Kỳ họp lần thứ 12 HĐND TPHCM khóa IX

Khắc phục tồn tại, tránh nảy sinh “điểm nóng” về đất đai

(ĐTTCO)-Ngày 4-12, kỳ họp lần thứ 12 HĐND TPHCM khóa IX khai mạc. Khi thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội và các tờ trình của UBND TP, các đại biểu (ĐB) đề nghị chính quyền TPHCM có giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhất là trong lĩnh vực đất đai. Việc này nhằm hạn chế xảy ra các “điểm nóng” về khiếu nại, khiếu kiện của người dân; đồng thời tạo thuận lợi, thu hút vốn đầu tư phát triển TP.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cùng các đại biểu HĐNDTP Ảnh: VIỆT DŨNG
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cùng các đại biểu HĐNDTP Ảnh: VIỆT DŨNG
Giải tỏa bức xúc về bồi thường, thu hồi đất
ĐB Nguyễn Hoàng Minh (quận Tân Phú) nhận xét, một trong những hạn chế hiện nay của TPHCM là lĩnh vực đất đai, gây ảnh hưởng rất lớn đến việc thu hút vốn đầu tư vào TP. ĐB Minh đề nghị UBND TP nhanh chóng đưa ra giải pháp quyết liệt giải quyết các khiếu nại, khiếu kiện, kiến nghị của cử tri liên quan đến đất đai.
Trong khi đó, ĐB Trần Hoàng Danh (quận 4) cho rằng, UBND TP cần có sự hỗ trợ thiết thực hơn cho các quận - huyện để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tái định cư, giao đất xây dựng các công trình; từ đó cũng tránh để xảy ra các vụ việc phức tạp, nảy sinh các “điểm nóng”.
Liên quan đến vấn đề này, ĐB Lê Minh Đức, Phó Ban Pháp chế HĐND TP, cho rằng, người dân đặc biệt quan tâm đến giá bồi thường, hỗ trợ và giải quyết tái định cư. Trong việc tái định cư, TPHCM có chủ trương các khu dân cư phải đảm bảo quy chuẩn, như nền tái định cư phải từ 100 - 200m2/nền.
Điều này là rất khó cho người dân vì có những nhà dân bị giải tỏa chỉ có vài chục mét vuông, dẫn tới người dân không có tiền để mua nền tái định cư. ĐB Lê Minh Đức đề nghị Sở TN-MT, Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng TPHCM cần có giải pháp tháo gỡ đối với vấn đề này.
Tại buổi thảo luận tổ, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến nhìn nhận, đã nhiều năm, bồi thường giải phóng mặt bằng luôn là nỗi trăn trở, bức xúc của người dân và thậm chí là sự... sợ hãi của một số cán bộ khi không đủ bản lĩnh, không đủ kiên trì đeo bám giải quyết.
Về vấn đề này, UBND TP đã xây dựng một chuyên đề và đã được Ban Thường vụ Thành ủy thông qua. Nếu áp dụng quy trình này thì có thể rút ngắn khoảng 1/3 thời gian triển khai công tác đền bù giải tỏa. Mặt khác, UBND TP cũng đang nghiên cứu cho phép người dân trong khu quy hoạch (đang chờ triển khai dự án) được chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt. Trên cơ sở đó, người dân có đất thuộc vùng quy hoạch được xây dựng tạm và như vậy góp phần giải quyết nhu cầu về chỗ ở, giảm thiểu thiệt hại cho người dân.
“Chúng tôi hy vọng giải pháp này sẽ giải quyết được một phần bức xúc của người dân, để qua đó người dân sẽ đồng thuận với chính sách của TP”, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến bày tỏ.
Khắc phục vấn đề dân chưa đồng tình
Trước đó, phát biểu trong buổi làm việc đầu tiên của kỳ họp, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, nhắc lại một trong những công việc được tập trung trong năm 2018 là Thành ủy TPHCM và chính quyền các cấp của TP đã tập trung giải quyết các vụ việc khiếu nại kéo dài, trong đó có khiếu kiện, tố cáo của người dân Thủ Thiêm (quận 2).
Tính đến thời điểm hiện nay, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã họp 10 phiên, thông qua định hướng về giải pháp cho vấn đề Thủ Thiêm. “Khu đô thị mới Thủ Thiêm được triển khai đến nay đã 22 năm, nên không thể giải quyết thật nhanh được. Tuy nhiên, vấn đề nào TPHCM thực hiện đúng thì phải khẳng định và tiếp tục kiên trì thực hiện, điểm nào sai thì phải khắc phục, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của bà con”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ. 
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết thêm, trong kết luận kiểm tra của Thanh tra Chính phủ có yêu cầu làm rõ trách nhiệm của UBND TPHCM qua các thời kỳ liên quan đến quá trình triển khai thực hiện quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tính đến nay, TPHCM đã có 3 buổi làm việc với Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND TP các thời kỳ trước. Buổi làm việc cuối cùng vào sáng ngày 2-12 cũng đã kiến nghị các giải pháp để giải quyết. TPHCM cũng thống nhất chủ trương, đối với một số sai phạm, như việc thu hồi 4,3ha đất nằm ngoài ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Ở nội dung này, TPHCM đã xác định 321 hộ dân bị ảnh hưởng. Do đó, những hộ dân nào đã dời khỏi khu vực 4,3ha này mà bây giờ gặp khó khăn về chỗ ở thì UBND quận 2 mời vào ở khu tái định cư.
“Một số bà con nôn nóng trở về chỗ cũ, dựng lều ở tạm, nhưng đó không phải là căn cơ”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ và tái khẳng định, nếu người dân có nhu cầu sẽ được bố trí chỗ ở đảm bảo điều kiện sống tốt hơn, trong lúc chờ giải quyết dứt điểm vụ việc.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: “Năm 2019 là năm góp phần lấy lại niềm tin của nhân dân. Chỗ nào chúng ta làm chưa tốt, đồng bào chưa đồng tình thì phải khắc phục”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu. Đề cập đến giải pháp cụ thể, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân thông tin, Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM thống nhất chủ đề năm 2019 là: “Cải cách hành chính và đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14; 50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh hướng tới Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP lần thứ XI”.
Lấy phiếu tín nhiệm 30 vị trí chủ chốt
Chiều 4-12, các đại biểu đã thông qua danh sách 30 người sẽ được lấy phiếu tín nhiệm (dự kiến vào sáng nay, 5-12). Danh sách gồm 6 cá nhân thuộc khối HĐND TP là Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND, các trưởng ban của HĐND, Chánh Văn phòng HĐND TP và 23 người thuộc khối UBND TP là Chủ tịch UBND TP, Phó Chủ tịch UBND TP, Ủy viên UBND TP (là giám đốc các sở và Chánh Thanh tra TP).
Theo quy định, người giữ chức vụ do HĐND TP bầu có thời gian đảm nhiệm chức vụ liên tục chưa đủ 9 tháng (tính đến ngày khai mạc kỳ họp tổ chức lấy phiếu tín nhiệm của HĐND TP) thì không tổ chức lấy phiếu tín nhiệm. Do đó, kỳ họp không lấy phiếu tín nhiệm đối với 3 trường hợp (1 người là Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP và 2 Ủy viên UBND TP, do mới được bầu cách đây vài ngày). 
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị, các đại biểu nghiên cứu kỹ hồ sơ cá nhân (trong đó có bản kê khai tài sản) đối với các trường hợp sẽ lấy phiếu tín nhiệm; đồng thời các đại biểu cũng cần cân nhắc tình hình thực tế, ghi nhận những chuyển biến trong các lĩnh vực mà các cá nhân này phụ trách để đánh giá công tâm, khách quan, toàn diện.
Đồng chí NGUYỄN THIỆN NHÂN, Bí thư Thành ủy TPHCM:

