ đồng mua gạo tạm trữ, hỗ trợ lãi suất trong 3 tháng thì mức hỗ trợ này chỉ khoảng 200 tỷ đồng.

Còn với nông dân, nhờ có chủ trương tạm trữ, giá lúa nhích lên 100-150 đồng/kg, 1 triệu tấn gạo được lợi khoảng 100-150 tỷ đồng. Tuy nhiên, cũng theo số liệu của Bộ trưởng, với mức giá thành hiện nay giá lúa tại ruộng phải đạt ít nhất 5.400 đồng/kg nông dân mới lãi 30%. Trong khi đó, giá lúa hiện nay đang ở mức 4.450-4.875 đồng/kg. “Như vậy, bà con vẫn chưa được lãi như mong đợi” - Bộ trưởng nói.

Các tin khác