Khai phóng nguồn lực phát triển

Thực tế, những tín hiệu năm cũ cũng mở ra triển vọng năm mới sáng sủa hơn: Kinh tế vĩ mô ổn định tốt hơn, tăng trưởng cao hơn (gần đạt kế hoạch) và lạm phát thấp hơn năm 2012. Định hướng chung năm 2014 là phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn (5,8%), bảo đảm an sinh xã hội và đời sống Nhân dân; tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững thời gian tới.

Tết đến thật gần, biểu hiện rõ nét trên từng con đường, góc phố. Ai cũng gác lại những lo  toan thường nhật, dành thời gian chăm chút gia đình, mua sắm sửa sang nhà cửa để chuẩn bị đón một năm mới với kỳ vọng đủ đầy, cuộc mưu sinh bớt gian truân hơn năm cũ.

Thực tế, những tín hiệu năm cũ cũng mở ra triển vọng năm mới sáng sủa hơn: Kinh tế vĩ mô ổn định tốt hơn, tăng trưởng cao hơn (gần đạt kế hoạch) và lạm phát thấp hơn năm 2012. Định hướng chung năm 2014 là phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn (5,8%), bảo đảm an sinh xã hội và đời sống Nhân dân; tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững thời gian tới.

Xác định chỉ tiêu tăng trưởng tiệm tiến, là phù hợp với thể trạng nền kinh tế. Nghị quyết của Quốc hội đề ra mục tiêu 2 năm 2014-2015 là phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 6%, CPI 7%/năm, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 31-32%...

Chính phủ cũng đã đề ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội năm 2014: Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tăng trưởng hợp lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế trên cơ sở đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu kinh tế.

Đây là những vấn đề không... mới. Và thực tế, việc chậm chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng và hiệu quả đã làm trì hãm nền kinh tế nước ta thời gian dài vừa qua. Đến nay so với các nước, ta vẫn thiên về tăng trưởng bằng vốn và tài nguyên, còn đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) rất thấp.

Ở Hàn Quốc, con số này là 51,32%; Malaysia 36,18%; Thái Lan 35,19%; còn ở Việt Nam TFP chỉ chiếm 19,59%. Chính vì vậy, nếu tăng tốc đưa vốn vào nền kinh tế để “làm đẹp” chỉ tiêu tăng trưởng thì sẽ kích hoạt bùng phát lạm phát, gây mất cân đối vĩ mô; còn đưa lãi suất lên cao, siết chặt đầu tư để khống chế lạm phát thì nền kinh tế diễn ra lình bình, dưới tiềm năng như thời gian qua.

Trước thềm năm mới, giới quan sát trong nước và quốc tế tỏ ra sốt ruột về hiệu quả cải cách ở Việt Nam, cho rằng quá trình tái cơ cấu kinh tế diễn ra khá chậm và đây cũng là yếu tố gây cản trở cho việc thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững của Việt Nam thời gian tới.

Chính vì vậy, thông điệp của Thủ tướng Chính phủ phát đi trong ngày đầu năm 2014 nhanh chóng được giới chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp chia sẻ, đồng cảm và kỳ vọng năm 2014 sẽ là năm đột phá trong hành động, tạo bước ngoặt nền kinh tế chuyển từ trạng thái trì trệ sang xu thế năng động, đi lên.

Điểm cốt lõi đặt ra trong thông điệp của Thủ tướng là đổi mới thể chế; đổi mới thể chế trên nền tảng phát huy dân chủ, gắn với Nhà nước pháp quyền: Pháp luật và cơ chế chính sách phải tạo thuận lợi nhất cho mọi người dân và doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.

Cơ quan nhà nước và cán bộ công quyền chỉ được làm những gì pháp luật cho phép! Đây là tiền đề để sự vận hành của bộ máy nhà nước có những thay đổi lớn và phải thay đổi theo hướng “Nhà nước kiến tạo phát triển”. Có thể nói làm tốt vấn đề này sẽ khai phóng mạnh mẽ các nguồn lực phát triển, vực dậy niềm tin xã hội, kích hoạt làn sóng đầu tư kinh doanh.

2014 cũng là năm đầu tiên triển khai Hiến pháp mới vào cuộc sống. Tại Hội nghị công tác pháp chế, triển khai thi hành Hiến pháp mới đây, Chính phủ nêu rõ quan điểm: Năm 2014 phải tạo được bước đột phá mới trong xây dựng thể chế để huy động tối đa nguồn lực trong và ngoài nước thúc đẩy đầu tư kinh doanh, phục hồi đà tăng trưởng kinh tế.

Trọng tâm là rà soát, sửa đổi, bổ sung hàng trăm luật, pháp lệnh và các văn bản pháp luật phù hợp Hiến pháp mới; trong đó có việc tổ chức bộ máy công quyền thực thi nhiệm vụ bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân, quyền kinh doanh của doanh nghiệp... Điều này cũng sẽ tạo khí thế mới, động lực mới, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư ở nước ta theo hướng tích cực.

Cùng với việc tái cơ cấu nền kinh tế, cải cách doanh nghiệp nhà nước, năm 2014 Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp - hai đạo luật có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân (trong nước và nước ngoài) sẽ được sửa đổi.

Chúng ta kỳ vọng sức mạnh đột phá mà Luật Doanh nghiệp (năm 2000) và Luật Đầu tư (2005) một lần nữa sẽ lan tỏa, phát tác hiệu ứng tích cực, thổi luồng sinh khí mới vào nền kinh tế, khơi dậy tinh thần kinh doanh sáng tạo của doanh nhân, của người dân. Với bầu khí mới về cải cách thể chế, việc sửa đổi hai luật này phải kiến tạo môi trường kinh doanh tốt hơn; thiết lập cơ chế khuyến khích, bảo hộ đầu tư để người dân an tâm làm ăn; đơn giản hóa thủ tục gia nhập thị trường, gỡ bỏ các rào cản trong kinh doanh...

Nếu làm tốt vấn đề này, triệt để xử lý các vướng mắc cũ, nước ta sẽ khai phóng nguồn lực mới cho yêu cầu phát triển, sẽ mở ra một chương mới trong việc thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân tham gia tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế.

Kỳ vọng về những chuyển biến tích cực trong năm mới để kinh tế-xã hội lấy đà đi lên là mong ước của cả cộng đồng doanh nghiệp và người dân trước thềm Xuân mới. Chào Tết Giáp Ngọ 2014, với hàng loạt các chuyển động tầm vĩ mô, chúng ta hy vọng sẽ có bước đột phá mới để nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn, bền vững hơn, an sinh hạnh phúc đến với mọi nhà.

Các tin khác