Khắc phục gian lận trong đấu thầu

Hôm nay 11-7, phiên họp thứ 19 Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề trong dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Trước đó, dự án luật này đã được Quốc hội thảo luận bước đầu tại kỳ họp thứ 5 vừa qua.

Hôm nay 11-7, phiên họp thứ 19 Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề trong dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Trước đó, dự án luật này đã được Quốc hội thảo luận bước đầu tại kỳ họp thứ 5 vừa qua.

Theo tờ trình của Chính phủ, một quy định mới trong dự luật sửa đổi là ưu tiên phát triển nguồn lực, tạo cơ hội cho nhà thầu trong nước trúng thầu và tạo công ăn việc làm cho lao động trong nước.

Cụ thể, luật yêu cầu nhà thầu nước ngoài liên danh hoặc sử dụng nhà thầu phụ Việt Nam và chỉ được phép sử dụng lao động nước ngoài khi lao động trong nước không đủ khả năng thực hiện, không đáp ứng yêu cầu của gói thầu theo quy định của pháp luật.

Quy định nêu trên, nhằm tiếp tục khẳng định chính sách ưu tiên phát triển nguồn lực, tạo công ăn việc làm cho lao động trong nước, đồng thời từng bư ớc giúp nhà thầu nội tiếp nhận công nghệ và kinh nghiệm quản lý tiên tiến, nâng cao sức cạnh tranh, hạn chế tối đa tình trạng “thua trên sân nhà”.

Tại kỳ họp thứ 5, đa số đại biểu Quốc hội đều đồng tình với quy định trên, nhưng cho rằng những sửa đổi trên là chưa đủ. Quốc hội yêu cầu dự luật sửa đổi cần có những quy định mới khắc phục căn bản tình trạng gian lận trong đấu thầu, dẫn đến thất thoát tiền và tài sản quốc gia - vốn là nỗi bức xúc chung của người dân thời gian qua.

Việc thực hiện chính sách đấu thầu minh bạch, có tính giải trình cao sẽ nâng cao hiệu quả trong xây dựng cơ bản, bảo đảm nguồn lực cho đầu tư hạ tầng. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT), sau 6 năm thực hiện Luật Đấu thầu, nguồn vốn của Nhà nước đã tiết kiệm được hơn 106.000 tỷ đồng.

Từ năm 2007 đến nay, Bộ KH-ĐT đã thực hiện 50 cuộc kiểm tra, qua đó góp phần ngăn ngừa các hành vi sai phạm trong đấu thầu, đồng thời nâng cao chất lượng công tác đấu thầu. Qua đó có thể thấy rằng nếu các quy định trong Luật Đấu thầu chặt chẽ và minh bạch hơn, nguồn vốn nhà nước tiết kiệm được qua đấu thầu sẽ lớn hơn rất nhiều.

Để khắc phục tình trạng bất cập hiện nay trong hoạt động đấu thầu, bên cạnh việc đưa thêm nội dung xử phạt vào luật, điều cần bổ sung hơn cả chính là các quy định để đại biểu Quốc hội và người dân có thể giám sát toàn bộ quá trình thực hiện dự án, từ khâu chuẩn bị đến đấu thầu và xây dựng công trình. Một tình trạng gây bức xúc trong dư luận thời gian qua là hành vi thông thầu, “đi đêm” bằng những thỏa thuận ngầm để trúng thầu.

Đây là câu chuyện nói ra ai cũng biết, nhưng dường như biện pháp ngăn chặn, xử lý trên thực tế chưa phát huy tác dụng. Ngoài ra, gian lận không chỉ có trong đấu thầu mà có thể hình thành ngay từ giai đoạn thiết kế kỹ thuật, thiết kế hồ sơ mời thầu, xác định giải pháp thi công và trong quá trình xây dựng công trình.

Nếu tất cả những thông tin liên quan đến thiết kế kỹ thuật, giải pháp thi công, hồ sơ mời thầu, đơn giá dự toán chi tiết, đơn giá trúng thầu... đều được công khai, sẽ phát huy hiệu quả giám sát của các đại biểu nhân dân và người dân. Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin, chúng ta có đầy đủ điều kiện và phương tiện để thực hiện việc công khai này.

Một vấn đề được nhiều người quan tâm khi dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) được thảo luận ở Quốc hội, là xem xét lại vai trò của chủ đầu tư. Hiện nay, quy định về vai trò của chủ đầu tư quá lớn, từ lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, thẩm định và phê duyệt hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, tổ chức đấu thầu, xét thầu, phê duyệt danh sách ngắn, báo cáo kết quả xét thầu…

Điều này dẫn đến tiêu cực dễ xảy ra trong đấu thầu. Trong khi đó, vai trò của cấp quyết định đầu tư chỉ là phê duyệt kế hoạch đấu thầu của dự án, nhưng không theo dõi, giám sát việc triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, các quy định về chỉ định thầu, theo nhiều đại biểu Quốc hội đây là hành vi ít tính cạnh tranh nhất, dễ xảy ra tiêu cực nhất, nhưng lại được áp dụng phổ biến trong hoạt động đấu thầu.

Từ thực tế trên, để tránh tình trạng lạm dụng chỉ định thầu, các quy định về chỉ định thầu cần mang tính định lượng và cụ thể hóa, tránh các quy định mang tính định tính nhằm bảo đảm sự rõ ràng, minh bạch với quy định mang tính chất bí mật quốc gia, gói thầu thuộc dự án cấp bách vì lợi ích quốc gia.

Cần có quy định rõ ràng về thủ tục và khung pháp lý kiểm soát để làm cơ sở yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận một gói thầu thuộc các trường hợp nêu trên. Có như vậy mới khắc phục được triệt để tình trạng chủ đầu tư kiến nghị tràn lan, thủ tục thiếu nhất quán về điều kiện để được áp dụng chỉ định thầu.

Các tin khác