Khai thác tiềm năng đất "vàng" Tây Nguyên

Tây Nguyên - vùng đất gồm 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng - là giao điểm của hai khu vực kinh tế trọng điểm gồm khu vực kinh tế phía Nam và khu vực kinh tế ven biển miền Trung. Với diện tích tự nhiên trên 5,46 triệu ha, chiếm 16,8% diện tích cả nước, dân số trên 5,3 triệu người, Tây Nguyên có vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước.

Tây Nguyên - vùng đất gồm 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng - là giao điểm của hai khu vực kinh tế trọng điểm gồm khu vực kinh tế phía Nam và khu vực kinh tế ven biển miền Trung. Với diện tích tự nhiên trên 5,46 triệu ha, chiếm 16,8% diện tích cả nước, dân số trên 5,3 triệu người, Tây Nguyên có vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước.

 

Tây Nguyên cũng là vùng có tiềm năng rất lớn trong phát triển nông, lâm, thủy sản, thủy điện, khai khoáng và du lịch. Nhưng đến nay về cơ bản, Tây Nguyên vẫn chưa tận dụng và phát huy được hết các thế mạnh của mình. Khu vực này chỉ đóng góp 4,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả nước - mức thấp nhất nếu so sánh với các vùng khác trên toàn quốc.

 Mức GDP bình quân trên đầu người của Tây Nguyên cũng thấp hơn mức trung bình toàn quốc. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Tây Nguyên cũng ở mức thấp nhất toàn quốc do những khó khăn về vị trí địa lý và cơ sở hạ tầng chậm phát triển. Việc chưa thu hút nhiều vốn FDI đã ảnh hưởng đáng kể đến tốc độ phát triển kinh tế của khu vực.

 Nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách mang tính đặc thù, nhằm khai thác tiềm năng sẵn có của vùng Tây Nguyên, từng bước cải thiện môi trường đầu tư, khơi dậy tiềm năng phát triển kinh tế xã hội của vùng đất “vàng.”

Tài nguyên thiên nhiên phong phú

 Tây Nguyên sở hữu một mạng lưới sông suối, hồ nước dày đặc, nhiều ghềnh thác nên có tiềm năng thủy điện rất lớn. Riêng đối với tỉnh Gia Lai, ông Nguyễn Nam Hải, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai cho biết với các hệ thống sông Ba, sông Sê San (một trong ba con sông có tiềm năng thủy điện rất lớn của Việt Nam, chiếm 11,3% tổng số tiềm năng thủy điện của toàn quốc) và phụ lưu hệ thống sông Sêrêpok, cùng nhiều sông suối có đặc điểm ngắn và dốc, ngành thủy điện có rất nhiều tiềm năng.

Khảo sát của Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cho thấy, tỉnh Gia Lai có hàng trăm vị trí có thể xây dựng các công trình thủy điện vừa và nhỏ.

Ngoài ra, vùng Tây Nguyên còn có nguồn tài nguyên rừng phong phú, độ che phủ đạt 51,34%, hệ động thực vật đa dạng với nhiều loài quý hiếm. Đây là điều kiện rất tốt để phát triển nghề rừng và công nghiệp rừng như ngành công nghiệp chế biến gỗ, bột giấy, trồng các loại cây công nghiệp...

 Bên cạnh tài nguyên rừng, Tây Nguyên còn có lợi thế lớn về đất, trong đó nổi bật là đất đỏ bazan với khoảng 2 triệu ha, được xếp vào loại đất tốt nhất trên thế giới. Ngoài ra, khu vực này còn có hàng chục vạn ha đất đen, đất phù sa thích hợp với nhiều loại cây trồng, thuận lợi để phát triển một nền nông nghiệp đa dạng, với nhiều sản phẩm chủ lực như càphê, cao su, hồ tiêu, điều, ngô lai, bông vải, chè, rau, hoa xuất khẩu...

 Tài nguyên khoáng sản ở Tây Nguyên cũng khá đa dạng. Một số loại đã được điều tra có trữ lượng lớn như than bùn, than nâu, sét cao lanh, puzơlan và bauxite. Nhóm khoáng sản kim loại có giá trị như sắt, wonfram, antimon, chì, kẽm, vàng; nhóm đá quý như saphia, xircon, corindon, thạch anh hồng và thạch anh tinh thể... khá nhiều và phân bố đều ở các tỉnh.