6 “công thức” sai phạm điển hình

Trong năm 2018, TPHCM phải tiếp nhiều đoàn kiểm tra, thanh tra của Trung ương. Một số sai phạm đã được phát hiện và có cán bộ bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị khởi tố. Thực tế này cũng gây ra tâm lý lo lắng, cán bộ giải quyết công việc thận trọng hơn, nhưng không nên vì thế mà làm chậm lại trong giải quyết công việc. Các sai phạm xảy ra thời gian qua khá dễ nhận diện với 6 “công thức” sai phạm. Cụ thể: giao đất cho dự án không đấu thầu; giao đất giá rẻ; giao dự án với tổng mức đầu tư cao quá thực tế; thất thoát tài sản khi cổ phần hóa doanh nghiệp; dự án phê duyệt nhưng vật tư sử dụng không đúng như đăng ký ban đầu, máy móc không hiện đại nên chất lượng công trình giảm; quy trình triển khai dự án không đúng quy định.
Do đó, cán bộ, công chức cần biết và tránh để yên tâm làm việc. Nếu xác định không tránh được thì đứng sang một bên, đừng làm công chức nữa, vì làm công chức là tự nguyện (không ai bắt buộc) với cam kết chấp hành luật pháp, phục vụ nhân dân.

Các tin khác