 Tây Nguyên còn là vùng đất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Vùng đất là khu vực tập trung 45 dân tộc thiểu số sinh sống nên nổi tiếng với tiềm năng du lịch văn hóa dân tộc phong phú, với các di tích lịch sử văn hóa nghệ thuật có giá trị, các sinh hoạt văn hóa dân tộc đặc sắc của các dân tộc Tây Nguyên như Ba Na, Gia Rai, Ê Đê, Cơ Ho, Chu Ru...

Vùng đất này còn lưu giữ nhiều pho sử thi truyền miệng, các loại nhạc cụ dân tộc, các lễ hội độc đáo đậm nguyên chất dân gian. Đặc biệt, “Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên” đã được Ủy ban Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là kiệt tác di sản truyền khẩu phi vật thể của nhân loại.

 Về du lịch sinh thái, Tây Nguyên cũng là nơi dồi dào tiềm năng với hệ thống hồ, thác và khu hệ động, thực vật phong phú được nhiều người biết đến như Biển Hồ (Gia Lai), Vườn Quốc gia Yok Don, Chư Yang Sin (Đắk Lắk), Chư Mom Ray (Kon Tum)... Nhiều tiểu vùng có khí hậu ôn hòa mát mẻ, thích hợp với loại hình du lịch nghỉ dưỡng, điển hình là thành phố du lịch Đà Lạt (Lâm Đồng).

 Triển vọng phát triển

 Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW “về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên thời kỳ 2001-2010,” kinh tế Tây Nguyên đã đạt được những thành tựu rất cơ bản và to lớn trên nhiều lĩnh vực.

Đã có nhiều chủ trương, chính sách mang tính đặc thù nhằm tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh trên của Tây Nguyên để phát triển kinh tế-xã hội, trong đó chú trọng yếu tố phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, tạo điều kiện thúc đẩy các thành phần kinh tế phát triển, chăm lo phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhờ vậy, đến nay tăng trưởng GDP bình quân hàng năm của Tây Nguyên đã đạt 12%; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 15,5 triệu đồng (năm 2010) lên tới 26,9 triệu đồng (năm 2012), tương đương 1.287 USD. Kinh tế Tây Nguyên cũng đã chuyển dịch đúng hướng, phát triển theo hướng đa dạng hóa, nâng dần tỷ trọng của ngành công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông-lâm nghiệp.

 Sản xuất nông, lâm nghiệp ở Tây Nguyên đã phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, khai thác lợi thế về đất đai, hình thành những vùng sản xuất tập trung, chuyên canh cây công nghiệp, ứng dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật về giống, từ đó, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn và có lợi thế cạnh tranh trong tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, như cà phê, cao su, hồ tiêu, điều, ngô lai, bông vải, chè, rau, hoa quả xuất khẩu.

 Sản xuất công nghiệp ở Tây Nguyên liên tục tăng trưởng và ngày càng được chú trọng phát triển, chuyển dịch dần vào khai thác các thế mạnh trong vùng về thủy điện, khai khoáng và chế biến nông sản, sản xuất hàng tiêu dùng. Đáng chú ý là sự phát triển của hệ thống nhà máy chế biến nguyên liệu như hạt điều, tinh bột sắn, càphê, cao su, bông xơ, gỗ ván.

 Theo ông Trần Đức Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế-Xã hội, Ban chỉ đạo Tây Nguyên, trong những năm gần đây, huy động vốn đầu tư toàn xã hội cho vùng Tây Nguyên liên tục tăng. Đặc biệt, cơ cấu đầu tư được điều chỉnh hợp lý, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển các dự án giao thông, thủy điện, thủy lợi, bưu chính viễn thông, cải thiện kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn...

Đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đã có những chủ trương, chính sách mang tính đột phá, nhằm tập trung giải quyết vấn đề đất ở, đất sản xuất, giao đất giao rừng, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, bảo tồn văn hóa truyền thống, phát triển giáo dục, y tế. Nhiều buôn làng dân tộc thiểu số từ nghèo đói đã vươn lên khá, từng bước thoát ra khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu.

Hướng mở cho vùng đất “vàng”

Ông Trần Đức Thanh cho rằng hướng mở của vùng Tây Nguyên hiện nay là rất lớn, với nhiều triển vọng tốt đẹp. Tuy nhiên, vẫn còn một yếu tố hết sức quan trọng phải tập trung thúc đẩy là vấn đề thu hút đầu tư. Tây Nguyên không thể phát triển nhanh nếu chỉ dựa vào ngân sách nhà nước và nguồn nội lực hạn chế mà không chăm lo thu hút đầu tư từ bên ngoài.

Vì vậy, bên cạnh việc coi trọng phát huy nội lực, tăng cường huy động vốn dân cư và các thành phần kinh tế, các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Chính phủ, đổi mới cơ chế, chính sách nhằm tập trung cải thiện môi trường đầu tư, thu hút nguồn lực cả trong và ngoài nước hướng vào các lĩnh vực then chốt phù hợp với tiềm năng, lợi thế đã được xác định.

 Cũng theo ông Thanh, để có nguồn lực giải quyết những vấn đề trên, về mặt quan điểm, phải xác định thu hút đầu tư trong và ngoài nước là động lực của sự phát triển, xem vai trò của các bộ, ngành và chính quyền địa phương là nòng cốt. Cùng đó, phải đồng hành với các nhà đầu tư để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư và địa phương, thật sự xem các nhà đầu tư, các doanh nhân là lực lượng chủ lực tham gia phát triển kinh tế-xã hội của Tây Nguyên.

 Các tỉnh Tây Nguyễn cũng cần nâng cao năng lực tổ chức, cải cách hành chính, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, xây dựng năng lực phục vụ của bộ máy công quyền, nhất là năng lực thu hút và tổ chức thực hiện các dự án. Bên cạnh đó, cần nhanh chóng cải thiện nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế-xã hội...

Về quan điểm quy hoạch, định hướng phát triển theo Quyết định số 936/QĐ-TTg, ngày 18/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ, Tây Nguyên sẽ tiếp tục khai thác và phát huy có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của vùng. Cùng với đó, Tây Nguyên đẩy mạnh hội nhập quốc tế, nhất là trong Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia.

 Trong mối quan hệ nội vùng và Tây Nguyên với cả nước, Tây Nguyên sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác giữa các tỉnh trong vùng với tất cả các tỉnh trên toàn quốc, nhằm huy động, sử dụng tốt mọi nguồn lực để phát triển nhanh, bền vững, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế-xã hội.

 Tây Nguyên cũng sẽ thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển hợp lý cả chiều rộng và chiều sâu, nhằm xây dựng nền kinh tế có sức cạnh tranh cao, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên. Phát triển kinh tế-xã hội sẽ phải gắn với từng bước thực hiện đô thị hóa và hiện đại hóa mạng lưới kết cấu hạ tầng trên địa bàn.

 Phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên phải phù hợp với sự phân bố và trình độ phát triển lực lượng sản xuất, bảo đảm phát triển cân đối, hài hòa giữa các khu vực, gắn với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước phát triển; tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động; xóa đói giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe nhân dân và ổn định xã hội; quan tâm phát triển nguồn nhân lực; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc.

Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với xây dựng và củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh; tăng cường đoàn kết giữa các dân tộc, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Để Tây Nguyên vững bước trên con đường phát triển mới, cùng nội lực của chính mình, Chính phủ, các bộ, ban ngành cần quan tâm hơn nữa đối với việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế- xã hội cho vùng. Đặc biệt là nâng cấp các trục đường huyết mạch, đảm bảo thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa, thu hút đầu tư.

Cùng đó, Chính phủ, các bộ, ngành sớm ban hành cơ chế chính sách khuyến khích đặc thù thu hút đầu tư cho Tây Nguyên nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của vùng, thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư để phát triển nhanh, bền vững.

Đối với việc thu hút vốn đầu tư cho Tây Nguyên, cần định kỳ hai năm một lần tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư cấp vùng tại các tỉnh Tây Nguyên để vừa tăng cường liên kết vùng giữa các địa phương, vừa giúp cho các địa phương xây dựng hình ảnh môi trường đầu tư, đánh giá lại việc triển khai các dự án và đảm bảo hiệu quả xúc tiến đầu tư.

Các tin khác